Thứ ba, 03/12/2024, 08:14 [GMT+7]

Xã hội hóa truyền tải & an ninh cung cấp điện

Thứ năm, 13/01/2022 - 08:55'
Việc xã hội hóa đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải sẽ đồng nghĩa với việc xóa bỏ hoàn toàn độc quyền về lưới điện truyền tải từ hoạt động đầu tư, quản lý, vận hành. Đây là vấn đề mới và hết sức quan trọng, do vậy, cần được đánh giá kỹ lưỡng những tác động tới việc bảo đảm an ninh cung cấp điện và không để thất thoát vốn của Nhà nước.

Đấu nối đường dây 500kV mạch kép từ trạm 500kV điện mặt trời Trung Nam về trạm biến áp 500kV Vĩnh Tân do EVN quản lý vận hành. Ảnh: NGỌC HÀ

Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 (Nghị quyết 55) của Bộ Chính trị về định hướng "Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045" đã đề ra mục tiêu: "Xây dựng thị trường năng lượng cạnh tranh minh bạch, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" và xác định nhiệm vụ: "Đổi mới cơ chế chính sách, phát triển thị trường năng lượng đồng bộ, liên thông giữa các phân ngành điện, than, dầu khí và năng lượng tái tạo, kết nối với thị trường khu vực và thế giới".

Xu thế tất yếu

Một trong những giải pháp đáng chú ý được nêu trong Nghị quyết 55, đó là xây dựng cơ chế, chính sách đầu tư xây dựng hệ thống truyền tải điện, tách bạch với độc quyền nhà nước về truyền tải điện. Tuy nhiên, nói về việc xã hội hóa đầu tư xây dựng lưới truyền tải điện phải có sự phân định rõ ràng về mức độ, quy mô của việc "mở cửa" thế nào cho phù hợp.

Trước hết đối với Hệ thống điện quốc gia, không thể tách rời khỏi Hệ thống truyền tải điện quốc gia, Hệ thống truyền tải điện khu vực bởi đây là hai hệ thống mang tính xương sống và huyết mạch, đóng vai trò hết sức quan trọng quyết định vấn đề an ninh năng lượng và an ninh quốc gia. Vì vậy, quá trình đầu tư và quản lý vận hành đối với Hệ thống truyền tải điện quốc gia đều phải bảo đảm chất lượng, tính đồng bộ về thiết bị và bảo đảm sự an toàn, ổn định, tin cậy trong quá trình quản lý vận hành. Nếu trong quá trình đầu tư không bảo đảm chất lượng, có thể dẫn đến sự cố trên Hệ thống điện truyền tải quốc gia, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc bảo đảm cung cấp điện cho một vùng rộng lớn và đe dọa trực tiếp đến an ninh năng lượng và an ninh quốc gia. Do đó, Nhà nước cần độc quyền đối với Hệ thống lưới điện truyền tải quốc gia, Hệ thống lưới điện truyền tải khu vực. Ngoài ra, chi phí truyền tải hiện nay có định mức lợi nhuận thấp, từ 0% đến 3%, do vậy, yếu tố này cũng phải được xem xét, để bảo đảm tính khả thi của các dự án đầu tư do các thành phần kinh tế ngoài nhà nước tham gia.

Trên hệ thống lưới điện truyền tải hiện nay, có hệ thống lưới điện truyền tải phục vụ đấu nối nguồn điện. Về cơ bản, hệ thống lưới điện phục vụ đấu nối nguồn điện chỉ mang tính cục bộ và có phạm vi ảnh hưởng không lớn khi có sự cố xảy ra. Do đó, việc chủ đầu tư các dự án nguồn điện tự đầu tư sở hữu hệ thống lưới điện truyền tải phục vụ đấu nối đặc thù của các nhà máy điện sẽ bảo đảm đồng bộ cùng tiến độ và giải tỏa được công suất nhà máy điện của chính họ, đem lại hiệu quả trực tiếp đối với chính họ.

Xã hội hóa đối với lưới điện truyền tải phục vụ đấu nối đặc thù của các nhà máy điện, các chủ đầu tư các dự án nguồn điện tự đầu tư, sở hữu và vận hành hệ thống lưới điện truyền tải đó-bởi thế-là điều cần thiết. Và cũng vì vậy, nên có sự thống nhất về phạm vi lưới điện trong phạm vi độc quyền Nhà nước và xã hội hóa một cách cụ thể. Thêm nữa, trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện chưa có quy định định nghĩa cụ thể khái niệm "lưới điện đồng bộ", nên cũng cần có quy định hoặc định nghĩa rõ khái niệm này để bảo đảm việc thực hiện được chính xác và thống nhất.

Nhìn lại một dự án xã hội hóa lưới điện

Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi muốn nhìn lại một dự án đầu tư lưới điện truyền tải đã được thực hiện để xác định những bất cập, lỗ hổng trong thực thi nhằm góp phần hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan đến xã hội hóa đầu tư lưới điện truyền tải.

Trước khi Bộ Công thương có kiến nghị về xã hội hóa lưới điện, Tập đoàn Trung Nam đã được phép đầu tư một Trạm biến áp 500 kV vận hành đồng bộ với Nhà máy điện năng lượng mặt trời và 15,5 km đường dây 500 kV mạch kép từ Trạm biến áp Điện mặt trời Trung Nam-Thuận Nam về Trạm biến áp 500 kV Vĩnh Tân (EVN quản lý) với tổng mức đầu tư khoảng 2.321 tỷ đồng.

Điều đáng nói, ngay từ khi Tập đoàn Trung Nam triển khai công tác chuẩn bị đầu tư, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đã có ý kiến báo cáo tại Văn bản số 1182/EVNNPT-KH ngày 10/4/2019 góp ý về cơ chế xã hội hóa đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải, theo đó đề nghị Công ty Trung Nam sẽ chịu trách nhiệm quản lý tài sản và quản lý vận hành các dự án lưới điện truyền tải do Trung Nam đầu tư và tiếp tục có ý trên tại Văn bản 2585/EVNNPT-KH+KT ngày 29/7/2019.

Tuy nhiên, đến ngày 28/10/2019, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã ký Văn bản số 8155/BCT-ĐL trình Thủ tướng Chính phủ, gồm sáu kiến nghị, trong đó có kiến nghị: "Bàn giao hệ thống hạ tầng lưới điện truyền tải cho Tập đoàn Điện lực (EVN) quản lý, đồng thời không yêu cầu hoàn trả kinh phí đầu tư (hoặc bàn giao với chi phí 0 đồng). Yêu cầu EVNNPT tiếp nhận công trình Trạm biến áp và Đường dây đấu nối sau khi Chủ đầu tư dự án hoàn thành đầu tư xây dựng, không phải hoàn trả chi phí. Việc tiếp nhận, bàn giao tài sản không hoàn trả chi phí căn cứ theo quy định hiện hành, trong trường hợp cần thiết, đề nghị Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện; giao Bộ Công thương giám sát, chỉ đạo EVN, EVNNPT, Công ty Trung Nam thỏa thuận thống nhất về các yêu cầu kỹ thuật, phạm vi công việc đầu tư (TBA, đường dây), thực hiện tiến độ cam kết và hướng dẫn Công ty Trung Nam triển khai thực hiện về đầu tư xây dựng công trình theo quy định".

Xét đề nghị của Bộ Công thương tại Văn bản số 8155/BCT-ĐL ngày 28/10/2019, Thủ tướng Chính phủ đã có Văn bản số 70/TTg-CN ngày 9/1/2020 do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký chỉ phúc đáp hai nội dung: Bổ sung Dự án Nhà máy điện Mặt trời Trung Nam-Thuận Nam với công suất 450MW tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030 điều chỉnh (Quy hoạch điện VII điều chỉnh) và triển khai đầu tư Dự án điện mặt trời nêu trên kết hợp với đầu tư Trạm biến áp 500 kV Thuận Nam và các đường dây 500 kV, 220 kV đấu nối vào hệ thống điện quốc gia, đưa vào vận hành đồng bộ trong năm 2020 để truyền tải, giải tỏa hết công suất Nhà máy điện Mặt trời này và các nhà máy điện năng lượng tái tạo khác trong khu vực vào Hệ thống điện quốc gia.

Ở đây, tạm thời chưa bàn đến việc vì sao Bộ Công thương lại có Văn bản số 517/BCT-ĐL do Thứ trưởng Công thương Hoàng Quốc Vượng ký gửi UBND tỉnh Ninh Thuận, EVN và EVNNPT yêu cầu thực hiện việc bàn giao Hệ thống hạ tầng lưới điện truyền tải cho EVN/EVNNPT quản lý... với lập luận là thực hiện theo Văn bản số 70/TTg-CN của Thủ tướng Chính phủ dù trên thực tế trong văn bản nói trên không có ý kiến nào liên quan đến việc bàn giao này. Nhưng ở đây cần làm rõ sự bất cập trong việc bàn giao nói trên.

Cần phải nhắc lại, Trạm biến áp 500 kV Thuận Nam và đường dây 500 kV Vân Phong-TBA 500 kV Vĩnh Tân do Công ty Trung Nam đầu tư xây dựng khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong đó bao gồm các yếu tố bảo đảm thu hồi vốn và lợi nhuận. Như vậy, chi phí quản lý vận hành các công trình trên đã được tính vào giá bán điện và Công ty Trung Nam phải chịu trách nhiệm chi phí quản lý vận hành TBA 500 kV Thuận Nam và 15,5 km đường dây 500 kV. Tuy nhiên, việc chuyển giao cho EVN/EVNNPT quản lý vận hành, tức EVN/EVNNPT sẽ phải chịu chi phí vận hành, chi phí sửa chữa bảo dưỡng. Đây là những khoản tiền không nhỏ. Đồng nghĩa với việc, giá điện phải chịu hai lần chi phí quản lý vận hành đối với các công trình trên: Lần một được tính vào giá bán điện của Công ty Trung Nam và lần hai được tính vào chi phí quản lý vận hành của EVNNPT.

Trên thực tế, EVN từng tiếp nhận bàn giao tài sản là công trình lưới điện truyền tải ngoài EVN đầu tư, đó là TBA 500 kV Vũng Áng do Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam làm chủ đầu tư, nhưng việc tăng giảm vốn giữa hai doanh nghiệp Nhà nước không dẫn đến nguy cơ vốn Nhà nước bị thất thoát. Trong khi đó, do chưa có quy định nào về định mức nhận bàn giao tài sản của tư nhân đầu tư, nên việc tiếp nhận một công trình như trên của Trung Nam rất khó xác định giá trị tài sản thực, và điều đó dẫn đến nguy cơ có thể xảy ra thất thoát vốn của Nhà nước.

Về nguyên tắc, Nhà nước thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng và vận hành các nhà máy điện, Hệ thống truyền tải điện đấu nối các nhà máy điện vào Hệ thống điện quốc gia theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt và chi phí đầu tư, chi phí vận hành lưới điện do các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phải được đưa vào tính toán giá điện, giá điện bán lẻ. Do đó, trước khi thực hiện xã hội hóa đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải cần thiết phải xem xét đến chi phí đầu tư lưới điện. Khi chủ đầu tư là tư nhân, cần có cơ chế kiểm soát chi phí như chi phí trang thiết bị, chi phí thi công xây dựng, chi phí quản lý, chi phí giám sát thi công… nhằm tránh bị gia tăng trong quá trình đầu tư dẫn đến tăng chi phí giá bán điện.

Luật Điện lực là một trong tám luật được xem xét tại Kỳ họp bất thường của Quốc hội. Trước đó, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất sửa Luật này để tư nhân có thể tham gia đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải, trừ các dự án lưới điện do Nhà nước đầu tư theo quy hoạch phát triển điện lực trong từng thời kỳ.

Cập nhật Thứ Năm, 06-01-2022, 18:26/Thanh Ma/nhandan.vn

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Trưởng bản gương mẫu làm kinh tế
Ở bản Bút Trên (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên), dân bản luôn dành sự ngưỡng mộ đối với trưởng bản Cầm Văn Nhờ bởi cách làm kinh tế của gia đình anh. Tận dụng vốn liếng của cha mẹ để lại, gia đình...