Thứ năm, 28/11/2024, 17:44 [GMT+7]

Điện thoại di động nghe ở chỗ cố định

Thứ hai, 30/01/2012 - 14:25'
(BLC) - Ở Trạm Biên phòng Pô Tô có một nét khác biệt mà không mấy người có thể hình dung ra, đó là điện thoại di động nhưng chỉ nghe ở chỗ cố định!

Cán bộ chiến sỹ Trạm Biên phòng Pô Tô (Đồn Biên phòng Huổi Luông) gọi điện thoại về cho người thân.

Chuyện tình cờ như thể trời thương mà làm ra thế. Số là tầm này năm ngoái, trong một lần đi kiếm rau rừng trung úy Đỗ Đình Đức (Trạm Biên phòng Pô Tô thuộc Đồn Biên phòng Huổi Luông, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Lai Châu) bỗng giật mình khi điện thoại di động trong túi áo bỗng nhiên đổ chuông. Thật kỳ diệu! Cái di động mang theo cốt để nghe nhạc và xem giờ, không ngờ đổ chuông và điều đó có nghĩa chỗ này có “sóng rơi di động”.   

Việc đầu tiên mà anh lính gần mười tuổi quân phải làm là bê một hòn đá to đánh dấu chỗ mình vừa đứng nghe điện thoại. Dọc đường về trạm, tâm trí Đỗ Đình Đức vui bao nhiêu thì cũng băn khoăn bấy nhiêu. Anh phân vân không biết phải nói thế nào để anh em trong trạm tin đúng là gần cột mốc 66 (2) có... sóng rơi điện thoại di động?

May thay, chính phần mềm ghi chép mặc định về “cuộc gọi đến” đã thuyết phục mọi người, rằng chỉ cách đây chưa đầy 30 phút, điện thoại di động của Đức nhận được một cuộc gọi như mọi cuộc gọi di động khác! Đơn giản thế thôi, nhưng đó được xem như một “sự kiện lớn” trong đời sống tinh thần của 7 CBCS Trạm biên phòng Pô Tô.

Kể từ hôm đó, theo sáng kiến của trung úy, Trạm trưởng Nguyễn Văn Công, hàng ngày có một chiến sỹ vừa trực gác vừa đồng thời trực điện thoại di động cho cả trạm. Theo đó, anh em trong trạm ai có điện thoại di động đều đem ra đấy, mỗi khi máy nào đó báo chuông, người trực chạy về trạm thông báo cho người có cuộc gọi đến ra nghe điện thoại. Được cái cả trạm cũng chỉ có vài cái máy, nên không lẫn của ai bao giờ.

Việc dựng một cái lán tạm cho “nhân viên viễn thông” được coi như không có gì khó khăn. Tuy nhiên, cái khó nằm ở chỗ nhận được tín hiệu cuộc gọi đến, bao giờ người trực cũng phải mở máy rồi nói, đại loại: “Bác thông cảm chờ cho ít phút, cháu chạy đi gọi anh ấy ngay bây giờ”. Rồi chẳng đợi “đối tác” đồng ý hay không, chiến sỹ nọ phăm phăm lao lên đồi bất kể trời mưa hay nắng, đêm hay ngày và không ít lần, chạy sắp đứt hơi mà khi quay lại thì người gọi đã tắt máy từ lúc nào.

Điều đó có nghĩa người ta không đủ kiên nhẫn chờ cho mấy phút; hoặc người ta không thể hình dung tại sao giữa thời đại công nghệ thông tin mà có nơi không có cả sóng điện thoại di động? Và thấm thía hơn một chút, rất có thể người ta không tưởng tượng nổi cuộc sống người lính biên phòng khó khăn, thiếu thốn nhường ấy - khó khăn, thiếu thốn đến mức ngay việc liên lạc điện thoại cũng như một thứ “xa xỉ phẩm thời thượng” nào đó...

Vui nhất và cũng “hưởng lợi” nhiều nhất có lẽ là mấy cậu lính trẻ đang yêu. Ngày nghỉ họ trực gần như 24/24 giờ bên hòn đá - nơi có chút sóng di động như một sự “bù đắp” không cố ý của nhà cung cấp dịch vụ viễn thông. Một chút sóng chập chờn, hư ảo và mong manh như mây, như gió, như “câu chuyện thần thoại” về điểm hứng sóng trên đỉnh cao 1.400 mét Pô Tô.

Nếu có thể, mời bạn lên thăm Trạm Biên phòng Pô Tô. Nơi đây có đường biên giới vững chắc, có cột mốc đánh dấu sự toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ quốc gia và có những người lính thỉnh thoảng lại làm cuộc ma-ra-tông hộc tốc trong rừng để nghe điện thoại di động ở chỗ cố định.

Mời bạn hãy ngồi xuống cạnh hòn đá xù xì rồi mở máy di động ra, để nghe tiếng mẹ, tiếng vợ, tiếng em và nói chung là lời yêu thương của những người thương yêu tại điểm hứng sóng hiếm hoi nơi tiền đồn biên giới Lai Châu...

 

Đức Duẩn

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Trưởng bản gương mẫu làm kinh tế
Ở bản Bút Trên (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên), dân bản luôn dành sự ngưỡng mộ đối với trưởng bản Cầm Văn Nhờ bởi cách làm kinh tế của gia đình anh. Tận dụng vốn liếng của cha mẹ để lại, gia đình...