Chủ nhật, 01/12/2024, 09:06 [GMT+7]

Chữ về với bản Nậm Kinh

Thứ sáu, 19/11/2010 - 15:33'
(BLC) - Trong chuyến công tác lên bản Nậm Kinh, xã Căn Co, huyện Sìn Hồ, chứng kiến việc dạy và học của thầy và trò nơi đây, những mạch nguồn cảm xúc tưởng chừng như đã khô héo của tôi lại vẫn rung lên, thổn thức và háo hức chia sẻ như những buổi đầu…

Đường đến trường

Đường đến lớp học ở nhóm bản Nậm Kinh mới.

Cái câu nói đơn giản ấy, gần gũi và thân thương lắm, nhưng dường như tôi thấy chỉ đúng phần nào với học sinh vùng cao, và khi đến với Nậm Kinh tôi lại thấy nó trắc trở, gian nan biết nhường nào đối với các… thầy, cô giáo!

Các em học sinh vùng cao vốn rất vất vả. Cái khó của các em có lẽ là khó vượt qua được những thói nghĩ, nếp làm của ngàn đời thích đi nương hơn đi học, thích cầm dao, cầm cuốc hơn cầm phấn với bảng, hay khó thắng được cái lẽ trai lớn “cướp vợ, gái lớn nhận chồng”, và có chăng là khó vượt qua được suy nghĩ bát cơm đầy và cái bụng no… Đến với bản Nậm Kinh tôi còn được thấy một sự khó khăn khác trong giáo dục ấy là nỗi vất vả của các thầy, cô giáo. Từ nơi ăn chốn ở, phương tiện đi lại đến cả những suy nghĩ đơn thuần của người dân là không cho con đến lớp để đi làm… Tất cả như đang cộng dồn lại tạo thành trở lực cho các thầy, cô.

Bản Nậm Kinh - nơi 100% dân tộc Dao Tẻn sinh sống nằm trên lưng chừng dốc. Biết chúng tôi định đến đây, ông Tẩn A Chẩu - Chủ tịch UBND xã lắc đầu: “Tốt nhất là các anh không nên đi!”.
Đứng từ chân núi nhìn lên, bản làng với những mái nhà lúp xúp giống hệt một nắm bùn đắp lên lưng trâu, và chỉ cần một cái rùng mình, cựa đất khó đoán được điều gì xảy ra bởi từ năm 2002 ở đầu bản đã xuất hiện một vết nứt rất lớn và mỗi ngày nó một lớn hơn. Theo nhiều người nói, cả khối đất đang bị trôi, sạt sau mỗi mùa mưa.
Đường lên với bản chỉ là dốc ngược và ngược dốc. Dù chiếc xe của tôi vẫn được xếp vào hàng “đi tốt” (lời người dẫn đường) nhưng vẫn tiến lên với tốc độ của một con la vừa đi vừa nhẩn nha uống sương. Động cơ xe gầm như muốn “đình công”, bánh trước xe cứ chồm lên, như muốn hất tất cả mọi thứ trên yên của nó xuống. Đến bản, nghe bà con kể chúng tôi thấy mình vừa liều vừa dại bởi theo nhiều người đã qua đây kể lại thì đã có ối người ngã gẫy chân ở đường này cũng chỉ vì một chút sơ sẩy và tôi thêm phục những thầy, cô giáo hàng tuần vẫn phải một mình lên lên, xuống xuống…...
Gần một giờ cho gần 2km đường dốc, chúng tôi tới được điểm trường Nậm Kinh và gặp được những “anh hùng” của sự nghiệp giáo dục. Nhà của các thầy, cô nơi này chỉ là một phần của lớp học được trích ra. Tường thưng bằng vừa gỗ vừa tre hở tuếch toác, tứ phía gió lùa. Mái nhà tuy có tấm lợp nhưng lại không có tấm lợp nóc, qua thời gian tấm trên xô tấm dưới, nằm trong nhà mà nhìn rõ cả trời xanh. Trong căn phòng ấy có một chiếc giường cũng được làm bằng vật liệu tạm và mỗi khi có người ngồi lên lại dẹo bên nọ, rọ bên kia. Rồi hình ảnh một góc bếp kê tạm với mấy chiếc nồi, xoong bé tí tẹo, đen nhẻm khói than, mấy túi cá mắm, lạc khô, trứng và một cái xô đựng nước với túi xà phỏng khiến một đồng nghiệp đi cùng không giấu nổi tiếng thở dài. Nhìn khắp phòng chỉ thấy có sách và báo.
Thú vui duy nhất
Tại điểm trường tiểu học Nậm Kinh có hai thầy giáo là Lại Thế Mạnh và Nguyễn Thành Luân. Cả hai thầy năm nay mới ngoài 20 tuổi nhưng mới nhìn trông ai cũng già dặn như người đã đến tuổi “băm”. Họ già có lẽ một phần là do sự trưởng thành khi được lớn lên trong gian khó nhưng cũng có thể do họ ở nơi mà người ta chỉ biết mỗi làm và nghỉ, không vui chơi, không giải trí.
Thầy Luân thở dài: “Ở đây không có tivi, không có đài, báo năm thì mười hoạ mới tới, mấy băng đài chúng em nghe thuộc cả lời lẫn nhạc, điện thoại thì sóng phập phù lại không có điện để sạc pin. Xa nhà, xa người yêu, chẳng có gì liên lạc, cả tháng mới có vài lá thư, có khi đọc thuộc đến cả từng nét viết hoa ấy chứ.
Cùng bản có lớp học Mầm non do cô giáo Đào Thị Hạnh chủ nhiệm. Cô giáo chưa lập gia đình, một mình ở bản, trong cái căn phòng tạm tuyềnh toàng của mình cô tích trữ toàn là tạp chí Hạnh phúc gia đình mà quyển nào cũng đã cũ, nhưng vẫn xếp ngay ngắn phẳng phiu.
Bản Nậm Kinh còn có một nhóm hộ gọi là Nậm Kinh mới. Đường đến điểm trường phải luồn rừng, lách bụi mới tới. Tuy ở gần trung tâm xã hơn nhưng do ít dân, ít học trò đâm ra lại buồn hơn ở nơi khác. “Lão làng” là tên mà cánh giáo viên ở đây phong cho thầy giáo Lương Văn Thăng. Một mình sống tại nơi cô quạnh thú vui duy nhất của thầy là chiếc điện thoại có thể nghe nhạc. Lúc nào thầy cũng nhìn xa xăm và khi nói thầy trả lời như đếm cho chính mình!
Em yêu nghề rồi!
Giờ học môn toán tại lớp 1 ở bản Nậm Kinh do thầy Luân chủ nhiệm.
Đến thăm họ tôi chắc rằng, nếu không yêu nghề có lẽ các thầy cô nơi đây không thể bám trụ quá một tuần.
Ít thấy thầy cô nào tự khẳng định rằng mình yêu nghề đến mức độ nào nhưng nhìn cách họ tỉ mỉ nắn từng nét chữ, sửa từng cách ngồi cho học sinh hay nhẹ nhàng lau mặt cho các em thì nếu ai đó nói họ không yêu nghề chắc là người không biết quan sát. Khó đến thế, khổ là vậy… thế mà thầy giáo Vũ Xuân Hướng - Trường Tiểu học Căn Co đã bám trụ đất này từ năm 1979, đến nỗi người dân và giáo viên đều phong là “cụ” thầy giáo. Nếu không yêu nghề chắc sẽ không có những buổi các thầy, cô mỏi rạc chân đến bản vận động học sinh, rồi mua quà, mua bánh cho các em ăn lúc giữa giờ. Và chắc cũng không có chuyện các thầy cô xung phong ngược dốc để cắm bản hàng mấy năm trời. Đương nhiên cũng sẽ không có con số 100% học sinh ở đây được lên lớp hàng năm.
Tôi được dự một buổi học vỡ lòng do thầy Nguyễn Thành Luân đứng lớp. Thầy phải tự kê bàn, lau bảng, quét lớp và đến từng nhà gọi học sinh. Thầy giảng mà trò cứ ngơ ngác, phải nhắc đi nhắc lại, hỏi lên hỏi xuống trò mới biết. Thế mà thầy Luân vẫn kiên trì vừa giảng, vừa hỏi, cứ có em nào quên thầy lại hỏi, thậm chí cả lúc các em ra chơi thầy cũng tranh thủ cho các em tập đếm.Thầy Luân bảo: “Mỗi ngày dạy các em một tí, hôm sau lên lớp thấy các em nhớ được điều hôm qua đã dạy, thấy vậy là vui rồi. Em yêu nghề rồi anh ạ!”.
 

Khánh Kiên

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Trưởng bản gương mẫu làm kinh tế
Ở bản Bút Trên (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên), dân bản luôn dành sự ngưỡng mộ đối với trưởng bản Cầm Văn Nhờ bởi cách làm kinh tế của gia đình anh. Tận dụng vốn liếng của cha mẹ để lại, gia đình...