Thứ năm, 28/11/2024, 14:39 [GMT+7]

"Có thực mới vực được đạo"

Thứ ba, 05/07/2022 - 08:42'
Thời gian qua, tình trạng một số nhân viên y tế trong khu vực công xin nghỉ việc để chuyển sang khu vực y tế tư nhân, hoặc làm công việc khác có thu nhập tốt hơn, có thời gian chăm sóc gia đình… đang đặt ra một số vấn đề trong chính sách thu hút, sử dụng và đãi ngộ nguồn nhân lực này...

Theo lãnh đạo Bộ Y tế, nguyên nhân có nhiều, song chủ yếu là do thu nhập thấp, lương và chế độ phụ cấp chưa bảo đảm nhu cầu cuộc sống, nhất là tại các cơ sở y tế dự phòng và y tế cơ sở; áp lực công việc cao, cường độ lao động lớn, đặc biệt từ khi dịch COVID-19 bùng phát; môi trường làm việc nguy hiểm, nguy cơ mắc bệnh cao, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Ngoài ra, có thể vì lý do gia đình, sức khỏe, ảnh hưởng tâm lý do tác động của các vụ việc vi phạm quy định của pháp luật trong ngành y tế thời gian qua...

Đáng chú ý, do chính sách thu hút nguồn nhân lực tốt của hệ thống y tế tư nhân, nhất là đối với những nhân lực có trình độ cao, chuyên môn sâu và giàu kinh nghiệm.

 Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 (Ảnh minh họa, nguồn: Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh)

 Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 (Ảnh minh họa, nguồn: Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh)

Trước thực trạng này, Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 56/2011/NĐ-CP trong đó đề xuất tăng mức phụ cấp cho cán bộ y tế cơ sở, y tế dự phòng từ 40 - 70% lên 100%; Nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế.

Đồng thời, phối hợp với Bộ Nội vụ để hướng dẫn việc tổ chức các trạm y tế theo quy mô dân số theo Kết luận 25-KL/TW ngày 30/12/2021 của Bộ Chính trị về công tác phòng, chống dịch COVID-19 (2022 - 2023). Bộ cũng chú trọng biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong công tác y tế, huy động nguồn lực xã hội để hỗ trợ, giảm bớt khó khăn, kịp thời động viên cán bộ y tế...

Giáo dục và Y tế được đánh giá là 2 trụ cột, cốt lõi trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của bất kỳ quốc gia nào, cụ thể là đào tạo con người và bảo vệ, giữ gìn sức khỏe cho con người, ở nước ta được so sánh "Cô giáo như mẹ hiền" và "Lương y như từ mẫu".

Thế nhưng sự động viên đã "thực chất" khi mà hàng nghìn y bác sĩ chưa nhận được khen thưởng chống dịch dù Sở Y tế địa phương A đã in xong giấy khen? Số tiền khoảng chục tỷ đồng không hiểu vì lý do gì vẫn đang "ở đâu đó” theo như lý giải của Giám đốc Sở Y tế địa phương A "Gọi Ban thi đua thì được trả lời là không có kinh phí, gọi Sở Tài chính thì được trả lời chỉ cấp cho Ban thi đua. Liên lạc lại với Ban thi đua thì nhận được trả lời chỉ cấp kinh phí cho bằng khen chứ không cấp cho giấy khen".

Dù có yêu công việc đến thế nào (nếu không đã không toàn tâm toàn ý theo học ngành y trong từng đó năm, vất vả những giờ thực hành, ca thực tập trực đêm…), mong muốn gắn bó với cơ sở y tế kể cả đó chưa chắc đã phải là nơi thuận lợi nhất (cơ sở vật chất, mối quan hệ đồng nghiệp, thu nhập hằng tháng…), nhưng qua cơn bão COVID-19, sự nỗ lực vượt khó khăn, vất vả, hi sinh vì sức khỏe cộng đồng của họ được ghi nhận, đáp đền đã phù hợp như thế nào...

Năm 2021, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam công bố kết quả nghiên cứu "Tình trạng lương khu vực công đối với nhân viên y tế tuyến đầu trong làn sóng dịch COVID-19", cho thấy lương bình quân khoảng 7,36 triệu đồng, trong khi chi phí sinh hoạt bình quân ở đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM là 10 - 11 triệu đồng. Với mức lương này, chỉ 19,1% nhân viên y tế cho biết có thể chi trả hoàn toàn chi phí sinh hoạt.

Bên cạnh đó, vấn đề dư luận quan tâm thời điểm này là cơ chế, chính sách hay do chính yếu tố con người mà thu nhập của nhiều y bác sĩ vẫn thấp. Ai đó thốt lên rằng: “10 năm làm ngành y lương chưa chắc bằng chủ quán phở, tức là người làm chủ lao động chân tay cũng có lương cao hơn chúng tôi” có thực sự khiến chúng ta suy nghĩ... để có giải pháp phù hợp với thực tế hiện nay.

Trong điều kiện sức khỏe toàn dân tương đối bình thường, nhân viên y tế các cấp đã vất vả, chắc chắn sự đồng cảm và công nhận sự cố gắng của họ là có, chứ chưa nói tới giai đoạn cao điểm của dịch bệnh. Nhưng ngoài sự ghi nhận ấy, họ cần được đãi ngộ chính sách phù hợp với nhu cầu thực tiễn của cuộc sống hiện nay... Bản thân họ không bao giờ mong đồng nghiệp viết đơn rồi nghỉ việc?

Có người mượn hình ảnh "cái chân đau" trong tác phẩm “Lão Hạc” của nhà văn Nam Cao để nói về vấn đề: "Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu? Khi người ta khổ quá thì người ta chẳng còn nghĩ gì đến ai được nữa...". Do vậy, nếu từ tâm để những "từ mẫu, mẹ hiền" quá vất vả thì dường như chính chúng ta cũng phải chịu vất vả lắm thay...

Trong công tác thi đua khen thưởng, thường thì Giấy khen và phần thưởng (cụ thể ở đây là tiền thưởng) phải luôn song hành thì mới phát huy được hiệu quả.

Người xưa thường nói "Có thực mới vực được đạo". Còn đối với nhân viên y tế nói chung, ở bất kỳ cấp nào, đơn giản họ chỉ mưu cầu công việc cứu người đúng nghĩa cùng với sự đãi ngộ xứng đáng để mưu cầu cuộc sống bình an ./.

Cập nhật Thứ ba, 05/07/2022 15:34 (GMT+7)/ Anh Tuấn/https://dangcongsan.vn

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Trưởng bản gương mẫu làm kinh tế
Ở bản Bút Trên (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên), dân bản luôn dành sự ngưỡng mộ đối với trưởng bản Cầm Văn Nhờ bởi cách làm kinh tế của gia đình anh. Tận dụng vốn liếng của cha mẹ để lại, gia đình...