Thứ tư, 04/12/2024, 04:10 [GMT+7]

Ông “thầy vườn”

Thứ tư, 29/12/2010 - 10:22'
(BLC) - Đó là ông Hoàng Văn Giáp ở Tổ 1, phường Quyết Thắng (thị xã Lai Châu). Ông thường được mọi người gọi với cái tên giản dị mà thân thương: “thầy vườn”.

Sinh ra và lớn lên ở huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, năm 1969, ông Giáp xung phong tham gia kháng chiến tại chiến trường miền Nam rồi đến chiến tranh biên giới năm 1979 và đã lập nhiều chiến công, được phong tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt máy bay” và vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Ông Hoàng Văn Giáp chăm sóc vườn cây dược liệu.

Năm 1982, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên ông quyết định chia tay với nghiệp nhà binh về nhận công tác tại Phòng Thương nghiệp huyện Phong Thổ (tỉnh Lai Châu cũ) và đưa vợ con lên cùng sinh sống. Mười năm cống hiến với nghề, sức khỏe ngày càng suy giảm do ảnh hưởng chất độc màu da cam ở chiến trường, ông Giáp đã xin được nghỉ chế độ.

Để phát triển kinh tế gia đình, ông bàn với vợ xây dựng mô hình kinh tế V- A - C (vườn, ao, chuồng) nuôi dê sinh sản, trồng cây ăn quả và đào ao thả cá. Nhờ cần cù, chịu khó, đến nay gia đình ông đã có đàn dê hàng trăm con và 2 ha ao cá, vườn cây ăn quả đủ loại, mỗi năm cho thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên. Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông Giáp còn thường xuyên gần gũi, giúp đỡ về kỹ thuật, cây, con giống giúp bà con trong tổ phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Đầu năm 2009, ông Giáp xuống Viện dược liệu Trung ương (Hà Nội) để học hỏi kinh nghiệm, cách trồng, chăm sóc và sử dụng các loại cây dược liệu. Ông còn mua 2 quyển sách “Cây thuốc và dược liệu làm thuốc” về đọc, nghiên cứu. Hiện nay, trong khu vườn của gia đình ông Giáp có trên mười loại cây thảo dược quý như: cây Trinh nữ Hoàng cung chữa ung bứu; cây rau mèo uống ra sỏi thận, sỏi mật; cây đỗ trọng, cây lược vàng…

Ông Giáp tâm sự: “Tôi mang bệnh còn được nhà nước quan tâm hỗ trợ tiền thuốc, được đến bệnh viện khám, chữa bệnh miễn phí, nhưng nhiều người dân nghèo thì lấy đâu ra tiền. Vì vậy, tôi đã tìm hiểu cách trồng cây dược liệu và vận dụng để chữa bệnh cho bà con, hiệu quả mà ít tốn kém”.

Dù gần 60 tuổi, mặc dù công việc của một bí thư chi bộ rất bận nhưng ngày ngày ông Giáp vẫn cần mẫn ra vườn cuốc đất, trồng cây ăn quả, nhân giống cây dược liệu.

Hoàng Vân

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Trưởng bản gương mẫu làm kinh tế
Ở bản Bút Trên (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên), dân bản luôn dành sự ngưỡng mộ đối với trưởng bản Cầm Văn Nhờ bởi cách làm kinh tế của gia đình anh. Tận dụng vốn liếng của cha mẹ để lại, gia đình...