Chủ nhật, 01/12/2024, 13:36 [GMT+7]

Truyền cảm hứng cho thanh niên đổi mới

Thứ tư, 13/03/2024 - 16:38'
Tích cực học hỏi, gương mẫu đi đầu trong các hoạt động, chị Teo Thị Hương ở bản Cang (xã Khổng Lào, huyện Phong Thổ) đã trở thành một trong những đoàn viên tiêu biểu truyền cảm hứng cho tuổi trẻ huyện nhà vượt khó vươn lên phát triển kinh tế, hoàn thiện bản thân, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của tổ chức đoàn và địa phương.

Nỗ lực mỗi ngày
Nhiều lần gặp chị Hương trong các hội nghị tổng kết mô hình trồng trọt, chăn nuôi do Tổ chức Plan international vùng Lai Châu triển khai nhưng phải đến dịp gần đây tới thăm bản Cang (nơi chị sinh sống), chúng tôi mới thăm gia đình và tìm hiểu kỹ hơn về quá trình phát triển kinh tế của chị. Chị Hương sinh ra và lớn lên trong gia đình có 4 chị em, bố mẹ làm nông nghiệp. Cuộc sống khó khăn nên học hết lớp 10 thì chị nghỉ học và năm 2009 thì lập gia đình.
Học bố mẹ 2 bên chưa đủ, chị tìm đọc các cuốn sách, xem các chương trình dạy trồng trọt chăn nuôi trên truyền hình, đi đến các hộ làm kinh tế giỏi để tích lũy kinh nghiệm. Khi xã, huyện hay các tổ chức triển khai mô hình kinh tế mới, chị không ngần ngại đăng ký tham gia. Có thể kể đến các mô hình: Trồng lúa thuần năng suất cao, xoài, nuôi cá thương phẩm… Qua quá trình tham gia, chị đúc rút kinh nghiệm, cố gắng vận dụng vào thực tế, từ đó nâng cao kiến thức, sự hiểu biết, tăng thu nhập gia đình.
Gần đây nhất là khi Tổ chức Plan international vùng Lai Châu phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Phong Thổ triển khai mô hình nuôi gà thương phẩm tại xã Khổng Lào, chị Hương mạnh dạn đăng ký. Sau khi nhận 40 con gà giống, được hướng dẫn kỹ thuật, chị mạnh dạn vận dụng nghiêm túc, tuân thủ chặt chẽ từng khâu, nhờ đó đàn gà lớn nhanh. Trên cơ sở được hỗ trợ 1 máy ấp trứng từ vài năm trước, chị kết hợp thêm việc ấp trứng bán ra thị trường (trung bình ấp trên 60 quả trứng/lần), với tỷ lệ nở 80% trở lên, thêm thu nhập mỗi năm từ 15 - 20 triệu đồng.

Chị Hương (thứ 3 từ phải sang) hướng dẫn quy trình chăm sóc gà cho đoàn viên xã Khổng Lào.

Chị Hương chia sẻ: “Tham gia các mô hình, không chỉ là hiệu quả kinh tế mà tôi còn có thêm kiến thức về phòng bệnh, ấp trứng, chăm sóc cho gà. Tôi cũng được tham gia các lớp tập huấn về kỹ năng “xanh” khi làm kinh tế, học kỹ năng sử dụng máy tính tra cứu tìm hiểu thông tin, hạch toán kinh tế gia đình, tìm hiểu về bình đẳng giới… để về trao đổi và chồng đã thấu hiểu, chia sẻ việc nhà; vợ chồng giúp đỡ nhau xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc”.
Vốn chăm chỉ, chịu khó, mạnh dạn tiên phong, song song với nuôi gà (hiện nay đang nuôi gần 100 con gà chuẩn bị xuất chuồng), chị còn gieo cấy 3.000m2 lúa, trồng 1.000m2 ngô, 800m2 chuối, 500m2 quế. Thời gian rảnh, chị và chồng đi làm thêm từ công việc thợ xây, phụ hồ. Bình quân mỗi năm sau khi trừ chi phí, gia đình chị thu trên 100 triệu đồng, hiện đã xây dựng ngôi nhà 2 tầng khang trang.
Lan tỏa điều hay
Vượt qua được những khó khăn, chị Hương bước đầu tạo dựng những bước tiến trong quá trình phát triển kinh tế của gia đình. Điều đáng quý là chị không giữ riêng cho bản thân mà chia sẻ những kiến thức cho anh em, hàng xóm và cả những thanh niên còn trẻ như các chị: Điêu Thị Vận, Lò Thị Chức, Thùng Thị Thắm, Lò Thị Phương… giúp các đoàn viên có thêm niềm tin, động lực để cố gắng mỗi ngày. Thực tế, rất nhiều đoàn viên, thanh niên trong bản đã tham gia mô hình nuôi gà thương phẩm. 20 thanh niên tham gia nhóm thanh niên phát triển kinh tế thành lập năm 2021.
Đoàn viên Lò Thị Phương ở bản Cang nói: “Trước đây, tôi thiếu kiến thức trồng trọt, chăn nuôi nên chưa mạnh dạn làm ăn, chỉ chăn nuôi số lượng nhỏ, phục vụ gia đình. Được chị Hương và cán bộ kỹ thuật từ các cơ quan chuyên môn của huyện hướng dẫn, tôi mạnh dạn, tự tin để chuyển đổi phương thức sản xuất”.
Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, chị Hương còn cùng đoàn viên trong bản thường xuyên họp, chia sẻ kinh nghiệm trong cuộc sống gia đình, những kỹ năng nuôi dạy con, kiến thức về bình đẳng giới, trồng trọt, chăn nuôi, đặc biệt là nuôi gà thương phẩm. Đồng thời, duy trì thói quen đọc sách về văn hóa, giáo dục, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi, bình đẳng giới, khởi nghiệp… tại tủ sách của Trung tâm học tập cộng đồng bản. Cùng nhau học hỏi cách sử dụng máy vi tính truy cập mạng internet và các trang mạng xã hội tìm kiếm thông tin phục vụ cho cuộc sống và sản xuất. Nhờ đó, các đoàn viên từng bước nâng cao kiến thức, thay đổi tư duy làm kinh tế.
Anh Giàng A Sang - Phó Bí thư Huyện đoàn Phong Thổ cho biết: Chị Teo Thị Hương là đại diện tiêu biểu trong số các bạn đoàn viên được Tổ chức Plan international vùng Lai Châu hỗ trợ. Sau khi tham gia, chị vận dụng sáng tạo vào thực tế của gia đình và góp phần nâng cao thu nhập, lan tỏa kiến thức, truyền cảm hứng cho đoàn viên khác. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục nhân rộng những tấm gương điển hình cũng như triển khai các mô hình để đoàn viên có cơ hội cống hiến, thể hiện năng lực bản thân, đóng góp vào sự phát triển của địa phương.

Thanh Hoa

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Trưởng bản gương mẫu làm kinh tế
Ở bản Bút Trên (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên), dân bản luôn dành sự ngưỡng mộ đối với trưởng bản Cầm Văn Nhờ bởi cách làm kinh tế của gia đình anh. Tận dụng vốn liếng của cha mẹ để lại, gia đình...