Chủ nhật, 01/12/2024, 09:52 [GMT+7]

Anh Cường làm kinh tế giỏi

Thứ hai, 27/05/2024 - 11:03'
Nếu nhắc đến một người dám từ bỏ công việc ổn định trong Nhà nước để về làm kinh tế khi bản thân chưa có nhiều vốn, kinh nghiệm trong sản xuất thì người dân trong khu phố 1 (thị trấn Sìn Hồ, huyện Sìn Hồ) nhắc ngay tới anh Giàng Xuấn Cường (40 tuổi, dân tộc Phù Lá). Anh Cường mạnh dạn, quyết đoán trong làm kinh tế.

Sinh ra và lớn lên ở huyện Mường Khương (tỉnh Lào Cai) trong một gia đình còn nhiều khó khăn, từ nhỏ, anh Cường đã làm lụng vất vả để giúp gia đình và có tiền ăn, học. Học xong phổ thông, anh thi đỗ và theo học tại Trường Đại học Xây dựng Hà Nội. Năm 2010, anh ra trường và theo tiếng gọi của tình yêu lên thị trấn Sìn Hồ lập nghiệp, lập gia đình. Năm 2012, anh vào làm tại Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện, còn vợ anh công tác tại Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện, đến năm 2018, anh xin nghỉ công tác để làm kinh tế.
Anh Cường chia sẻ: Nhận thấy điều kiện thổ nhưỡng của thị trấn phù hợp với việc trồng cây đương quy và rau xanh, tôi quyết tâm phát triển kinh tế gia đình, dù lúc đầu còn nhiều khó khăn. Tôi học thêm kỹ thuật, tìm hiểu cách trồng, chăm sóc từ các lớp dạy nghề rồi vay vốn thêm để mua giống, thuê đất. Sau một thời gian đạt hiệu quả, sản lượng đương quy, rau xanh tăng, mang lại thu nhập cao cho gia đình tôi.
Năm 2019, anh Cường bắt đầu trồng sâm đương quy trên diện tích 1,5ha. Anh lấy giống từ các hộ trên địa bàn thị trấn và các xã lân cận rồi về cải tạo đất, xử lý cỏ dại, chia đất thành từng luống để trồng, chăm sóc. Để cây phát triển tốt và tránh bị ảnh hưởng do thời tiết như: mưa đá, sương muối, anh mua nilon về phủ. Mỗi ngày, anh thăm vườn từ 1 - 2 lần để kiểm tra độ sinh trưởng của cây, kịp thời phát hiện sâu bệnh để xử lý, vì vậy cây trồng phát triển tốt. Mỗi năm, anh thu hoạch 1 vụ với khoảng 40 tấn, bán ra thị trường với giá từ 25 - 30 nghìn đồng/kg.

Anh Cường chăm sóc rau cần tây.

Có thêm vốn, anh Cường thuê thêm 2,5ha đất của người dân để trồng rau xanh. Anh lên mạng tìm hiểu và đặt mua giống rau cần tây, cà chua tại Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam về trồng. Để có thêm kiến thức, ngoài học hỏi kinh nghiệm từ các hộ làm trước, tìm hiểu thêm kiến thức thông qua mạng internet, anh còn tham gia nhiều lớp dạy nghề, các hội nghị, hội thảo về vấn đề nông nghiệp từ tỉnh đến huyện để nghe tư vấn, học hỏi kinh nghiệm. Anh thuê 8 công nhân với mức lương từ 6 - 7 triệu đồng/người/tháng, hướng dẫn kỹ thuật, cách chăm sóc. Để giảm sức lao động, tăng năng suất cây trồng, anh đầu tư gần 700 triệu đồng làm nhà lưới, mua xe máy kéo nông nghiệp để bón phân, dọn cỏ, tưới nước.
Với các loại rau, anh có cách chăm sóc khác nhau. Đối với rau cần tây chỉ ưa khí hậu lạnh, còn thời tiết nắng nóng phải chăm sóc nhiều. Các luống rau được đắp cao để tránh bị ngập úng, vì rau cần tây cần nhiều nước tưới nhưng không chịu được úng. Anh bón phân cho cần tây theo định kỳ, chủ yếu là phân hữu cơ, phân chuồng đã được ủ mục. Còn đối với cây cà chua, anh Cường có cách chăm sóc khác với rau, nhất là khi ra quả cần đảm bảo nhiều yếu tố kỹ thuật để quả to, đẹp, không bị thối nát. Vậy nên, cây trồng của anh phát triển tốt, thu được gần 150 tạ mỗi vụ, cung cấp lượng lớn cho các đại lý, siêu thị, chợ trong huyện với giá từ 10 - 20 nghìn đồng/kg. Hiện nay, mỗi năm thu nhập của gia đình anh (trừ chi phí) hơn 400 triệu đồng. Anh Cường dự tính nếu phát triển tốt, bán được nhiều hàng, sẽ thuê thêm 6ha đất để nhân rộng mô hình.
Chị Lường Thị Thanh Nga - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Sìn Hồ nói: Anh Cường dám nghĩ, dám làm, tự học hỏi, sẵn sàng chấp nhận thất bại để có hiệu quả. Anh còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ vốn giúp người dân trong khu phố làm giàu.

Thái Hà

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Trưởng bản gương mẫu làm kinh tế
Ở bản Bút Trên (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên), dân bản luôn dành sự ngưỡng mộ đối với trưởng bản Cầm Văn Nhờ bởi cách làm kinh tế của gia đình anh. Tận dụng vốn liếng của cha mẹ để lại, gia đình...