KỶ NIỆM 115 NĂM THÀNH LẬP TỈNH, 75 THÀNH LẬP ĐẢNG BỘ TỈNH, 20 NĂM CHIA TÁCH, THÀNH LẬP TỈNH LAI CHÂU | Chính trị
Hiệu quả phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá"
Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc vừa khép lại, nhưng dư âm của tinh thần đoàn kết, ấm áp nghĩa tình vẫn còn lan tỏa mạnh mẽ khắp các bản, khu dân cư trong tỉnh. Những hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao và bữa cơm cộng đồng không chỉ thắt chặt tình làng nghĩa xóm mà còn tiếp thêm sức mạnh tinh thần để mỗi người dân đồng lòng xây dựng đời sống văn hóa mới.
Mới đây có dịp được tham dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở bản Thẳm (xã Bản Hon, huyện Tam Đường), chúng tôi được hòa mình vào không khí vui tươi của Ngày hội. Đây không chỉ là dịp để toàn thể nhân dân được tham gia các hoạt động tập trung ở cộng đồng dân cư, mà còn phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong góp ý, xây dựng khu dân cư ngày càng phát triển, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của địa phương.
Tiết mục văn nghệ tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở bản Thẳm.
Bản Thẳm có 43 hộ với 299 nhân khẩu, người dân sinh sống chủ yếu từ sản xuất nông, lâm nghiệp. Nhân dân trong bản luôn đoàn kết, nỗ lực thực hiện có hiệu quả các nội dung Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"; tích cực giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo. Năm 2024, bản có 43/44 hộ gia đình đạt "Gia đình văn hóa", khu dân cư duy trì "Khu dân cư văn hóa". Tổng sản lượng lương thực có hạt là 133 tấn; bình quân lương thực đạt 718 kg/người/năm.
Nhờ đẩy mạnh thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, 100% hộ dân được phổ biến và chấp hành thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy ước, hương ước. 100% các hộ gia đình thực hiện tốt công tác phòng chống tội phạm, đảm bảo an toàn giao thông, bản không phát sinh tội phạm, không có người nghiện ma túy. Duy trì và phát huy vai trò các đội văn nghệ quần chúng để phục vụ bà con trong các dịp Lễ, Tết. Năm 2025, Khu dân cư bản Thẳm đề ra 7 mục tiêu phấn đấu, cụ thể: 100% hộ gia đình đạt danh hiệu "Gia đình văn hoá", duy trì bản văn hoá, 100% các hộ gia đình thực hiện tốt công tác vệ sinh bản hàng tuần, có 1-2 hộ thoát nghèo…
Ông Tao Văn Ngần - Trưởng bản Thẳm chia sẻ: Hiệu quả rõ rệt nhất mà phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" đem lại mối quan hệ láng giềng ngày càng được củng cố. Các hộ gia đình sẵn sàng giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn. Người dân chủ động tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, xây dựng nếp sống văn minh, bảo vệ môi trường và giữ gìn an ninh trật tự. Qua đó, không chỉ góp phần nâng cao chất lượng đời sống của người dân mà còn là nền tảng quan trọng cho sự phát triển bền vững của bản. Đây là minh chứng rõ ràng cho sức mạnh của tinh thần đoàn kết và sự đồng lòng của cộng đồng trong việc xây dựng một cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.
Lai Châu là tỉnh miền núi, biên giới nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc, có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại và bảo vệ môi trường sinh thái. Tỉnh có 20 dân tộc anh em sinh sống, trong đó dân tộc Si La, Mảng, Cống chỉ có ở Lai Châu với nhiều phong tục tập quán, làm cho nền văn hóa của tỉnh thêm phong phú, đa dạng và giàu bản sắc dân tộc.
Kéo co không chỉ là môn thể thao truyền thống của các dân tộc mà còn là biểu tượng của sự đoàn kết và tinh thần đồng đội được bà con bản Thẳm lựa chọn tham gia Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.
Xác định rõ vị trí, vai trò của văn hóa vừa là động lực, vừa là mục tiêu phát triển trong đời sống chính trị, xã hội, tỉnh Lai Châu hết sức quan tâm phát triển các hoạt động văn hóa. Để phong trào ngày càng thấm sâu vào đời sống xã hội của toàn dân, các cấp các ngành trong tỉnh tích cực, chủ động trong công tác phối hợp tham mưu, tuyên truyền, triển khai các hoạt động của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn toàn tỉnh. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu UBND tỉnh đưa các chỉ tiêu gia đình, bản, khu phố, cơ quan, đơn vị văn hóa, xây dựng nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố vào Nghị quyết, Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của tỉnh năm 2024. Đến nay, 8/8 huyện thành phố, 106/106 xã, phường, thị trấn đã tham mưu đưa các chỉ tiêu gia đình, bản, khu phố, cơ quan, đơn vị văn hóa, xây dựng nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố vào Nghị quyết, Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn.
Các hoạt động tuyên truyền được gắn kết với các hoạt động chính trị, như triển khai quán triệt nghị quyết, chỉ thị của Đảng; sinh hoạt chi bộ; học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; gắn với các hoạt động văn hóa như các kỳ lễ hội, kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc, của tỉnh và của cộng đồng dân tộc trong tỉnh; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng như: Báo Lai Châu, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và hệ thống phát thanh, truyền hình, cổ động của các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn…
Tỉnh xác định các giá trị văn hóa, di tích lịch sử là tài sản vô giá của cha ông để lại cần phải giữ gìn và phát huy, có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục truyền thống cách mạng, lịch sử, văn hóa của dân tộc cho thế hệ trẻ; là phương tiện để giới thiệu về hình ảnh quê hương cho du khách trong và ngoài nước, tạo tiền đề quảng bá du lịch góp phần phát triển kinh tế - xa hội của địa phương. Công tác bảo tồn, trùng tu, tôn tạo, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể được quan tâm. Trong năm 2024, toàn tỉnh duy trì 40 lễ, lễ hội thường niên của các dân tộc thiểu số; duy trì hoạt động 975 đội văn nghệ quần chúng thôn, bản, tổ dân phố; triển khai nhân rộng 3 mô hình phòng chống bạo lực gia đình tại huyện Sìn Hồ (2 mô hình) và Mường Tè (1 mô hình) với 15 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng. 15 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình; 15 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, 225 thành viên tham gia câu lạc bộ, nâng tổng số mô hình trên toàn tỉnh lên 78 mô hình (gồm 463 nhóm phòng chống bạo lực gia đình, 463 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững với trên 6.420 thành viên tham gia câu lạc bộ và 433 địa chỉ tin cậy về phòng, chống bạo lực gia đình tại cộng đồng).
Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự phối hợp tạo điều kiện của chính quyền các cấp, sự hưởng ứng tham gia tích cực của các tổ chức thành viên và đông đảo nhân dân, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư trên địa bàn tỉnh ngày một đáp ứng được yêu cầu xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới. Phong trào không chỉ dừng lại ở lĩnh vực văn hóa, mà còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế của người dân. Các mô hình kinh tế hộ gia đình, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp gắn với bảo tồn văn hóa đã được triển khai rộng rãi. Nhiều khu dân cư đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Thông qua Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đã huy động được sức mạnh đoàn kết toàn dân, tích cực tham gia các phong trào thi đua, các cuộc vận động. Nổi bật, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên trong tỉnh tích cực vận động nhân dân hưởng ứng thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả. Trong 2 năm qua, toàn tỉnh huy động nhân dân đóng góp 669.883m2 đất để xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa... với trên 30.520 ngày công lao động. Ngoài ra, còn nhiều tài sản, vật liệu tiếp tục được cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, nhân dân đóng góp.
Qua việc triển khai thực hiện tốt các nội dung của phong trào, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được nâng lên, an ninh trật tự được đảm bảo, các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy, môi trường văn hóa xã hội ở cộng đồng dân cư ngày càng tiến bộ, văn minh. Trong năm 2024, toàn tỉnh có 935/956 thôn, bản, tổ dân phố đăng ký danh hiệu văn hóa; 95.112/106.517 hộ gia đình đăng ký văn hóa; 983/1.020 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đăng ký văn hóa; 9/12 phường, thị trấn đăng ký đạt chuẩn đô thị văn minh. Ước tính đến hết năm 2024, toàn tỉnh có 91.711/106.517 hộ gia đình đạt danh hiệu văn hóa (đạt 86,1%); 716/956 bản, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa (đạt 74,9%); 983/1006 cơ quan, đơn vị doanh nghiệp đạt danh hiệu văn hóa (đạt 97,7%). Những kết quả này là minh chứng cho sự nỗ lực không ngừng của người dân và các cấp chính quyền địa phương.
Từ các bản làng vùng cao đến trung tâm thành phố, niềm hân hoan của Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc vẫn hiện rõ trên từng gương mặt. Tiếng cười, lời ca và những câu chuyện về sự chung tay, góp sức xây dựng bản làng ngày một khởi sắc đã trở thành nguồn động lực mạnh mẽ, tạo nên sức sống mới, gắn kết bền chặt giữa đồng bào các dân tộc. Đó không chỉ là dịp ôn lại truyền thống mà còn khơi dậy tinh thần trách nhiệm, cùng hướng đến mục tiêu xây dựng một Lai Châu đoàn kết, văn minh và phát triển.
Bình Minh
Bình luận