Chủ nhật, 01/12/2024, 08:06 [GMT+7]

Lai Châu: Thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, đa dạng hóa sản phẩm gắn với nhu cầu thị trường và lợi thế cạnh tranh

Thứ sáu, 17/11/2023 - 19:22'
Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 22/02/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 (Nghị quyết 05) đã cho thấy: Đây là một Nghị quyết có chủ trương đúng đắn, định hướng phù hợp với tiềm năng, lợi thế của tỉnh và xu thế phát triển; qua đó góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp có giá trị gắn với nhu cầu thị trường và lợi thế cạnh tranh.

h

Đồng chí Giàng Páo Mỷ - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; đồng chí Vũ Mạnh Hà - Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy thăm khu trồng đương quy của bà con xã Nùng Nàng, huyện Tam Đường.

Hơn 2 năm qua, với sự cố gắng, nỗ lực của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, cùng với sự đồng thuận cao của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã vượt qua khó khăn, thách thức, các quan điểm, mục tiêu của Nghị quyết 05 từng bước được cụ thể hóa, nông nghiệp tỉnh Lai Châu nói chung và nông nghiệp hàng hóa tập trung nói riêng đã đạt được những kết quả tích cực.

Sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hóa tập trung, bước đầu khai thác lợi thế gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tập trung nguồn lực đầu tư, hỗ trợ vào các vùng trọng điểm, các sản phẩm chủ lực gắn với đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung đã chú trọng lấy doanh nghiệp, hợp tác xã là trung tâm, cộng đồng dân cư và hộ nông dân là chủ thể, gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm, xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch, qua đó đời sống của Nhân dân ngày càng được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần.

Về các sản phẩm hàng hóa chủ lực có lợi thế, tính đến hết năm 2022, tỉnh Lai Châu tổng diện tích cây mắc ca đạt 6.603 ha; tổng diện tích chè đạt 9.316,7 ha; chăm sóc, bảo vệ 12.945 ha cây cao su. Về sản phẩm nông nghiệp hàng hóa đặc sản, diện tích lúa hàng hóa đạt 3.936 ha; phát triển các loại hoa tập trung 115,2 ha/200 ha; trồng mới hoa địa lan 50.118 chậu; trồng mới cây ăn quả tập trung đạt 1.316,8 ha; toàn tỉnh hiện có 151 cơ sở chăn nuôi đại gia súc tập trung; phát triển mới 5.893 thùng ong; phát triển mới 55.512 m3 cá lồng…

Để đạt được kết quả trên, ngay sau khi Nghị quyết 05 được ban hành, Đảng bộ tỉnh và các Đảng bộ trực thuộc Đảng bộ tỉnh đều ban hành kế hoạch học tập, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết. Ủy ban nhân dân tỉnh đã tổ chức Hội nghị phổ biến, triển khai đến các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, nhóm hộ và hộ nông dân trên địa bàn tỉnh; Hội Nông dân tỉnh tổ chức Hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh với cán bộ Hội Nông dân, hội viên, nông dân; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị quán triệt Nghị quyết, chính sách và tập huấn chuyên môn, đồng thời ban hành Sổ tay phổ biến chủ trương, các chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn tỉnh Lai Châu...

Qua đó, đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đã cơ bản nhận thức được chủ trương, các nội dung cơ bản của Nghị quyết, Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh nắm được chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp của tỉnh, từ đó tạo ra nhận thức, động lực cho phát triển nông nghiệp hàng hoá tập trung, thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển nông thôn. Hơn 2 năm đã thu hút được 87 doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm, khảo sát đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; toàn tỉnh đã có 89 dự án liên kết sản xuất được triển khai thực hiện, từng bước thay đổi tập quán sản xuất manh mún, nhỏ lẻ cá thể, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

Các hộ dân phát triển nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện.

Các hộ dân phát triển nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện.

Việc ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất như: Nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao… đã được chú trọng phát triển. Toàn tỉnh thực hiện 34 mô hình khuyến nông chuyển giao kỹ thuật sản xuất nông nghiệp cho 3.252 hộ nông dân tham gia. Phục tráng và xây dựng nhiều nhãn hiệu sản phẩm lúa; phát triển 29,8 ha nhà màng, nhà lưới; cấp giấy chứng nhận theo các quy trình kỹ thuật an toàn 289,72 ha; có 01 trang trại nuôi lợn quy mô 10.933,4 m2; 01 cơ sở nuôi cá nước lạnh thể tích 9.000 m3.

Xu hướng hình thành các hợp tác xã để tham gia liên kết sản xuất có sự chuyển biến rõ rệt. Phong trào xây dựng mỗi xã một sản phẩm (OCOP) có sự phát triển rõ nét về cả quy mô và chất lượng sản phẩm. Nhiều sản phẩm OCOP đặc hữu của tỉnh đã được thị trường trong và ngoài tỉnh đón nhận, có sự phát triển tốt, như các sản phẩm gạo, mắc ca, chè, miến dong, thịt sấy các loại, mật ong, đông trùng hạ thảo, du lịch cộng đồng… Đến nay trên địa bàn toàn tỉnh có 16 trang trại; 155 tổ hợp tác và 143 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong 2 năm đã hướng dẫn cho 18 đơn vị xác lập quyền sở hữu trí tuệ, trong đó có 10 đơn vị đã được cấp văn bằng bảo hộ; tư vấn hỗ trợ cho 46 đơn vị đăng ký mã số, mã vạch với 97 sản phẩm được công bố tiêu chuẩn cơ sở. Thực hiện chứng nhận cho 111 sản phẩm OCOP, nâng tổng số sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh lên 158 sản phẩm...

Vùng chè xanh mướt tại huyện Tân Uyên.
Đến Tân Uyên những ngày này, vui mừng khi thấy nhiều vùng sản xuất tập trung đã được hình thành. Với hơn 800 ha lúa đặc sản địa phương; trên 3.338 ha chè, 15 nhà máy chế biến chè; vùng cây ăn quả tập trung với diện tích 396 ha; vùng sản xuất rau màu tập trung với diện tích 67,5 ha; thực hiện trồng mới 1.544,6 ha mắc ca; 42 cơ sở chăn nuôi theo hướng trang trại, tâp trung; toàn huyện có 4.560 đàn ong... Có thể khẳng định, Tân Uyên đã triển khai thực hiện Nghị quyết 05 đạt được những kết quả quan trọng trong việc kêu gọi, thu hút, đồng hành cùng các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; cơ cấu lại lĩnh vực, sản phẩm, các cây trồng có giá trị kinh tế cao thành vùng sản xuất tập trung theo quy hoạch, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị hình thành các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn có chất lượng, hiệu quả, có lợi thế cạnh tranh, tham gia thị trường trong nước và xuất khẩu…

Bước qua nửa chặng đường triển khai thực hiện, Nghị quyết 05 đã dần đi vào cuộc sống với những kết quả cụ thể, rõ nét; ngành Nông nghiệp của tỉnh có nhiều chuyển biến, từng bước khẳng định được vai trò là lĩnh vực kinh tế trọng điểm, trụ cột trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Có thể tin tưởng rằng, với sự cố gắng, nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp cùng cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, quyết tâm phấn đấu hoàn thành vượt mức chỉ tiêu Nghị quyết số 05, xây dựng Lai Châu phát triển nhanh và bền vững.

Theo Laichau.gov.vn

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Trưởng bản gương mẫu làm kinh tế
Ở bản Bút Trên (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên), dân bản luôn dành sự ngưỡng mộ đối với trưởng bản Cầm Văn Nhờ bởi cách làm kinh tế của gia đình anh. Tận dụng vốn liếng của cha mẹ để lại, gia đình...