Phiên họp chuyên đề lần thứ 2 của Ủy ban quốc gia về Chuyển đổi số với chủ đề “Giải pháp đột phá để phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực”
Tại điểm cầu tỉnh Lai Châu, đồng chí Tống Thanh Hải - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh; các thành viên Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh; thành viên tổ giúp việc Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh… dự.
Theo số liệu ước tính của Bộ Thông tin và Truyền thông, tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trên GDP năm 2022 là 14,26% (cao hơn 1,7 lần so với tốc độ tăng trưởng GDP 2022). Trong đó, kinh tế số ICT (công nghiệp công nghệ thông tin và dịch vụ viễn thông) vẫn là trụ cột đóng góp chính với tỷ trọng đóng góp 9,02% GDP và tác động lan tỏa của ICT đóng góp vào các ngành, các lĩnh vực khác là 5,24%.
Quang cảnh phiên họp tại điểm cầu tỉnh Lai Châu.
Hiện nay, toàn quốc có 5 tỉnh, thành có đóng góp cho kinh tế số ICT cao nhất là: Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Hải Phòng, Thái Nguyên (chiếm gần 65% kinh tế số ICT của cả nước). 5 tỉnh, thành ghi nhận mức độ lan tỏa ICT trong các ngành, lĩnh vực nhiều nhất gồm: Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Lạng Sơn, Phú Thọ và Thừa Thiên Huế.
Với mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng giá trị gia tăng của kinh tế số chiếm 20% GDP, do đó ước tính quy mô kinh tế số phải tăng trưởng tối thiểu khoảng 20% (cao hơn 3,3 lần so với tốc độ tăng trưởng bình quân GDP dự kiến). Đây là một nhiệm vụ rất khó khăn, thách thức, cần có giải pháp mang tính quyết liệt, đột phá mới có thể đạt được. Trong đó, cần xây dựng công cụ đo lường, giám sát, quản trị để thúc đẩy kinh tế số; hoàn thiện khung chiến lược về phát triển kinh tế số và hình thành các trung tâm chuyển đổi số vùng; xác định và thúc đẩy triển khai nền tảng chuyển đổi số ngành, lĩnh vực; thúc đẩy tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh tại các địa phương.
Tham luận tại phiên họp, các đại biểu tập trung đưa ra các giải pháp phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực như: Nền tảng quản trị và kinh doanh vận tải smartlog hướng tới giải quyết vấn đề logistics quốc gia, phát triển kinh tế số; giải pháp chuyển đổi số ngành dệt may đóng góp cho kinh tế số; phát triển cửa khẩu số góp phần thúc đẩy kinh tế cửa khẩu địa phương.
Phát biểu kết luận phiên họp, đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số nhấn mạnh: Mỗi vùng kinh tế trọng điểm hình thành ít nhất một trung tâm dữ liệu lớn vùng và một trung tâm chuyển đổi số vùng; thiết lập danh mục tài nguyên dữ liệu công cộng, cơ chế chia sẻ dữ liệu công cộng, quy định mở các bộ dữ liệu công khai. Các bộ, ngành chủ quản nền tảng số quốc gia lập kế hoạch hành động phát triển, tổ chức công nhận và triển khai thúc đẩy các nền tảng số quốc gia. Đồng thời, thí điểm tập trung triển khai 10 nhóm nền tảng số các ngành, lĩnh vực.
Tăng cường bồi dưỡng, hướng dẫn chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, sử dụng bộ công cụ đánh giá mức độ trưởng thành về chuyển đổi số do Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp xây dựng và ban hành. Các cơ quan, đơn vị, địa phương và người dân, doanh nghiệp phải đồng hành, vào cuộc quyết liệt, tạo chuyển biến tích cực...
Ánh Hồng
Bình luận