Nặng lòng với văn hóa dân tộc
Văn hóa đặc trưng của dân tộc Mảng được thể hiện qua ngôn ngữ, dân ca, ca dao, âm nhạc, trang phục và nghề thủ công truyền thống. Cùng với đó là ẩm thực với nhiều món ngon mang hương vị của núi rừng: cơm nếp, cá suối nấu, măng rừng, canh gà nấu gừng... Hiện nay, dân tộc Mảng còn duy trì nghề đan lát truyền thống với các loại vật dụng hàng ngày như: chiếu, rổ, rá, lu cở, rỏ cá bằng tre, mây tỷ mỷ, công phu, nhiều họa tiết độc đáo.
Bà Chướng sinh ra và lớn lên cùng những lời ru, hát ca dao, dân ca trên lưng khi theo mẹ lên nương, gần gũi những vật dụng làm thủ công, thường xuyên sử dụng ngôn ngữ dân tộc, vận dụng tục ngữ trong giao tiếp… Trong không gian văn hóa dân gian, bà Chướng ý thức rất rõ vai trò của việc bảo tồn, giữ gìn văn hóa truyền thống. Từ đó, bà dành thời gian, công sức sưu tầm, tham gia vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ trong cộng đồng. Năm 2013, khi bản Trung Chải được thành lập, bà là một trong những người đầu tiên tham gia đội văn nghệ bản. Đây là sân chơi bổ ích, nơi truyền thụ văn hóa dân gian cho thế hệ trẻ. Khi rảnh rỗi, bà huy động thanh niên trong bản đến dạy đan lát, hát dân ca. Ngoài ra, bà cũng thường xuyên vận động con cháu, người dân trong bản thực hiện nếp sống văn minh, bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống.
Bà Chướng (thứ nhất bên phải) cùng dân bản thực hiện nghi thức trong Lễ hội mừng lúa mới.
Trò chuyện cùng chúng tôi, bà Chướng cho biết: Muốn giữ được văn hóa truyền thống của dân tộc Mảng, trước hết bản thân mình phải tìm hiểu và truyền dạy cho chính con cháu, thành viên trong gia đình rồi đến cộng đồng. Tôi cùng người lớn tuổi trong bản nêu gương, vận động con cháu tích cực tham gia đội văn nghệ bản cũng như hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Thông qua các buổi họp bản, là đảng viên, tôi vận động, hướng dẫn người dân thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Qua đó, những giá trị văn hóa dân tộc Mảng đến nay luôn được bảo tồn, phát huy. Đội văn nghệ của bản từng tham gia tích cực các hoạt động văn hóa của địa phương; nghề truyền thống và các nét đẹp văn hóa dân tộc Mảng ở Trung Chải cũng được gìn giữ.
Bên cạnh đó, bà còn tuyên truyền, định hướng cho dân bản trong tiếp nhận những sản phẩm văn hóa mới, tiến bộ; loại bỏ hủ tục. Không chỉ tích cực bảo tồn văn hóa dân tộc, ở bản Nậm Sảo 1, bà Chướng còn là tấm gương sáng, đi đầu trong phát triển kinh tế, giảm nghèo ở địa phương. Đến nay, gia đình bà đang nuôi 10 con bò, hàng trăm con gia cầm các loại... với tổng thu nhập bình quân (trừ chi phí) đạt 80-100 triệu đồng/năm. Học theo cách làm của bà Chướng cùng sự nỗ lực vươn lên, sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước, đời sống của nhân dân trong bản ngày thêm khởi sắc.
Đồng chí Cao Duy Đan - Bí thư Đảng ủy xã Trung Chải khẳng định: Bà Chướng luôn tiên phong trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ của địa phương. Tâm huyết trao truyền văn hóa dân tộc Mảng cho thế hệ trẻ. Những việc làm của bà Chướng đã và đang có những đóng góp tích cực cho việc giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc Mảng và các dân tộc trên địa bàn xã.
Với những đóng góp trên, năm 2017, bà Lý Thị Chướng được Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam tặng Bằng khen “Người cao tuổi tiêu biểu ở cơ sở khu vực Tây Bắc”; Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong triển khai, tổ chức, thực hiện các hoạt động Tuần Du lịch - Văn hóa Lai Châu năm 2022 và nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp, ngành.
Nguyễn Tùng
Bình luận