Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên
Thứ năm, 14/10/2010 - 17:20'
(BLC) - Sau 3 năm thực hiện Đề án Kiên cố hóa (KCH) trường, lớp học, nhà công vụ cho giáo viên (Chương trình 159/CP) đã xóa bỏ nhiều phòng học tạm các loại, giải quyết cơ bản nhu cầu bức xúc về nhà công vụ cho giáo viên vùng sâu, vùng xa, cải thiện đáng kể cơ sở vật chất trường, lớp học.
Ngày 2/8/2010 công trình Trường THCS Bình Lư, huyện Tam Đường (được xây dựng bằng nguồn vốn Chương trình 159/CP) hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng, tạo thuận lợi cho việc dạy - học của thầy và trò nhà trường. |
Kiên cố và khang trang là cảm nhận của chúng tôi khi đến thăm một số trường học được xây dựng từ nguồn vốn Chương trình 159/CP trên địa bàn huyện Tam Đường. Mặc dù chỉ là điểm trường mầm non Đội 4, xã Hồ Thầu nhưng 2 năm qua nhờ được xây dựng khang trang, kiên cố với 1 lớp học rộng rãi, trang bị đầy đủ thiết bị dạy, học và không gian để các cháu vui chơi.
Cô giáo Bùi Thị Dưm cho biết: “Trước kia, lớp học chỉ rộng 12m2, để có chỗ ở cho giáo viên phải ngăn đôi lớp học. Lớp học mái lợp bằng gianh, xung quanh quây phên nứa, hôm nào mưa to, cô giáo phải dùng bạt che cho tạo và bảo vệ đồ dùng học tập. Năm học 2009 – 2010, điểm trường được xây dựng, đưa vào sử dụng, tạo không gian học tập tốt, thu hút sự chuyên cần của học sinh. Năm học 2010 – 2011, điểm trường có 28 cháu (từ 3 – 5 tuổi) đạt 100% số trẻ trong độ tuổi đến lớp”.
Năm học này, hơn 100 cô trò điểm trường Chu Va 8 (xã Sơn Bình) háo hức, phấn khởi hơn vì được học trong ngôi trường mới khang trang với 2 phòng học thoáng mát vừa được bàn giao đưa vào sử dụng. Mặc dù năm học mới đã khai giảng gần nửa tháng nhưng hôm nay anh Và A Nhè, bản Chu Va 8 mới có thời gian đưa con gái 5 tuổi đến lớp.
Anh Nhè phấn khởi nói: “Những năm trước, lớp học chưa đảm bảo, mỗi khi trời mưa to tôi lại cho con ở nhà. Năm nay, hôm nào đi học về, con gái tôi cũng khoe đi học vui lắm, có lớp mới, nền nhà bằng gạch hoa, cô giáo làm nhiều đồ chơi, được học múa, hát, viết chữ nữa. Lớp học được xây khang trang, chúng tôi cho con đến trường cũng thấy yên tâm”.
Thực hiện Chương trình 159/CP, giai đoạn 2008 – 2012, huyện Tam đường được phân bổ xây dựng 163 phòng học và 125 phòng công vụ cho giáo viên 3 bậc học: mầm non, tiểu học, THCS. Sau 3 năm thực hiện, huyện đã triển khai xây dựng 124/163 phòng học (đạt 70%); hoàn thiện 62 phòng công vụ (đạt 50%).
Được biết, để có được kết quả đó, huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo chương trình KCH trường lớp học gồm: UBND huyện chủ đầu tư, cơ quan thường trực là Phòng GD & ĐT, Ban QLDA huyện điều hành Đề án. Từ khâu lập dự án đến lập báo cáo kinh tế kỹ thuật, thẩm định kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công lập dự toán đều được các cơ quan thực hiện đúng quy trình, đảm bảo quy định luật xây dựng cơ bản. Các bước triển khai thi công, từ lựa chọn nhà thầu đến tiến độ thi công và nghiệm thu công trình hoàn thành đưa vào sử dụng có sự phối hợp của cơ quan chuyên môn, các nhà thầu được lựa chọn đảm bảo năng lực thi công.
Từ Chương trình 159/CP giai đoạn 2008 - 2012, Lai Châu được đầu tư xây dựng 1.431 phòng học và 772 phòng công vụ với nguồn vốn đầu tư trên 278 tỷ đồng. Đến thời điểm này đã có 424 phòng học, 298 phòng công vụ hoàn thành và đưa vào sử dụng; 226 phòng học, 83 phòng công vụ đang thi công và 233 phòng học, phòng công vụ đang hoàn thiện thủ tục đầu tư.
UBND tỉnh đã chỉ đạo các ban, ngành và UBND các huyện, thị kiểm tra, rà soát lại danh mục, số lượng phòng học 3 ca, phòng học tạm các loại và nhà công vụ cho giáo viên, do đó danh mục đầu tư được phê duyệt đảm bảo mục tiêu Đề án. Với việc phân cấp quản lý, giám sát, thi công, các huyện thị đã thành lập Ban chỉ đạo chương trình KCH trường để kiểm tra giám sát thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, chất lượng công trình.
Hiệu quả Chương trình 159/CP mang lại không thể phủ nhận, tuy nhiên khó khăn trong quá trình thực hiện là không nhỏ. Báo cáo đánh giá thực hiện Đề án của Ban chỉ đạo Chương trình KCH trường, lớp học tỉnh nêu rõ: Với nguồn vốn đầu tư cho cả giai đoạn, Lai Châu chỉ có thể hoàn thành khoảng 1/3 số lượng phòng học, nhà công vụ theo kế hoạch Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong quá trình thực hiện, khó khăn chung của hầu hết các huyện gặp phải là kinh phí xây dựng vượt mức đầu tư, do đó phải sử dụng kinh phí đầu tư năm 2010 để trả của giai đoạn I.
Nguyên nhân là do các công trình được xây dựng chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại khó khăn, mùa mưa kéo dài, việc vận chuyển nguyên vật liệu đến chân công trình không thuận lợi, cự ly vận chuyển dài dẫn đến suất đầu tư cho 1 công trình lớn, trung bình 420 triệu đồng/phòng học (trong khi theo quy định là 110 triệu đồng/phòng học và 60 triệu đồng/phòng công vụ).
Theo Đề án, việc chuẩn bị mặt bằng do địa phương, nhưng nguồn vốn kinh phí địa phương hạn hẹp, công tác xã hội hóa giáo dục còn hạn chế, do vậy công tác giải phóng mặt bằng chưa đáp ứng yêu cầu tiến độ.
Việc đầu tư chủ yếu là phòng học, vẫn thiếu các phòng khác như: phòng làm việc cho ban giám hiệu, phòng chức năng, phòng học bộ môn; các công trình phụ trợ như công trình vệ sinh… đầu tư không đồng bộ, khó khăn cho công tác dạy và học của nhà trường.
Chia sẻ vấn đề này, ông Đỗ Văn Hán – Giám đốc Sở GD & ĐT cho biết: Căn cứ tình hình giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) năm 2008, 2009, khối lượng hoàn thành của các dự án đến tháng 3/2010, UBND tỉnh có chủ trương quyết tâm hoàn thành mục tiêu chương trình KCH trường, lớp học, nhà công vụ cho giáo viên và đảm bảo tiến độ giải ngân nguồn vốn TPCP cả giai đoạn 2008 – 2010 của Đề án trong năm 2011. Thực hiện mục tiêu này, hiện nay ngành Giáo dục được tiếp nhận nhiều đề án như: mẫu giáo cho trẻ 5 tuổi, bán trú dân nuôi…, do vậy ngành đang tích cực quy hoạch mạng lưới, KCH trường, lớp học và nhà công vụ gắn với lồng ghép các dự án để tiết kiệm chi tiêu, đảm bảo sự đồng bộ của công trình. Đồng thời, tiếp tục tranh thủ nguồn vốn của Bộ GD & ĐT, đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, kiến nghị xin bổ sung nguồn vốn cho năm 2011 và căn cứ đặc điểm vùng miền của Lai Châu xem xét tăng suất đầu tư và mức hỗ trợ kinh phí phù hợp, đáp ứng nhu cầu và nhiệm vụ của chương trình. Ngoài ra, cần có sự phối hợp tích cực của nhiều cấp, ngành, chính quyền địa phương, trong đó có việc bố trí nguồn vốn cho chương trình.
Hà Linh
Viết bình luận
Quản lý xây dựng trái phép ở Tân Uyên
(BLC) – Công tác quản lý đất đai chưa bao giờ là việc dễ, nhất là đối với huyện Tân Uyên còn nhiều vấn đề do lịch sử để lại cũng như việc chia tách, điều chỉnh địa giới hành chính. Cấp ủy, chính...
Việt Nam trúng cử Ủy ban Luật Thương mại Quốc tế của Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2025 - 2031
Ngày 20/11 (theo giờ địa phương), tại trụ sở của Liên hợp quốc (LHQ) ở New York (Mỹ), Việt Nam đã tiếp tục tái cử vị trí thành viên Ủy ban Luật Thương mại Quốc tế của LHQ (UNCITRAL) nhiệm kỳ...
Thông báo Lịch tiếp công dân tháng 10 năm 2024 của Chủ tịch UBND tỉnh
(BLC) - Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015; Luật Tiếp công dân năm 2013; Nghị định số 64/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật...
Trưởng bản gương mẫu làm kinh tế
Ở bản Bút Trên (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên), dân bản luôn dành sự ngưỡng mộ đối với trưởng bản Cầm Văn Nhờ bởi cách làm kinh tế của gia đình anh. Tận dụng vốn liếng của cha mẹ để lại, gia đình...
Đội xung kích Công ty Điện lực Lai Châu tham gia hỗ trợ khắc phục sự cố lưới điện bị ảnh hưởng do bão Yagi tại Hải Phòng
(BLC) - Do ảnh hưởng trực tiếp của bão Yagi tại các tỉnh miền Bắc đã gây thiệt hại lớn đến lưới điện, tình hình mất điện diện rộng xảy ra tại các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng. Nhằm hỗ trợ các đơn vị...
Bình luận