Anh Hậu sử dụng hiệu quả tiền đền bù đất
Anh Hậu kiểm tra chất lượng gạch Ảnh: Hồng Thắm
Để có một nghề ổn định, anh Hậu đi học lái xe ôtô. Học xong, anh mạnh dạn vay tiền ngân hàng cùng với số tiền giải toả mua ôtô tải chuyên chở vật liệu xây dựng. Sau 2 năm làm thuê, nhận thấy thị trường tiêu thụ gạch ba vanh phát triển mạnh, với số vốn tích cóp được, anh vay thêm 20 triệu đồng từ quỹ hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế của Ngân hàng Chính sách Xã hội đầu tư mua 1 bộ máy đóng gạch ba vanh, thuê đất sản xuất gạch. Những ngày đầu ít vốn, lại chưa có kinh nghiệm làm gạch nên xưởng gạch của gia đình anh Hậu gặp rất nhiều khó khăn. Không nản lòng, anh tìm mọi cách để duy trì hoạt động của xưởng gạch. Anh tiếp tục chở vật liệu thuê để có thêm vốn quay vòng. Với quyết tâm và sự nỗ lực, cố gắng nâng cao chất lượng, tìm đầu ra cho sản phẩm, sản phẩm gạch ba vanh của gia đình anh Hậu đã có chỗ đứng trên thị trường, xưởng gạch dần đi vào sản xuất ổn định. Với chất lượng đảm bảo, mặc dù chỉ cung cấp cho thị trường thị xã Lai Châu nhưng gạch của gia đình anh sản xuất ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Hiện tại, mỗi ngày xưởng gạch sản xuất trên 2.000 viên gạch, tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động, với mức lương bình quân 3 triệu đồng/người/tháng. Anh Lý Văn Giáp - công nhân làm tại xưởng gạch cho biết: "Trước đây, em không có việc làm, sau khi được nhận vào làm công nhân tại xưởng gạch của anh Hậu, công việc đều, lương tháng ổn định. Em mừng lắm vì đã có thể phụ giúp kinh tế cho gia đình".
Với tổng thu nhập trên 100 triệu đồng/năm, anh Hậu đã trả được tiền vay ngân hàng và mua sắm đầy đủ tiện nghi sinh hoạt trong gia đình. Anh Hậu tâm sự: "Hiện tại, quy mô xưởng gạch còn nhỏ, việc cung cấp gạch ra thị trường các huyện lân cận còn hạn chế. Thời gian tới, tôi sẽ huy động mọi nguồn vốn, đầu tư mua thêm một bộ máy đóng gạch, mở rộng quy mô và thị trường, từng bước phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho gia đình".
Nguyễn Hương
Bình luận