Chủ nhật, 01/12/2024, 08:05 [GMT+7]

Tinh gọn trong giai đoạn mới

Thứ hai, 10/07/2023 - 11:27'
Việc sắp xếp đơn vị hành chính nói chung, đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nói riêng là một trong những chủ trương nhất quán được Đảng và Nhà nước ta xác định ngay từ đại hội khóa XII. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã bộc lộ những bất hợp lý cần phải được điều chỉnh sớm.

Bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ đất đai TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) mới hợp nhất. Ảnh: ANH PHƯƠNG


Bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ đất đai TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) mới hợp nhất. Ảnh: ANH PHƯƠNG

Đầu tháng 7, Đảng đoàn Quốc hội đã có phiên họp cho ý kiến về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030. Trước đó, tại phiên họp thứ 23, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, định hướng xây dựng dự thảo nghị quyết về vấn đề này.

Nhất quán chủ trương

Chủ trương nhất quán về việc sắp xếp đơn vị hành chính được thể hiện rõ nét trong Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII "Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả". Tại Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII "Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới", một lần nữa chủ trương này được khẳng định lại.

Để đưa nghị quyết vào đời sống, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, thống nhất bảo đảm nguyên tắc các đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp phải đáp ứng các tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số, chất lượng đô thị của loại đơn vị hành chính tương ứng. Trường hợp có yếu tố đặc thù về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, cộng đồng dân cư, yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phát triển kinh tế-xã hội thì Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Đồng thời, cần nghiên cứu, có cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc thù đối với đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã hình thành sau sắp xếp để khuyến khích, tạo động lực cho các địa phương thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính. Quy trình, thủ tục, hồ sơ đề án sắp xếp cần được đơn giản hóa, rõ trách nhiệm của các cơ quan, tăng tính chủ động của chính quyền địa phương và cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành trong quá trình xây dựng đề án.

So với Nghị quyết 653/2019/UBTVQH14 về thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021, dự thảo nghị quyết dự kiến áp dụng trong giai đoạn 2023-2030 có nhiều bổ sung, phát triển quan trọng.

Như, quy định cụ thể các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện sắp xếp, không bắt buộc sắp xếp. Làm rõ nội dung khuyến khích sắp xếp đơn vị hành chính; sắp xếp tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức và giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức dôi dư; bổ sung chế độ, chính sách đặc thù đối với các đơn vị hành chính sau khi thực hiện sắp xếp; việc xử lý trụ sở, tài sản của các cơ quan, tổ chức trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính...

Những bài học quý

Lần đầu kể từ khi thành lập nước đến nay, nước ta mới có cuộc tổng rà soát, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã trên quy mô toàn quốc như giai đoạn 2019-2021. Kết quả, cả nước giảm tám đơn vị hành chính cấp huyện và 561 đơn vị hành chính cấp xã. Cùng với đó, cả nước đã giảm được 3.437 cơ quan ở cấp xã và 429 cơ quan ở cấp huyện. Tổng số cán bộ, công chức của 21 đơn vị hành chính cấp huyện thực hiện sắp xếp (tại thời điểm tiến hành sắp xếp) là 2.411 người; số được bố trí theo đúng quy định là 1.705 người; số dôi dư là 706 người. Ở cấp xã, tổng số cán bộ, công chức của 1.056 đơn vị hành chính cấp xã tại thời điểm tiến hành sắp xếp là 20.417 người; số được bố trí theo đúng quy định là 10.712 người; số dôi dư là 9.705 người.

Việc giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức dôi dư và việc chấm dứt hợp đồng đối với viên chức, người lao động, người hoạt động không chuyên trách dôi dư do sắp xếp được nhìn nhận là đã thực hiện theo đúng quy định, bảo đảm kịp thời, minh bạch.

Tuy nhiên, số lượng người dôi dư cần tiếp tục giải quyết còn nhiều. Bên cạnh đó, giai đoạn đầu sau khi thực hiện sắp xếp, đời sống sinh hoạt của nhân dân ở một số địa phương cũng chịu tác động nhất định do phải điều chỉnh thông tin, thay đổi địa chỉ…

Thêm nữa, tiêu chí về diện tích tự nhiên đã không còn phù hợp. Diện tích được tính toán theo kích thước "đường chim bay", nhưng đường đi thực tế ở khu vực miền núi mà tính theo "đường chim bay" thì hết sức bất tiện cho người dân. Thanh Đức và Xín Chải (Vị Xuyên, Hà Giang) là hai xã thuộc diện phải sắp xếp theo Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14, nhưng mặc dù khoảng cách từ hộ dân này đến hộ dân khác, điểm dân cư này đến điểm dân cư khác ở đây nếu tính theo "đường chim bay" chỉ khoảng vài trăm mét, song đường đi thực tế lên tới vài km, thậm chí hàng chục km do phải vượt núi, vòng qua suối, khe, vực... Đường đi thực tế từ thôn cuối của xã Xín Chải tới trung tâm xã là 20km. Nếu nhập hai xã này vào thì người dân đi lại sẽ rất khó khăn. Chính vì thế mà Hà Giang đã đề nghị chưa tiến hành sắp xếp.

Câu chuyện tiếp theo liên quan đến sử dụng tài sản công. Nhiều địa phương sau sắp xếp xảy ra tình trạng hàng loạt công trình trụ sở cấp xã, điểm trường học, nhà văn hóa thôn, khu dân cư dôi dư bị xuống cấp, lãng phí. Chẳng hạn, sau sáp nhập, toàn tỉnh Lào Cai có 17 công trình của các đơn vị hành chính cũ chưa sử dụng (15 trụ sở cấp xã, hai trạm y tế xã). Nghịch lý thay, trong khi nhiều nơi thiếu trụ sở làm việc, trụ sở ở nhiều huyện, xã lại bị đóng cửa bỏ không, xuống cấp gây lãng phí lớn. Thậm chí tại Quảng Ninh, tỉnh được ghi nhận là một trong những địa phương thực hiện rất tốt chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, thì sau sắp xếp, chỉ riêng thành phố Hạ Long vẫn còn 54 nhà đất chưa có phương án xử lý do chưa phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng…

Và đó mới chỉ là một vài trong số nhiều việc cần xử lý khi tiến hành sắp xếp lại các đơn vị hành chính. Dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các văn bản hướng dẫn tới đây cần tháo gỡ được những vướng mắc đó để thật sự có được một bộ máy hành chính gọn và tinh, tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho một giai đoạn mới.

Công tác sắp xếp đơn vị hành chính không chỉ cần làm rõ quy định những trường hợp không thực hiện sắp xếp, mà cần bổ sung những nguyên tắc khoa học trong quá trình triển khai.

Cập nhật Thứ bảy, ngày 08/07/2023 - 11:35/CẨM HÀ /https://nhandan.vn

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Trưởng bản gương mẫu làm kinh tế
Ở bản Bút Trên (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên), dân bản luôn dành sự ngưỡng mộ đối với trưởng bản Cầm Văn Nhờ bởi cách làm kinh tế của gia đình anh. Tận dụng vốn liếng của cha mẹ để lại, gia đình...