Thứ năm, 28/11/2024, 14:51 [GMT+7]

Tạo dựng thương hiệu nông sản của địa phương

Thứ bảy, 01/06/2024 - 09:52'
Gần 3 năm qua, nhân dân xã Hua Nà (huyện Than Uyên) tích cực chuyển đổi phương thức canh tác truyền thống sang phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong nhà màng; đưa giống nho có giá trị kinh tế vào gieo trồng. Kết quả, không chỉ giúp bà con nâng cao thu nhập, làm giàu chính đáng mà còn tạo dựng thương hiệu nông sản của địa phương.

Những ngày này, trên khắp cánh đồng của xã Hua Nà màu xanh tươi của các loại cây trồng hòa quyện, tạo nên bức tranh làng quê trù phú và yên bình. Ghé thăm khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trong nhà màng ở bản Phường, chúng tôi được chứng kiến không khí lao động tất bật của nông dân đang làm cỏ, tỉa lá, buộc cành nho.
Anh Lò Văn Ninh ở bản Phường phấn khởi nói: Khu nhà màng này có diện tích hơn 7.800m2, do gia đình tôi và 2 hộ dân khác góp vốn thuê đất của bà con trong bản làm chung. Chúng tôi triển khai xây dựng nhà màng từ giữa năm 2023; xuống giống nho vào tháng 9, chủ yếu là nho hạ đen và nho mẫu đơn. Sau 6 tháng trồng, chăm sóc, đến nay 2 loại nho này đều sinh trưởng, phát triển tốt. Chi phí đầu tư, gồm: giống, phân bón, tiền thuê đất, nhà màng, hệ thống tưới nước nhỏ giọt… trên 1,5 tỷ đồng.
Qua trò chuyện, chúng tôi được biết, mô hình trồng nho của 3 hộ gia đình bắt nguồn từ cách làm của người dân bản Đán Đăm thực hiện cách đây 3 năm đã cho hiệu quả kinh tế cao. Theo đó, 1.000m2 đất trồng nho mang lại lợi nhuận gần 200 triệu đồng/năm, gấp 4 lần so với cấy lúa. Nho trồng từ 8 tháng đến 1 năm là thu hoạch; mỗi năm có thể cho thu 2 lần. Thời gian cây cho quả kéo dài 15 năm.

Nhân dân xã Hua Nà (huyện Than Uyên) phát triển mô hình trồng nho trong nhà màng.

Xuôi theo cung đường, chúng tôi đến thăm khu trồng nho hạ đen, nho mẫu đơn trong nhà màng của gia đình chị Lò Thị Òn ở bản Đán Đăm. 1 trong 3 hộ tiên phong của bản chuyển đổi đất canh tác kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao theo hướng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Chị Òn chia sẻ: Ban đầu tôi cũng hơi lo lắng vì đây là giống mới, lần đầu tiên trồng tại địa phương. Mặt khác, chi phí đầu tư lớn. Tuy nhiên, được lãnh đạo xã quan tâm, động viên, 3 gia đình liên kết, quyết tâm vừa làm vừa học hỏi, đúc kết kinh nghiệm. Sau khoảng 1 năm chăm sóc, đã có vụ nho đầu tiên sai trĩu, quả đẹp, độ ngọt đảm bảo. Nho được khách hàng trong và ngoài huyện tin dùng, giá bán từ 150.000 đồng/kg trở lên. Các vụ tiếp theo, kỹ thuật chăm sóc, tay nghề của chúng tôi nâng cao nên sản lượng tăng đều.
Được biết, trên diện tích 2.000m2 đất trồng nho của gia đình chị Òn và 2 hộ dân khác sau 3 năm đã cho sản lượng tăng từ 1,5-2 tấn quả/vụ. Cuối năm 2023, sản phẩm nho hạ đen đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Chính vì lợi nhuận cao, sản phẩm nho có thương hiệu tại địa phương, các hộ tiếp tục nhân rộng mô hình lên 5.000m2. Hiện tại, các loại giống nho đều sinh trưởng, phát triển tốt, dự kiến sẽ cho thu hoạch trong vài tháng tới.
Theo các hộ dân trồng nho tại xã chia sẻ, để mô hình mang lại hiệu quả, cho năng suất, sản lượng cao cần chú trọng khâu kỹ thuật từ chọn giống, làm cỏ, cày bừa kỹ đất trước khi trồng, sau đó khâu làm luống và đào hố, tuân thủ khoảng cách trồng cây cách cây 1m và hàng cách hàng 3m. Sử dụng phân lân NPK, phân chuồng hoai mục và phân vi sinh bón lót, tạo đất tơi xốp. Trong quá trình chăm sóc, bón phân theo định kỳ và làm ẩm đất qua hệ thống tưới nhỏ giọt, đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho cây sinh trưởng và phát triển. Đặc biệt, ưu điểm trồng trong nhà màng sẽ hạn chế tối đa sâu, bệnh hại từ ngoài môi trường đối với cây trồng; chất lượng quả đẹp; độ bền nhà màng cao nên sử dụng được lâu dài.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Trần Đăng Trường - Phó Chủ tịch UBND xã Hua Nà cho biết: Đối với xã Hua Nà, nông nghiệp là ngành kinh tế chủ lực. Vì vậy, thời gian qua, xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, khuyến khích nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đặc biệt, khi các hộ dân bản Đán Đăm trồng thử nghiệm 2 giống nho trong nhà màng, chúng tôi rất phấn khởi bởi tư duy sản xuất nông nghiệp của bà con thay đổi. Trong quá trình thực hiện mô hình, xã luôn tạo điều kiện, đồng hành, hỗ trợ về kỹ thuật, vốn cho các hộ dân. Đến nay có thể khẳng định, cây nho phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương, đem lại giá trị kinh tế cao. Toàn xã có hơn 1,3ha diện tích nhà màng trồng nho, với 6 hộ dân tham gia; tạo việc làm ổn định cho gần 20 lao động tại địa phương.
Hua Nà là xã đầu tiên của huyện Than Uyên ứng dụng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trong nhà màng. Theo thời gian, mô hình càng được bà con quan tâm, đầu tư nhân rộng. Tin rằng thời gian tới, những vườn nho sẽ tiếp tục cho những mùa vụ bội thu; tạo điểm du lịch sinh thái, trải nghiệm cho nhân dân và du khách.

K.T

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Trưởng bản gương mẫu làm kinh tế
Ở bản Bút Trên (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên), dân bản luôn dành sự ngưỡng mộ đối với trưởng bản Cầm Văn Nhờ bởi cách làm kinh tế của gia đình anh. Tận dụng vốn liếng của cha mẹ để lại, gia đình...