Chủ nhật, 01/12/2024, 12:12 [GMT+7]

Xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh

Thứ tư, 02/03/2016 - 22:47'
(BLC) - Những năm qua, lực lượng Bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh ta đã phát huy vai trò nòng cốt, triển khai toàn diện các mặt công tác biên phòng, tạo nền tảng để xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân ngày càng vững chắc.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, khu vực biên giới của tỉnh ta gồm 4 huyện với 23 xã. Trong đó, phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống; trình độ dân trí không đồng đều, nhiều thôn, bản còn “trắng” đảng viên. Trong khi đó, các thế lực thù địch lợi dụng tuyên truyền các luận điệu sai trái, thù địch; lôi kéo di dịch cư tự do, gây tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Vì thế, BĐBP đã chủ động tham mưu lãnh, chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp xây dựng khu vực biên giới vững mạnh. Trong đó, tập trung tăng cường công tác tuyên truyền vận động, dãn dân ra khu vực biên giới, giúp dân phát triển kinh tế, củng cố hệ thống chính trị…

Quân y Đồn Biên phòng Ka Lăng (huyện Mường Tè) tuyên truyền bà con cách phòng tránh một số bệnh thông thường .

Trên cơ sở quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm quốc phòng của Đảng và nhận thức rõ tầm quan trọng của địa bàn, Đảng ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã ban hành Nghị quyết 36-NQ/ĐU về “BĐBP tỉnh tham gia lao động sản xuất phát triển kinh tế - xã hội ở các xã biên giới”; xây dựng Quy chế phối hợp hoạt động giữa Đảng ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh với 4 huyện biên giới và Quy định về nhiệm vụ, phương thức hoạt động tổ công tác BĐBP tăng cường cho các xã biên giới.

Để nâng cao hiệu lực lãnh, chỉ đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền cơ sở, từ năm 2010 đến nay, Bộ Chỉ huy BĐBP đã tham mưu giới thiệu, điều động trên 20 cán bộ biên phòng giữ các chức danh: bí thư, phó bí thư thường trực Đảng ủy các xã biên giới. Cán bộ BĐBP tăng cường cho các địa bàn được lựa chọn bảo đảm về phẩm chất đạo đức, năng lực, tác phong và phương pháp công tác tốt; am hiểu phong tục tập quán của đồng bào và có uy tín với cấp ủy, chính quyền địa phương. Cùng với đó, tăng cường đảng viên các đồn biên phòng tham gia sinh hoạt đảng ở chi bộ các thôn, bản biên giới. Qua đó, góp phần xây dựng các tổ chức đoàn thể vững mạnh, tạo phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và giữ gìn an ninh trật tự xóm, bản khu vực biên giới.

Tại các xã, đội ngũ cán bộ biên phòng được tăng cường đã phát huy năng lực, sở trường, tham gia có hiệu quả công tác xây dựng Đảng, chính quyền cơ sở, sâu sát địa bàn, thực hiện tốt công tác vận động quần chúng. Đến nay, hệ thống chính trị ở các xã biên giới được củng cố kiện toàn, hoạt động có nền nếp; hiệu lực lãnh đạo, quản lý điều hành của cấp ủy, chính quyền cơ sở có nhiều chuyển biến tích cực. Nhất là trong tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới.  

 Nét nổi bật là, từ chủ trương đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân khu vực biên giới đã mang lại diện mạo mới cho vùng biên giới. BĐBP đã tham mưu đề xuất nhiều chủ trương, biện pháp giúp cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiệm vụ kết hợp phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới, gắn với yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng thế trận biên phòng toàn dân. Nhiều dự án, công trình thiết yếu phục vụ dân sinh được đầu tư hiệu quả như: dự án xây dựng mô hình điểm về trồng rừng, phát triển kinh tế vườn, ao, chuồng, dự án sắp xếp, điều chỉnh dân cư biên giới; dự án bảo tồn và phát triển bền vững dân tộc La Hủ, Cống, Mảng, Si La…

Trung tá Nguyễn Thái Nguyên - Chính trị viên Đồn Biên phòng Ka Lăng cho chúng tôi biết: Những năm qua, Đồn triển khai nhiều hoạt động thiết thực như: tăng cường tổ, đội công tác xuống các địa bàn trọng điểm tích cực tham mưu cho cấp ủy chính quyền cơ sở về phát triển kinh tế - xã hội; đỡ đầu học sinh có hoàn cảnh khó khăn; hướng dẫn bà con phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo; đẩy mạnh phong trào "Tự quản đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự… Do vậy không chỉ góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân trên địa bàn; huy động sức mạnh toàn dân đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm mà việc tuần tra, kiểm soát bảo vệ đường biên, cột mốc của CBCS có sự tham gia của bà con các dân tộc, khu vực biên giới do đồn quản lý ngày càng ổn định hơn.

Bên cạnh đó, BĐBP nỗ lực tuyên truyền vận động Nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xóa đói giảm nghèo. Song song với việc xây dựng mỗi đồn Biên phòng là một mô hình kinh tế để Nhân dân học tập, làm theo thì cán bộ chiến sỹ các đồn tăng cường bám nắm cơ sở, cầm tay chỉ việc, hướng dẫn bà con đưa các giống cây, con mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Từng bước xây dựng các mô hình kinh tế có hiệu quả kinh tế cao. Phối hợp tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao nhằm gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Vận động bà con cho trẻ trong độ tuổi ra lớp, nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khỏe gia đình và cộng đồng. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới được giữ vững; đời sống vật chất, tinh thần của Nhân được cải thiện đáng kể. Bà con các dân tộc yên tâm sinh sống, lao động và sản xuất. Tại các xã biên giới, đã thành lập được 141 tổ với hơn 10.000 hộ tự nguyện tham gia tự quản đường biên, cột mốc, tự quản an ninh trật tự ở các xã, bản. Hàng năm có trên 2.000 lượt người dân tham gia cùng CBCS biên phòng tuần tra biên giới …

Với những giải pháp thiết thực và hiệu quả, lực lượng biên phòng tỉnh ta không chỉ bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn mà thiết thực củng cố các yếu tố bảo đảm cho sự ổn định và phát triển của địa bàn, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Hiện nay, 23/23 xã biên giới đã thành lập được Đảng bộ cơ sở (tăng 80% so với năm 1994), 348 chi bộ trực thuộc, 2.308 đảng viên (1.804 đảng viên là người dân tộc thiểu số), 100% các bản có đảng viên (xóa 45 bản “trắng” đảng viên). Xây dựng và củng cố: 11 ban chỉ huy quân sự xã; 9 ban công an xã; 248 hội, chi hội phụ nữ; 226 hội, chi hội nông dân; 270 tổ chức đoàn cơ sở, chi đoàn; 129 hội cựu chiến binh. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của các hộ dân thuộc khu vực biên giới đạt 18,2 triệu đồng/năm, (tăng 1,85 lần so với năm 2010); tỷ lệ hộ nghèo giảm từ gần 61% (năm 2003) xuống còn 20,48%.

Hồng Luyến

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Trưởng bản gương mẫu làm kinh tế
Ở bản Bút Trên (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên), dân bản luôn dành sự ngưỡng mộ đối với trưởng bản Cầm Văn Nhờ bởi cách làm kinh tế của gia đình anh. Tận dụng vốn liếng của cha mẹ để lại, gia đình...