Phát huy vai trò của tổ chức công đoàn trong triển khai các phong trào thi đua
Phong trào thi đua “Dạy tốt – Học tốt” gắn với “Phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục và chất lượng giáo dục toàn diện. Các thầy, cô giáo cần thân thiện trong dạy học, thân thiện trong đánh giá kết quả rèn luyện, học tập của học sinh, thân thiện trong các hoạt động giáo dục. Trong môi trường phát triển toàn diện đó, học sinh học tập hứng thú, chủ động tìm hiểu kiến thức dưới sự dìu dắt của thầy cô giáo, gắn chặt giữa học và hành, biết thư giãn khoa học, rèn luyện kỹ năng và phương pháp học tập, trong đó những yếu tố hết sức quan trọng là khả năng tự tìm hiểu, khám phá, sáng tạo.
Phong trào thi đua “Dạy tốt – Học tốt” gắn với xây dựng "trường học thân thiện, học sinh tích cực” góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục và chất lượng giáo dục toàn diện. Trong ảnh: Giờ ôn luyện học sinh giỏi môn toán khối lớp 10 của thầy và trò Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn.
Công tác xây dựng đội ngũ được đặt lên hàng đầu: bởi đây là nhân tố quan trọng để làm nên chất lượng giáo dục cho các nhà trường. Thực hiện phong trào này, chúng tôi đã chủ động từng bước phối hợp xây dựng đội ngũ giáo viên có phẩm chất đạo đức, năng lực quản lý, đáp ứng yêu cầu của giáo dục trong thời kỳ phát triển mới. Công đoàn, bằng nhiều hình thức, đã tổ chức tuyên truyền, giáo dục giúp công đoàn viên nhận thức một cách đầy đủ, đúng đắn vai trò, vị trí và đặc biệt là năng lực của người giáo viên trong xã hội hiện nay. Từ đó bồi dưỡng tình yêu nghề, lòng tự trọng nghề nghiệp để giáo viên tự giác thực hiện nhiệm vụ được giao.
Xây dựng kế hoạch dạy và học có hiệu quả, phù hợp với đặc điểm lứa tuổi của học sinh giúp các em tự tin trong học tập: Thầy, cô giáo phải là người “dạy tốt”, phải thường xuyên trau dồi và nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phấn đấu trở thành giáo viên (GV) dạy giỏi, dạy tốt bộ môn mình phụ trách để tạo niềm tin và hứng thú học tập cho học sinh. Trong quá trình dạy học, GV phải tạo được không khí ấm áp, chan hòa, cởi mở, thân thiện với mọi đối tượng học sinh đặc biệt là những học sinh yếu. Khuyến khích học sinh (HS) tích cực phát biểu ý kiến, luôn tôn trọng lắng nghe HS phát biểu hoặc đưa ra những thắc mắc cần giải đáp, tích cực cùng HS giải quyết vấn đề một cách thấu đáo, phù hợp tạo cho các em sự hứng thú và tự tin trong học tập.
Tích cực đổi mới và vận dụng linh hoạt các phương pháp dạy học phù hợp với các đối tượng HS. GV cần kích thích tư duy để huy động được tiềm năng học tập trong mỗi HS đặc biệt đối với các em HS yếu. Chú trọng bồi dưỡng năng lực tự học và ý thức tích cực, tự giác hoàn thành các nhiệm vụ học tập của học sinh theo yêu cầu và hướng dẫn của GV. Tăng cường việc dạy học có đồ dùng trực quan, nâng cao khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong việc dạy học. Tổ chức tốt các hoạt động ngoại khóa, hoạt động giáo dục theo nội dung của phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác giáo dục.
Thực hiện nghiêm túc đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá kết quả giảng dạy của giáo viên, học tập của học sinh: đánh giá giáo viên có thể thông qua dự giờ và thanh kiểm tra đột xuất, lấy hiệu quả công việc làm cơ sở xếp loại thi đua. Động viên đoàn viên công đoàn tích cực tham gia các cuộc thi do ngành tổ chức, tích cực học tập để phát triển năng lực chuyên môn. Tích cực thực hiện dạy học Chương trình GDPT 2018 đối với các lớp 6, 7,10; đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá theo hướng phát huy tính tích cực, phù hợp với đối tượng học sinh. Khi đánh giá học sinh, giáo viên cần tôn trọng sản phẩm của học sinh, chấm chữa chính xác, chu đáo, công bằng, khách quan. Qua mỗi bài kiểm tra phải giúp học sinh nhận thấy được những thành công, hạn chế của mình để tạo được sự nỗ lực, vươn lên của các em.
Thực hiện “Dạy thật, học thật, thi thật, chất lượng thật”. Đó là việc mỗi đoàn viên công đoàn nhận thức được "Chất lượng giáo dục là Danh dự, Uy tín của nhà trường, là cơ sở niềm tin của xã hội" đối với nhà trường. Mỗi thầy cô giáo sẽ là người động viên học sinh phát huy tính tích cực tự giác và say mê học tập, khuyến khích học sinh đề xuất sáng kiến và cùng thầy cô giáo thực hiện để dạy và học đạt hiệu quả cao; tổ chức khảo sát chất lượng, phân loại HS; xếp loại HS đúng thực chất. Chất lượng dạy học của nhà trường ngày càng được khẳng định qua các kì thi học kỳ, thi HSG các cấp, thi tốt nghiệp THPT.
Ban Chấp hành công đoàn phải phối kết hợp chặt chẽ với chính quyền, các tổ chức chính trị, các phòng, ban chuyên môn trong việc lập kế hoạch để phát động phong trào thi đua “Dạy tốt – Học tốt”. Trong các đợt thi đua, cần xác định nội dung cụ thể, trọng tâm như: thời gian phát động, thực hiện các giai đoạn tham gia, định hướng từng nội dung cụ thể của đợt thi đua, cách thức tổ chức tiến hành của các bộ phận từ BCH đoàn đến các tổ công đoàn và đoàn viên. Phối kết hợp với chính quyền cơ quan, đơn vị nhà trường, các tổ chuyên môn theo dõi việc thực hiện nhiệm vụ của từng cá nhân trong các tổ công đoàn. Cùng với đó là phối kết hợp chặt chẽ với đội ngũ giáo viên chủ nhiệm tích cực nhiệt tình bám lớp, theo dõi quản lý và nắm chắc tình hình của lớp, kịp thời giáo dục động viên nhắc nhở học sinh trong học tập và rèn luyện. Phối hợp với chính quyền, qua mỗi đợt thi đua đều có sơ kết, tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm, chỉ ra những cá nhân thực hiện tốt, những cá nhân thực hiện chưa tốt, khen thưởng động viên kịp thời.
Thời gian tới, Công đoàn ngành tiếp tục đa dạng hóa các hoạt động, tạo sự đồng thuận cao trong đội ngũ nhà giáo, đoàn viên công đoàn; phát động sâu rộng các phong trào thi đua, góp phần tạo chuyển biến tích cực về chất lượng giáo dục. Phối hợp với chuyên môn, chính quyền các cấp thực hiện tốt công tác chăm lo đời sống, tạo điều kiện cho cán bộ GV nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị, rèn luyện phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, tạo tiền đề thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.
T.C
Bình luận