Thảo luận tại tổ kỳ họp thứ hai mươi mốt, HĐND tỉnh khóa XV:
Tâm huyết, trách nhiệm
*Nghị quyết thông qua tại kỳ họp tác động lớn đến đối tượng thụ hưởng
Cần có giải pháp hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn 2021 - 2025
Đại biểu Lò Minh Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh đoàn (tổ thảo luận số 2): Báo cáo kết quả giám sát thực hiện Nghị quyết số 39/2020NQ-HĐND, ngày 13/12/2020 của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 nêu rõ, tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 13 chỉ tiêu thành phần đạt và vượt so với Nghị quyết đề ra, 25 chỉ tiêu dự ước đạt vào cuối kỳ, 8 chỉ tiêu đạt thấp và dự ước khó đạt.
Theo đó, 8 chỉ tiêu dự ước khó đạt lại là những chỉ tiêu quan trọng tác động mạnh mẽ đến đời sống của người dân trên địa bàn tỉnh. Cụ thể tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm GRDP ước thực hiện cả giai đoạn đạt 5/9%; bình quân GRDP/đầu người/năm (2023) mới đạt 51,9 triệu đồng/người/năm, trong khi chỉ tiêu nghị quyết đặt ra là 65 triệu đồng/người/năm. Thu ngân sách trên địa bàn năm 2023 đạt hơn 2.241 tỷ đồng; giá trị gia tăng ngành Nông nghiệp đạt thấp; các chỉ tiêu về tổng kim ngạch xuất khẩu, xuất khẩu địa phương không đạt…
Đề nghị, UBND tỉnh sớm đưa ra những giải pháp cụ thể, khắc phục những tồn tại, hạn chế; tập trung chỉ đạo quyết liệt các ngành, huyện nỗ lực, quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu khó đạt và đạt thấp; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sức mạnh của nhân dân triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao mức thu nhập cho người dân.
Lựa chọn huyện thí điểm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phù hợp với thực tế
Đại biểu Nguyễn Xuân Thức - Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh (tổ thảo luận số 2): Tại Kỳ họp thứ hai mươi mốt, HĐND tỉnh khoá XV, các đại biểu xem xét, thảo luận thông qua Nghị quyết Lựa chọn huyện thí điểm cơ chế phân cấp trong quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2024 - 2025 trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, lựa chọn 2 huyện: Phong Thổ, Nậm Nhùn thực hiện thí điểm theo quy định tại điểm b, điểm c khoản 7 Điều 4 Nghị quyết số 111/2024/QH15 ngày 18/01/2024 của Quốc hội dựa trên cơ sở đăng ký của các địa phương. Đối với huyện Phong Thổ, nhất trí theo dự thảo Nghị quyết bởi huyện có mục tiêu thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022 - 2025 theo Quyết định số 880/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên đối với Nậm Nhùn cần xem xét lại, có thể thay thế bằng huyện Mường Tè. Bởi, tổng nguồn vốn đầu tư thực hiện các Chương trình MTQG của Mường Tè lớn hơn Nậm Nhùn. Qua các đợt kiểm tra, giám sát, huyện Nậm Nhùn còn nhiều vướng mắc trong việc chậm giải ngân và chưa giải ngân được hết nguồn vốn dự án của các chương trình. Nhiều nơi, nhất là cấp xã chưa đảm bảo được tiến độ thực hiện các dự án do còn gặp khó khăn liên quan đến đối tượng thụ hưởng. Trong khi đó, việc giải ngân các dự án thuộc các Chương trình MTQG ở huyện Mường Tè tương đối tốt.
Đề nghị HĐND tỉnh xem xét trong việc lựa chọn huyện thực hiện thí điểm theo nghị quyết này phù hợp với điều kiện thực tế ở các địa phương để đảm bảo được các mục tiêu của nghị quyết đề ra.
Nhiều vướng mắc trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia
Giàng A Thanh - Phó Chủ tịch HĐND huyện Tam Đường (tổ đại biểu số 3): Qua các nội dung thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, các nguồn vốn được tỉnh giao, huyện cũng đã triển khai kịp thời đối với các dự án, tiểu dự án, đạt theo các nội dung.
Tuy nhiên, hiện nay, quá trình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia gặp khó khăn. Đối với tiểu dự án 1 về phát triển nông lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng, nâng cao thu nhập cho người dân đang trùng với chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, trong khi theo quy định thì một nội dung không được hỗ trợ nhiều chính sách. Nguồn vốn của trung ương phân bổ về nhưng lại chi trả theo ngân sách của tỉnh vì là trùng nội dung. Thực tế nguồn ngân sách của trung ương đang chồng lấn nguồn ngân sách của tỉnh, nhưng nếu có ngân sách của trung ương thì phải ưu tiên sử dụng nguồn của trung ương. Do đó, đề nghị tỉnh có biện pháp tháo gỡ để địa phương triển khai, không phải thực hiện chuyển nguồn.
Đối với nội dung thứ 2 của Dự án 1, về việc khoán bảo vệ rừng và trồng rừng, theo quy định chỉ hỗ trợ cho các xã nghèo và xã nông thôn mới. Với Tam Đường còn 4 xã, mức hỗ trợ của Dự án 1 đang thấp hơn Nghị quyết 08 của HĐND tỉnh quy định chính sách về phát triển rừng bền vững giai đoạn 2021- 2025. Theo Nghị quyết 06, mức hỗ trợ là 16 triệu đồng/ha nhưng với Dự án 1, mức hỗ trợ chỉ có 10 triệu đồng/ha. Đối với dự án 2 về đầu tư hỗ trợ trồng rừng dược liệu quý từ nguồn vốn sự nghiệp đầu tư (chủ yếu là hỗ trợ và liên kết trồng sâm). Hiện nay, huyện Tam Đường cũng chưa triển khai được do đang chờ UBND tỉnh trình HĐND xem xét.
Do đó, đề nghị tỉnh sớm có hướng dẫn thực hiện; đề nghị trung ương điều chỉnh khoản 2, điều 12 Thông tư số 10 của Bộ Y tế về hướng dẫn triển khai nội dung đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025) do không phù hợp với địa bàn Lai Châu.
Dự án 8 huyện Tam Đường cũng gặp khó khăn, nhất là về nội dung thực hiện sinh đẻ có kế hoạch, câu lạc bộ phụ nữ địa chỉ tin cậy, tổ truyền thông, thiết chế văn hóa, thí điểm mô hình phát triển sinh kế (chỉ áp dụng đối với hộ phụ nữ nghèo và cận nghèo). Tuy nhiên quy định này đang bó hẹp vì những đối tượng này hạn chế về năng lực, tiếp cận xã hội ít. Vì vậy, đề xuất với tỉnh có văn bản với trung ương mở rộng đối tượng, trong đó quy theo tỷ lệ phần trăm đối với từng thành phần: hộ phụ nữ khá giả, trung bình, nghèo để đối tượng nào cũng được tiếp cận thụ hưởng dự án.
Đặt tên đường, phố cho phù hợp
Đại biểu Nguyễn Minh Hiệp - Phó Trưởng Ban Pháp chế, HĐND tỉnh (tổ thảo luận số 4): Tại kỳ họp thứ hai mươi mốt, HĐND tỉnh khóa XV, các đại biểu sẽ xem xét, quyết định thông qua Nghị quyết Đặt tên đường, phố trên địa bàn thành phố Lai Châu và thị trấn Phong Thổ (huyện Phong Thổ), tôi thấy việc ban hành nghị quyết này rất cần thiết. Song, việc đặt 4 phố của thành phố Lai Châu và 1 phố của thị trấn Phong Thổ, theo tôi là chưa phù hợp. Bởi theo điều 10, Nghị định 91/2005/NĐ - CP của Chính phủ việc đặt tên đường, tên phố trên cơ sở lựa chọn địa danh nổi tiếng, có ý nghĩa và có giá trị tiêu biểu về lịch sử - văn hóa của đất nước hoặc địa phương; địa danh đã quen dùng từ xa xưa, đã ăn sâu vào tiềm thức của nhân dân. Do vậy, việc đặt tên phố Trung Hiếu (phường Đông Phong) là không phù hợp; phố 29/10 (phường Quyết Thắng) là ngày giải phóng huyện Phong Thổ lấy đặt tên cho 1 phố ở thành phố Lai Châu cũng chưa hợp lý.
Ngoài ra, việc đặt tên phố Hoàng Cầm (phường Quyết Tiến và thị trấn Phong Thổ); phố Khuất Duy Tiến (phường Quyết Tiến) thuộc nhóm tên nhân vật lịch sử gắn với sự kiện lịch sử quốc gia và địa phương, nhưng có 3 nhân vật (tướng Hoàng Cầm, nhà thơ Hoàng Cầm, Hoàng Cầm - người cải tiến bếp không khói trong kháng chiến cứu nước) dễ gây ra hiểu lầm giữa tên gọi và công trạng. Còn tên Khuất Duy Tiến cũng dễ gây nhầm lẫn giữa nhân vật được đặt tên phố trong nhân dân. Xem xét việc đặt tên đường Trần Thủ Độ (phường Đoàn Kết) có hợp lý không vì trong nghị quyết có nêu ông Trần Thủ Độ nhiều thủ đoạn để khéo léo sắp đặt cho nhà Lý nhường ngôi cho cháu mình.
Vì vậy, nếu quyết định đặt tên đường Trần Thủ Độ thì nên lược bỏ từ "dùng nhiều thủ đoạn" trong nghị quyết.
Nhóm P.V
Bình luận