Chủ nhật, 01/12/2024, 09:18 [GMT+7]

Thận trọng với trái cây không rõ nguồn gốc

Thứ hai, 01/04/2024 - 10:35'
Mặc dù giá cả cao hơn, tuy nhiên trái cây nhập ngoại hiện được nhiều khách hàng ưa chuộng. Vậy nhưng, các loại trái cây đó có đảm bảo nguồn gốc xuất xứ hay người kinh doanh chỉ lợi dụng dán nhãn mác của thương hiệu có tiếng để đẩy giá. Nếu đúng như vậy sẽ gây ảnh hưởng tới sức khỏe, lợi ích của người tiêu dùng.

Dạo một vòng quanh thành phố Lai Châu từ các chợ truyền thống đến cửa hàng, siêu thị, chúng tôi dễ dàng nhận thấy trái cây nhập khẩu bày bán rất nhiều. Tại cửa hàng bán hoa quả tại phường Đông Phong, chị Trần Thị T. - chủ cửa hàng chia sẻ: Tôi bán cả trái cây trong tỉnh, trong nước sản xuất và trái cây của nước ngoài (nhập khẩu từ Mỹ, Úc, New Zealand). Đảm bảo uy tín, sức khỏe người tiêu dùng, tôi luôn chú trọng nhập hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ, giấy chứng nhận nhập khẩu của các công ty cung ứng. Đã không ít lần được “chào hàng” những loại trái cây gắn tem hàng xuất khẩu với mã vạch đầy đủ nhưng giá rẻ và không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, tôi đều từ chối.
Theo khảo sát của phóng viên, giá một số trái cây ngoại như: nho và táo Mỹ, Úc thường có giá từ 125-250 nghìn đồng/kg; mận Úc 150-199 nghìn đồng/kg; cherry có giá từ 250 nghìn đồng/kg, có thời điểm lên tới 500 nghìn đồng/kg. Còn trái cây nội như: cam sành Hà Giang 15 nghìn đồng/kg; quýt và dâu Mộc Châu 50-100 nghìn đồng/kg… Nếu so về giá cả, trái cây ngoại cao gấp 2-4 lần so với trái cây nội nhưng vẫn thu hút khách hàng. Vậy có phải khách hàng nào cũng đánh giá được chất lượng sản phẩm và tư thương mặc định là trái cây nhập khẩu, có dán mã số để thổi phồng giá lên cao hơn so với trái cây nội.

Khách hàng nên lựa chọn những cơ sở uy tín để mua trái cây nhằm bảo vệ sức khỏe.

Chị T. chia sẻ thêm: “Không ít khách tới đây mua hàng và so sánh cùng loại quả mua từ nơi khác mà giá thành khác nhau. Khi cho xem hóa đơn nhập hàng mới thấy giá họ mua còn chưa bằng giá nhập tại nước ngoài mà còn tiền công vận chuyển, tiền khấu hao thối hỏng. Vậy câu hỏi đặt ra, liệu trái cây đó có phải nhập khẩu và có đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, trái cây nhập khẩu đa dạng về mẫu mã sản phẩm, chỉ cần nhìn mã số dán trên từng loại quả (mã PLU code, viết tắt của từ Price Look-up) là có thể biết được thông tin về xuất xứ, nguồn gốc, lượng hóa chất có trong trái cây. Và, chỉ một loại quả đó nhưng lại có nhiều mã, chủ yếu các mã bắt đầu từ đầu: 3, 4, 8, 9. Mỗi mã có một ý nghĩa khác nhau như: mã đầu 3### được trồng theo cách ứng dụng bức xạ i-on hóa; 4### phương pháp trồng trọt phổ thông; 8#### biến đổi gen; 9#### phương pháp trồng hữu cơ. Vậy có thực sự tốt cho sức khỏe hay không nếu như người tiêu dùng không am hiểu kiến thức về trái cây nhập khẩu mà chỉ là “sính đồ ngoại” và chỉ cần trái cây có “mác ngoại” dù giá có cao nhưng vẫn mua”.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, một trong những lý do trái cây nhập khẩu được ưa chuộng và có giá thành cao bởi màu sắc bắt mắt, đa dạng về chủng loại và gắn thêm mác hàng ngoại. Thế nhưng không ít người đã rơi vào cảnh dở khóc, dở cười khi mua phải những loại trái cây nhập khẩu nhưng chất lượng không bằng trái cây trồng trong nước. Bà Lương Thị Vọng ở phường Quyết Tiến (thành phố Lai Châu) chia sẻ: Cách đây vài tháng tôi mua táo, cam về thắp hương tại hàng bán hoa quả tại chợ Đoàn Kết. Được người bán giới thiệu là táo Mỹ và cam Úc nhập khẩu. Tuy nhiên, sau khi ăn gần 1 giờ, tôi đau bụng và nôn cả đêm. Sáng hôm sau đi khám, bác sỹ chẩn đoán có thể bị ngộ độc do ăn trái cây. Từ đó, tôi luôn thận trọng và ưu tiên mua trái cây trồng trong nước và có nguồn gốc rõ ràng.
Câu chuyện “tiền mất, tật mang” không chỉ bà Lương Thị Vọng mà chị Lương Thị Tuyết ở thị trấn Phong Thổ (huyện Phong Thổ) cũng gặp phải hoàn cảnh tương tự. Chị Tuyết nói: Tôi thường mua trái cây nhập khẩu từ thành phố Lai Châu gửi về và tại các cửa hàng ở chợ thị trấn. Tuy nhiên, các loại trái cây nhập khẩu thường có mẫu mã bên ngoài đẹp nhưng bên trong lại thối. Có lần tôi có triệu chứng hoa mắt, chóng mặt và nôn, phải truyền thải độc và uống nước bù điện giải để hồi phục sức khỏe sau khi ăn trái cây đó. Giờ thì tôi tìm hiểu kỹ hơn nguồn gốc trái cây trước khi mua và cũng ưu tiên sử dụng trái cây sản xuất trong nước, trong tỉnh.
Ông Đỗ Văn Tính - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh nhấn mạnh: Để ngăn chặn tình trạng gắn “mác ngoại” nhằm buôn bán hàng giả, hàng nhái và đội giá, người dân nên lựa chọn và tìm hiểu kỹ thông tin trước khi mua; cần lựa chọn mua ở những cơ sở uy tín, không mua trái cây giá rẻ, không rõ nguồn gốc xuất xứ tránh mua phải trái cây nhái hàng ngoại. Đồng thời, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tố giác các hành vi buôn bán, vận chuyển hàng kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và hàng nhập lậu. Khi phát hiện các trường hợp vi phạm cần liên hệ, báo cho cơ quan chức năng. Qua đó, nhằm ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi buôn hàng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn, bảo vệ nông sản Việt và quyền, lợi ích chính đáng của người tiêu dùng.
Hiện nay, ngành Nông nghiệp của nước ta đã và đang phát triển với những dấu ấn đặc biệt, nhất là trong trồng trọt. Đã có rất nhiều loại trái cây được xuất khẩu sang các nước, mang lại nguồn thu lớn cho nông dân, doanh nghiệp. Thiết nghĩ, thay vì lựa chọn hàng mang nhãn mác nhập khẩu nhưng không chắc chắn về chất lượng, chúng ta hãy thay đổi thói quen, sử dụng trái cây của chính nông dân trong nước, trong tỉnh sản xuất. Điều đó không chỉ thúc đẩy sản xuất còn thiết thực hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” bằng hành động thiết thực, cụ thể.

Vương Trang

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Trưởng bản gương mẫu làm kinh tế
Ở bản Bút Trên (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên), dân bản luôn dành sự ngưỡng mộ đối với trưởng bản Cầm Văn Nhờ bởi cách làm kinh tế của gia đình anh. Tận dụng vốn liếng của cha mẹ để lại, gia đình...