Thứ tư, 08/01/2025, 21:14 [GMT+7]

Anh nông dân vùng biên giới làm giàu từ trồng sâm Lai Châu

Thứ sáu, 13/12/2024 - 11:22'
Thay vì trồng trọt, chăn nuôi theo cách truyền thống, nhiều năm nay, anh Tẩn Sài Sông dân tộc Dao ở bản Lả Nhì Thàng (xã Sì Lở Lầu, huyện Phong Thổ) mạnh dạn đổi mới tư duy làm kinh tế. Với việc tiên phong trong phát triển cây sâm Lai Châu và chanh leo, trung bình mỗi năm, gia đình anh có thu nhập bình quân 300 triệu đồng.

Từ thành phố Lai Châu, hơn 4 giờ liên tục di chuyển trên xe máy vượt qua nhiều đoạn đèo dốc chúng tôi mới đến được trung tâm xã Sì Lở Lầu. Dừng chân chốc lát, chúng tôi tiếp tục cùng cán bộ xã đến khu vực sản xuất của gia đình anh Sông - người được dân bản gọi là “triệu phú vùng biên”. Lối mòn xuyên rừng, nhỏ hẹp, dưới tác động của cơn mưa càng trở nên trơn trượt, khó đi, thách thức tay lái.
Nhiều đoạn, xe về số 1 vẫn không thể “bò” qua, chúng tôi xuống dắt rồi đẩy. Lên xuống xe liên tục suốt chặng đường vài ki lô mét chưa hết, chúng tôi còn phải vượt qua một số đoạn đường phía dưới sâu thăm thẳm, chỉ cần lệch đường là xe và người có thể lao xuống vực bất cứ lúc nào. Trải qua chặng đường hiếm gặp, chúng tôi thêm nể phục quyết tâm vượt khó vươn lên làm kinh tế của anh Sông.
Được biết, sinh ra trong gia đình làm nông nghiệp, nhà đông con, cuộc sống khó khăn nên anh Sông luôn khao khát “đổi đời”. Cái khó là gia đình anh và dân bản trước đây chỉ trồng lúa, ngô, nuôi lợn gà quy mô nhỏ, lẻ, thu nhập thấp, để tiếp cận với cách làm kinh tế mới rất khó. Sau nhiều đêm trăn trở suy nghĩ rồi đi đến các nơi học hỏi anh tìm được hướng đi riêng.

Anh Sông chăm sóc vườn sâm Lai Châu.

Anh Sông bộc bạch: Năm 2015, qua tìm hiểu tôi biết được sâm Lai Châu là loại dược liệu quý, có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe trong khi phù hợp với khí hậu địa phương, nhất là dưới tán rừng; nhu cầu thị trường cao, dễ bán, giá trị kinh tế cao. Chính vì vậy, tôi vào rừng tìm giống về trồng, thậm chí mua hạt về gieo để mở rộng diện tích.
Trong quá trình trồng, anh Sông chú ý đến kỹ thuật làm luống, làm đất để cây mọc tự nhiên, che chắn lưới cẩn thận cho sâm trong những ngày nắng nóng. Nhờ đó, sâm phát triển tốt, từ 100m2 ban đầu đến nay gia đình anh đã có 5.000m2 sâm và thất diệp nhất chi hoa, tương đương khoảng trên 1 vạn cây từ 1-10 năm tuổi (riêng loại 5-10 năm tuổi có khoảng trên 500 cây).
Thực tế thăm vườn, chúng tôi được tận mắt chứng kiến những cây sâm ở nhiều độ tuổi khác nhau phát triển tốt. Anh Sông nhẹ nhàng bới từng gốc sâm để lộ ra củ lớn, có giá trị kinh tế vài triệu đến vài chục triệu đồng/củ cho chúng tôi xem. Theo lời anh, anh ít bán, vì cây càng lâu năm, giá trị kinh tế càng cao. Theo ước tính, 5 năm tới, với số lượng cây hiện có, gia đình anh có thể thu đến 3 tỷ đồng.
Thực hiện phương châm “lấy ngắn, nuôi dài”, gia đình anh nuôi thêm 30 con dê. Vài năm gần đây, anh về bản Nà Cúng (xã Bản Lang, huyện Phong Thổ) thuê đất của nhiều người dân trồng chanh leo với diện tích 7ha. Đối với loại cây này, anh cũng tiên phong trong bản thực hiện. Trên chính mảnh đất khô cằn, bỏ hoang hoặc chỉ trồng ngô trước đây, màu xanh của chanh leo giờ đã phủ kín.
Chất lượng quả ngon, mẫu mã đẹp, thương lái vào tận vườn thu mua với giá cao, điều đáng nói chanh thu hoạch đến đâu bán hết đến đó. Từ chanh leo và trồng dược liệu, gia đình anh Sông thu nhập bình quân 300 triệu đồng/năm. Nhiều hộ dân đã đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm và áp dụng tại gia đình cũng mang lại nguồn thu nhập cao.
Bằng sự đổi mới tư duy trong phát triển kinh tế, anh Sông đã có cách làm phù hợp để tăng thu nhập cho gia đình và mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế ở địa phương. Việc làm của anh cũng đang góp phần tích cực bảo tồn giống sâm quý của tỉnh, đưa vùng biên Phong Thổ ngày càng phát triển.

T.H

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Dốc sức hoàn thành dự án nâng cấp đường tỉnh 133
Dự án nâng cấp đường tỉnh 133 đoạn Km0-km21 (dự án) được đầu tư trên địa bàn 3 xã: Thân Thuộc - Nậm Cần - Nậm Sỏ (huyện Tân Uyên) trong 3 năm (2021-2024) với tổng chiều dài toàn tuyến là 20km....
Điển hình trong phong trào thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp
Ở bản Huổi Só (xã Nậm Chà, huyện Nậm Nhùn), anh Mùa A Lùng (sinh năm 1999) được biết tới là người không ngừng vượt khó, vươn lên phát triển kinh tế. Anh là điển hình trong phong trào thanh niên...