Mẹ lên nương, mình em đến lớp
Thứ hai, 25/10/2010 - 10:42'
(BLC) - Chúng tôi đến Trường mầm non Dào San (huyện Phong Thổ) khi các em đang ríu rít gọi nhau xếp hàng vào lớp. Những ánh mắt bẽn lẽn, nụ cười ngây thơ nở trên gương mặt trẻ nhỏ.
Cô giáo Vương Thúy Hằng và học sinh lớp 5 tuổi trong giờ ra chơi. |
Em Vàng Thị Sua – 5 tuổi ở bản Hợp 2 ngọng nghịu nói: “Đến trường học với các bạn, với cô giáo vui lắm ạ!”.
Ở trường mầm non vùng cao cảnh bố mẹ đưa con đi học và đón con về là chuyện hiếm thấy. Khi trời còn mờ sáng, bố mẹ vác cuốc, đeo lu cở lên nương cũng là lúc các em nhỏ 3 - 5 tuổi trong bản tíu tít gọi nhau đi học. Trên những ngả đường mòn, từng đôi bàn chân nhỏ líu ríu bước đến trường.
Ngày trước, đến vùng cao chúng ta thường bắt gặp cảnh bố mẹ địu con lên nương, các em lớn hơn thì tha thẩn chơi ở các rặng cây hoặc ở nhà trông nhau. Nay đã khác, các em đến trường, được quen các bạn, được học nhận biết màu sắc, học nói tiếng phổ thông để khi học tiểu học không bị bỡ ngỡ…
Chị Vương Thúy Hằng – Hiệu phó Trường Mầm non Dào San cho biết: “Nhà các em ở xa, đi học buổi sáng thì tối mới về nhà nên chúng tôi thu xếp cho các em ăn nghỉ tại trường vào buổi trưa. Thời tiết ở Dào San khá lạnh nên khi nấu xong thức ăn thường bị nguội ngắt, nhà trường đã mua cặp lồng ủ cơm trưa cho các em. Hiện nay, ở lớp học nào trong xã cũng có cặp lồng để ủ cơm cho các em. Những em gia đình hoàn cảnh khó khăn được hưởng trợ cấp 70.000 đồng/tháng”.
Theo kế hoạch năm học 2010 – 2011, xã sẽ có 23 lớp nhưng hiện tại, toàn xã mới có 18 lớp học (trong đó có 4 lớp ở trung tâm xã). Việc duy trì lớp gặp nhiều khó khăn bởi tình trạng thiếu giáo viên. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết: trường được biên chế 23 giáo viên, trừ các giáo viên đi học thêm, bảo vệ và phục vụ trường thì hiện tại chỉ có 16 giáo viên (kể cả Ban Giám hiệu nhà trường) cùng đứng lớp.
Không thể kể hết những nhọc nhằn của các cô giáo dạy trẻ ở vùng cao. Cô giáo Hoàng Thị Tuyết (quê ở Yên Bái), sau 2 năm dạy điểm trường mầm non bản Ma Cang (điểm trường đi lại khó khăn nhất trong xã: mùa khô có thể đi xe máy 25km, còn mùa mưa thì phải đi bộ theo đường rừng 14km), tâm sự: “Những buổi học đầu, chúng tôi muốn hướng dẫn các em bất cứ việc gì cũng rất khó vì các em còn bé, chưa biết tiếng phổ thông mà chỉ nói chuyện với nhau bằng tiếng Mông, Hà Nhì, Dao. Sau khi dạy được 1 tháng, chúng tôi xuống các gia đình gần trường để học tiếng đồng bào. Mình có biết tiếng đồng bào địa phương mới có thể dạy các em tiếng phổ thông được”.
Sự kiên trì ấy đã được đền đáp khi các em líu lo gọi: “Cô giáo ơi!”, giọng nói còn ngọng nghịu, ánh mắt các em xoe tròn yêu thương nhìn cô giáo trẻ.
Dạy ở miền núi, các cô giáo còn nhiều thiệt thòi bởi phụ huynh còn mải việc nương rẫy, làm gì biết đến ngày 20/11, 8/3. Song những buổi trung thu, các cô bày chút bánh kẹo, nhìn các em quây quần bên nhau, các cô đã thấy ấm lòng, quên đi mọi khó khăn, vất vả.
Đến các lớp mầm non vùng cao, chúng tôi còn ngạc nhiên bởi bàn tay khéo léo của các cô giáo trẻ. Tuy các điểm trường còn khó khăn, song lớp học nào cũng dán đủ tranh, ảnh, đồ dùng trực quan cần thiết của lớp học. Tất cả các dụng cụ ấy đều do các cô tự bỏ lương mua giấy màu, keo dán rồi thức đêm, tỉ mẩn cắt ghép để các em dễ hiểu, dễ tiếp thu kiến thức. Riêng điểm trường tại trung tâm xã Dào San, các em được Ủy ban Bảo vệ Chăm sóc Bà mẹ và Trẻ em tỉnh tặng cầu trượt, thú nhún, đu quay… Nhìn các em vui cười, chơi đùa mới hiểu hết ý nghĩa của các món quà thiết thực đối với trẻ em miền núi.
Mùa đông sắp về trên cao nguyên Dào San. Qua trao đổi với các cô giáo, chúng tôi được biết các cô cũng rất lo vì mùa đông của những năm trước, các em nghỉ lại trường buổi trưa mà không có chăn ấm. Trường mầm non vùng cao còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, rất cần những tấm lòng hảo tâm từ các cá nhân, đơn vị giúp đỡ các em, chia sẻ với các cô để cùng phát triển sự nghiệp trồng người.
Đến nơi đây, chúng tôi được chứng kiến cảnh đầu năm, giáo viên vận động các gia đình mua bảng đen, bút chì và khăn mặt cho con song nhiều hộ nghèo không thể có tiền để mua cho con, các cô lại góp tiền mua đủ cho lớp mình.
Gió cao nguyên hun hút thổi, ở khoảng lớp nào đó, có những tiếng hát ê a làm ấm áp cả không gian: “Cô là mẹ và các cháu là con, trường của cháu đây là trường mầm non”.
Mây Trắng
Viết bình luận
Quản lý xây dựng trái phép ở Tân Uyên
(BLC) – Công tác quản lý đất đai chưa bao giờ là việc dễ, nhất là đối với huyện Tân Uyên còn nhiều vấn đề do lịch sử để lại cũng như việc chia tách, điều chỉnh địa giới hành chính. Cấp ủy, chính...
Việt Nam trúng cử Ủy ban Luật Thương mại Quốc tế của Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2025 - 2031
Ngày 20/11 (theo giờ địa phương), tại trụ sở của Liên hợp quốc (LHQ) ở New York (Mỹ), Việt Nam đã tiếp tục tái cử vị trí thành viên Ủy ban Luật Thương mại Quốc tế của LHQ (UNCITRAL) nhiệm kỳ...
Thông báo Lịch tiếp công dân tháng 10 năm 2024 của Chủ tịch UBND tỉnh
(BLC) - Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015; Luật Tiếp công dân năm 2013; Nghị định số 64/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật...
Trưởng bản gương mẫu làm kinh tế
Ở bản Bút Trên (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên), dân bản luôn dành sự ngưỡng mộ đối với trưởng bản Cầm Văn Nhờ bởi cách làm kinh tế của gia đình anh. Tận dụng vốn liếng của cha mẹ để lại, gia đình...
Đội xung kích Công ty Điện lực Lai Châu tham gia hỗ trợ khắc phục sự cố lưới điện bị ảnh hưởng do bão Yagi tại Hải Phòng
(BLC) - Do ảnh hưởng trực tiếp của bão Yagi tại các tỉnh miền Bắc đã gây thiệt hại lớn đến lưới điện, tình hình mất điện diện rộng xảy ra tại các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng. Nhằm hỗ trợ các đơn vị...
Bình luận