Xây dựng nông thôn mới ở Phăng Sô Lin
Đến với các bản của xã Phăng Sô Lin, nhà ở của người dân cơ bản khang trang hơn, đường giao thông mở rộng, bêtông đến tận bản, việc sản xuất được nâng lên.
Xã Phăng Sô Lin có 7 bản, 585 hộ, nơi sinh sống của 2 dân tộc: Dao, Mông. Đến nay xã đạt được 10 tiêu chí trong xây dựng NTM, đó là: Quy hoạch chung, giao thông, thủy lợi, giáo dục, điện, y tế, hệ thống chính trị, cơ sở hạ tầng thương mại, thông tin truyền thông, hình thức tổ chức sản xuất. Để có được kết quả trên, chính quyền xã tăng cường tuyên truyền, vận động, cử cán bộ bám nắm cơ sở vận động bà con thay đổi cách sản xuất, xóa bỏ hủ tục, tự mình vươn lên.
Đẩy mạnh phát triển giáo dục, xây dựng đường giao thông kết nối đến các bản, tăng tỉ lệ lao động, tạo thị trường buôn bán, cải thiện nguồn thu nhập. Ngoài ra, phối hợp với ngành Điện lực huyện, nhà mạng viễn thông đưa điện lưới, sóng điện thoại đến các bản, giúp người dân nắm bắt chủ trương, chính sách của Đảng, các mô hình kinh tế hay.
Cán bộ xã Phăng Sô Lin (huyện Sìn Hồ) tuyên truyền giúp người dân nâng cao ý thức trong xây dựng nông thôn mới.
Nhận thức người dân thay đổi, bà con tích cực hiến đất, góp công sức xây dựng kết cấu hạ tầng như: đường giao thông, kênh mương thủy lợi... Hiện nay, toàn xã có hơn 50km đường liên xã, nội bản được nhựa hóa, bêtông, một số tuyến đường đến bản Nậm Lúc 1, Nậm Lúc 2 đã được mở và sẽ trải nhựa trong thời gian tới.
Công trình thủy lợi được xây dựng đảm bảo tưới tiêu cho 607ha gieo trồng cây lương thực có hạt, đưa tổng sản lượng lương thực đạt 2.160 tấn, bình quân lương thực đầu người đạt 765kg/người/năm. Chăn nuôi phát triển với nhiều mô hình gia trại, đàn vật nuôi được chăm sóc đầy đủ dinh dưỡng, phòng chống dịch bệnh nên số lượng tăng lên gần 7.000 con gia súc, gia cầm, tốc độ tăng đàn 5%/năm. Người dân còn trồng cây dược liệu, cây ăn quả, từ đó, giảm tỉ lệ hộ nghèo còn 38,57%, thu nhập bình quân đầu người đạt 22 triệu đồng/năm. Ngoài ra, chất lượng giáo dục được nâng lên, 100% trẻ trong độ tuổi đến trường, công tác khám, chữa bệnh nâng cao, hủ tục chữa bệnh không còn, người dân có ý thức bảo vệ môi trường sống.
Bà Tẩn Mỹ Lù (bản Săng Tăng Ngai) cho biết: Xây dựng NTM mang lại nhiều nét đổi thay đến với cuộc sống dân bản, bà con được tiếp cận với khoa học kỹ thuật, các nguồn vốn vay để giảm nghèo, xây dựng các mô hình kinh tế. Con trẻ được đến trường, giao thông thuận tiện đảm bảo đi lại, việc khám, chữa bệnh đến tận bản. Chúng tôi sẽ cùng chính quyền xã khắc phục khó khăn hoàn thành các tiêu chí.
Người dân trong xã phát triển kinh tế gia đình vẫn còn nhỏ lẻ.
Tuy nhiên, xã vẫn còn 9 tiêu chí chưa đạt, trong đó một số tiêu chí khó đạt như: thu nhập, hộ nghèo, môi trường, văn hóa. Nguyên nhân là do trình độ nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, điều kiện tự nhiên, khí hậu của địa phương chưa đáp ứng được sản xuất hiện đại, lối sống còn hủ tục, nhiều người muốn làm giàu nhanh đã đi theo kẻ xấu buôn bán ma túy, nghiện hút khiến cuộc sống càng thêm khó khăn. Bên cạnh đó, việc thả rông đàn vật nuôi, thói quen vứt rác bừa bãi vẫn còn.
Anh Chẻo Liều Pao - Chủ tịch UBND xã Phăng Sô Lin cho biết: Để giải quyết các tiêu chí khó, xã tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân chung tay cùng chính quyền xây dựng, tham mưu UBND huyện triển khai các mô hình kinh tế, nâng cao chất lượng nguồn lao động, rà soát, giúp đỡ, hỗ trợ các hộ nghèo, duy trì, khôi phục bản sắc văn hóa, đấu tranh, loại bỏ các tệ nạn, hủ tục. Hết năm nay, xã phấn đấu đạt tiêu chí an ninh.
Thái Hà
Bình luận