Thứ năm, 28/11/2024, 12:19 [GMT+7]

Yêu nghề, giàu nghị lực

Thứ hai, 30/09/2024 - 15:16'
Dù biết trước những khó khăn sẽ phải đối mặt khi nhận công tác tại xã Nậm Tăm (huyện Sìn Hồ) nhưng với lòng yêu nghề, mến trẻ và hơn hết là tinh thần trách nhiệm với nghề, cô giáo Phạm Hoài Thanh, giáo viên Trường Tiểu học Nậm Tăm đã hơn 20 năm gắn bó với bảng đen, phấn trắng, “gieo chữ” trên mảnh đất này.

Bám trường, bám lớp
Từ nhỏ, cô giáo Phạm Hoài Thanh đã mơ ước trở thành giáo viên để đem con chữ đến cho trẻ em nghèo nơi miền núi xa xôi. Đến với Nậm Tăm từ những năm đầu khi ra trường, cô chứng kiến nhiều khó khăn, vất vả của bà con dân tộc thiểu số nơi đây. Không chỉ thiếu thốn về vật chất, trẻ em ở đây còn gặp nhiều trở ngại trong việc tiếp cận giáo dục. Tuy nhiên, với tinh thần “tất cả vì học sinh thân yêu”, cô Thanh đã không ngại khó, ngại khổ, kiên trì bám trường, bám lớp, dành tình yêu thương cho các em.
Trong suốt hơn 20 năm qua, cô Thanh đã có mặt ở các bản, động viên gia đình cho con em đến trường, tổ chức lớp học bổ trợ để giúp các em theo kịp chương trình học. Nhờ vậy, rất nhiều học sinh từ những buổi đầu khó khăn đã tiến bộ và trưởng thành, thậm chí một số học sinh còn tiếp bước sự nghiệp giáo dục như cô.
Cách đây vài năm, cô Thanh bất ngờ phát hiện mình mắc bệnh ung thư. Thông tin này như một cú sốc lớn đối với cô và gia đình. Tuy nhiên, thay vì chấp nhận số phận và gục ngã trước căn bệnh hiểm nghèo, cô lại chọn cách đối diện bệnh tật bằng một tinh thần thép. Ngày qua ngày, cô vừa đứng lớp, vừa điều trị bệnh... hoàn thành nhiệm vụ của một giáo viên vùng cao.
Trong những thời điểm khó khăn nhất, cô Thanh vẫn không quên trách nhiệm với học trò. Có những ngày, vừa trải qua đợt hóa trị mệt mỏi, cô lại tiếp tục lên lớp với nụ cười dịu dàng, ân cần chăm lo cho từng nét chữ, từng bài giảng. Với cô, lớp học chính là liều thuốc tinh thần giúp cô quên đi những đau đớn về thể xác.

Cô Thanh ân cần hướng dẫn học sinh viết từng con chữ.

Chia sẻ về cô Thanh, thầy Nguyễn Ngọc Chung - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nậm Tăm cho biết: Sự kiên cường của cô Thanh không chỉ là nguồn động lực cho học sinh mà còn truyền cảm hứng cho cả tập thể giáo viên trong trường. Nhiều đồng nghiệp nhắc đến cô với sự khâm phục, gọi cô là người chiến sỹ kiên cường trên mặt trận giáo dục.
“Khi biết được căn bệnh hiểm nghèo của cô Thanh, tập thể giáo viên, đoàn thể trong trường và bạn bè đồng nghiệp đã cùng chung tay giúp đỡ. Ban Giám hiệu tạo điều kiện thuận lợi để cô Thanh vừa có thể tham gia công tác giảng dạy, vừa chữa bệnh. Các đồng nghiệp thay nhau chia sẻ công việc với cô, từ chuẩn bị bài giảng đến hỗ trợ dạy thay vào những lúc cô không thể lên lớp vì sức khỏe” - thầy Chung cho biết thêm.
Không ít lần, cô Thanh xúc động bật khóc trước những tình cảm chân thành từ đồng nghiệp, học trò và càng thêm quyết tâm vượt qua bệnh tật để tiếp tục đứng trên bục giảng.
Đặc biệt, học sinh và phụ huynh tại Nậm Tăm cũng đã dành cho cô Thanh những tình cảm ấm áp. Các em học sinh, dù nhỏ tuổi, luôn thể hiện lòng kính trọng và thương yêu cô giáo. Nhiều em tự giác giúp đỡ cô trong các công việc nhỏ như sắp xếp sách vở, chăm sóc lớp học, để cô có thêm thời gian nghỉ ngơi. Những hành động tuy đơn giản nhưng đã mang lại cho cô Thanh nguồn động lực to lớn trên hành trình chiến đấu với bệnh tật.
Gia đình là điểm tựa
Cô Thanh và chồng đều là giáo viên công tác tại Trường Tiểu học Nậm Tăm, đây là cặp đôi mẫu mực trong cuộc sống và công việc giảng dạy. Trong suốt hơn 20 năm qua, vợ chồng cô đã cùng nhau vượt qua bao thử thách, từ những ngày tháng khó khăn khi mới vào nghề, đến thời điểm cùng chiến đấu với bệnh tật.
Chồng cô luôn bên cạnh vợ, sẻ chia công việc gia đình và giảng dạy. Những buổi tối sau giờ lên lớp, khi cô Thanh mệt mỏi vì bệnh tật, anh lại hỗ trợ cô chuẩn bị bài giảng, chăm lo cho gia đình... Tình yêu thương không chỉ là động lực để cô Thanh vượt qua khó khăn, mà còn là minh chứng cho tình yêu người, yêu nghề.
Suốt quá trình công tác hơn 20 năm, cô Phạm Hoài Thanh đạt được rất nhiều thành tích xuất sắc. Cô nhận được hầu hết các danh hiệu, bằng khen, giấy khen từ cấp tỉnh, cấp huyện, ghi nhận những đóng góp của cô trong sự nghiệp giáo dục vùng cao. Những danh hiệu này không chỉ là sự ghi nhận về mặt chuyên môn, mà còn là phần thưởng xứng đáng cho ý chí và lòng kiên trì.
Dù vậy với cô Thanh, niềm vui lớn nhất không nằm ở những tấm bằng khen mà là sự tiến bộ của từng học trò, là hình ảnh những thế hệ học sinh của cô đang tiếp bước trên con đường tri thức. Cô luôn tin rằng, mỗi trẻ là một hạt giống tiềm năng, và người thầy là người chăm sóc để hạt giống đó nảy mầm và phát triển.
Cô giáo Phạm Hoài Thanh không chỉ tận tụy mà còn là biểu tượng của sự kiên cường vượt qua nghịch cảnh. Câu chuyện về người giáo viên vùng sâu, vùng xa đang chống chọi với ung thư, vẫn ngày ngày “gieo chữ”, sẽ mãi là tấm gương sáng về nghị lực sống, tinh thần trách nhiệm và tình yêu thương học trò vô bờ bến.

Mạnh Hùng

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Trưởng bản gương mẫu làm kinh tế
Ở bản Bút Trên (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên), dân bản luôn dành sự ngưỡng mộ đối với trưởng bản Cầm Văn Nhờ bởi cách làm kinh tế của gia đình anh. Tận dụng vốn liếng của cha mẹ để lại, gia đình...