Chuyện A Chiếu và chiếc cày Khèng Tàu
Chúng tôi đến công tác ở bản Seo Thèn B, xã Pa Vệ Sủ, huyện Mường Tè vào những ngày cuối năm mưa phùn, giá rét. Gặp một người chiến sĩ biên phòng đang cày đám ruộng đầu bản. Đi theo người chiến sĩ này là một tốp người dân La Hủ cả đàn ông và đàn bà. Cày được chừng 15m, chiến sĩ biên phòng đưa cày cho một người đàn ông. Anh vừa nói gì đó với người phụ nữ dắt trâu đi phía trước, vừa giúp người đàn ông điều chỉnh cày. Họ nói với nhau bằng tiếng La Hủ nên tôi không hiểu.
Trung úy Vàng A Chiếu hướng dẫn bà con bản Seo Thèn B, xã Pa Vệ Sủ cày ruộng. |
Một ông già đứng trên bờ ruộng nói với tôi: “A Chiếu nó dạy dân cày ruộng đấy. Đây là chiếc cày cải tiến, nó mua lưỡi cày ở tận thị xã lên đây làm thành cái cày và dạy cho dân cày. Nó dạy cày ở ruộng rồi lại lên nương dạy cày ở nương. Dân bản thích lắm…".
Bộ đội cấy, gặt giúp dân là hình ảnh quen thuộc mà tôi đã gặp nhiều năm nay ở địa bàn vùng cao biên giới. Nhưng họ còn tự làm cày cải tiến rồi dạy cho dân cày thì tôi chưa gặp bao giờ.
Những công việc khác phải làm trong chuyến công tác địa bàn cuốn đi. Tôi không nghĩ gì về việc người chiến sĩ biên phòng làm cày và dạy dân cày nương, cày ruộng nữa. Đến khi trở về Đồn Biên phòng 307, tôi đem chuyện này hỏi Trung tá, Đồn phó Hoàng Minh Dẫn thì được biết: "Trong một chuyến đi công tác về tỉnh, Trung úy Vàng A Chiếu mua lên một lưỡi cày. Chiếu báo cáo Ban Chỉ huy cho làm cày để dạy dân cày nương, ruộng. Vì chiếc cày 51 lưỡi nhỏ, cong về một bên chỉ cày được ruộng chứ không cày được nương. Mà cày ruộng, hiệu quả cũng rất thấp vì lưỡi cày nhỏ. Làm xong, Chiếu sẽ dạy cho dân cày và bàn giao cho trưởng bản giữ để ai cần thì có thể lấy dùng…".
Rồi tôi được đơn vị cử A Chiếu đưa đi địa bàn và làm phiên dịch. Hai ngày đi địa bàn, tôi đã nhận ra, bên trong cái vẻ bề ngoài hiền lành, chân chất, chịu thương chịu khó là một A Chiếu có tri thức, giàu lòng nhân ái và chín chắn chừng nào.
Chiếu kể với tôi: Quê Chiếu ở xã Nùng Nàng, huyện Tam Đường. Nhà có 10 anh em, Chiếu là thứ 7 và là con duy nhất được học hành và đi công tác. Chiếu còn em út đang học lớp 12 ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh. Mẹ Chiếu có lần hỏi - Bao giờ con về công tác gần mẹ, từ bé đến giờ con đi học, đi công tác xa mẹ rồi. Chiếu nói để mẹ yên lòng: Con được nhà nước nuôi ăn học hơn 10 năm, bây giờ con còn trẻ, con phải cống hiến để không phụ công ơn nhà nước và quân đội. Mẹ yên tâm, khi nào có điều kiện con vẫn về với mẹ mà…
Khi A Chiếu viết mấy câu tục ngữ dân tộc Mông bằng tiếng Mông về đạo làm người. Tôi hỏi: "Cháu học chữ Mông khi nào?". "Cháu được bố dạy từ khi còn bé. Quyển sách ấy in từ năm 1960 - Cháu vẫn nhớ. Sau này đi công tác, cháu lại tìm sách tự học thêm".
Còn tiếng La Hủ? "Năm 2007, cháu ra trường về nhận công tác ở Trạm Biên phòng Pa Ủ - đồn mới thành lập cô ạ, trước đây chỉ là trạm thôi. Hầu hết dân không biết tiếng phổ thông nên ngày nào cháu cũng đến nhà mấy bác biết tiếng phổ thông hỏi từ, câu dịch ra rồi chép vào sổ lúc nào cũng mang theo đọc thuộc. Đi địa bàn, cháu cứ mạnh dạn nói. Bây giờ thì cháu nghe và nói được hết tiếng La Hủ rồi".
Tôi đã chứng kiến ở Pa Vệ Sủ, gia đình nào cũng coi A Chiếu như con cháu trong nhà. Nhà có người già cả, ốm đau Chiếu đến động viên; ai say rượu làm bừa, Chiếu cùng già bản, trưởng bản đến nhắc nhở. Từ nấu cháo cho người ốm, quét dọn nhà cửa, làm vườn tưới rau… Chiếu vừa làm vừa hướng dẫn, động viên.
Chiếu dè dặt tâm sự: "Người La Hủ sống tự do bao đời rồi. Điều mà ta gọi là tệ nạn xã hội như: rượu chè, nghiện hút thì họ cho là chuyện sinh hoạt bình thường. Quan niệm về ăn, ở của họ cũng rất đơn giản. Họ trông chờ, ỉ lại đến mức như lệ thuộc vào thiên nhiên. Những ngày đầu chúng cháu đi vận động, có người nói: con khỉ trên rừng sống được thì tao cũng sống được, ở đông người một chỗ không thích… Nhiều lúc, nhiều năm liền chúng cháu cùng các cơ quan, ban, ngành phải nhẫn nhịn, phải kiên trì lắm mới có được kết quả bước đầu thế này đấy cô ạ. Thay đổi nhận thức của một dân tộc đâu có dễ. Bây giờ thì vui rồi. Đồng bào đã yên tâm định cư và lao động sản xuất theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn".
Chợt nhớ đến chuyên cái cày tôi hỏi: "Cháu biết làm cày từ bao giờ?". "Cái cày làm cho dân bản Seo Thèn B là cái cày đầu tiên cháu làm. Cháu nhớ ngày còn bé, nhà cũng cày 51 chỉ cày được đám nương bằng còn đám nương dốc cũng phải cuốc. Bố cháu đến Hợp tác xã của ông Lý Chiêu ở Tam Đường mua cái lưỡi cày cải tiến (Khèng Tàu) về làm cày để cày. Vừa nhanh, vừa không phải cuốc nữa. Thế là cháu về mua lưỡi cày, nhờ anh trai dạy cho cách chọn loại gỗ và làm cày. Thế là đi lên đồn tự cháu làm. Hôm bàn giao cày cho trưởng bản có cả Ban Chỉ huy đồn, lãnh đạo Đảng ủy, Ủy ban và các đoàn thể xã và toàn thể bà con dân bản. Bà con phấn khởi, cháu cũng vui lắm. Cháu sẽ làm thêm cho mỗi bản một cái và dạy cho dân bản biết cày".
Niềm vui của Trung úy Vàng A Chiếu thật đáng trân trọng. Chuyện về A Chiếu và chiếc cày Khèng Tàu cứ lan truyền mãi trong vùng. Bản nào, dân cũng đợi A Chiếu tặng cho một chiếc cày và dạy dân cày nương, cày ruộng. Đây là câu chuyện thú vị và bất ngờ mà tôi gặp ở vùng biên giới gian lao và heo hút.
Khi tôi viết những dòng này thì nghe tin A Chiếu đã được điều động đi công tác ở địa bàn mới, xã Pa Tần (huyện Sìn Hồ). Tuy hơi tiếc những dự định dở dang mà A Chiếu sẽ làm cho đồng bào La Hủ ở Pa Vệ Sủ, nhưng tôi tin, dù ở đâu, A Chiếu vẫn vậy. Sống, cống hiến trọn tình đúng nghĩa với tên gọi "Anh bộ đội Cụ Hồ".
Đỗ Thị Tấc
Bình luận