Thứ năm, 28/11/2024, 14:55 [GMT+7]

Chuyện những người “đi dân nhớ, ở dân thương”

Thứ ba, 21/09/2010 - 02:28'
(BLC) - Đến bây giờ thì bà con ở 3 bản: Là Si (xã Thu Lũm); Là Si (xã Ka Lăng); Hà Xi (xã Pa Ủ) đã thực sự tin rằng chuyện cổ tích có thật trong đời thường. Đang từ cuộc sống du canh du cư, họ được các chiến sỹ “quân hàm xanh” đón về lập bản, trao nhà và dạy cách phát triển kinh tế từ chăn nuôi, trồng trọt sao cho hiệu quả.
CBCS Bộ đội biên phòng hướng dẫn bà con trồng rau.
Chúng tôi đã thực sự thấm thía ý nghĩa của việc “cõng chữ ngược ngàn” khi “mục sở thị’’ cảnh những người thầy giáo mang quân hàm xanh dạy chữ cho bà con dân tộc La Hủ tại các bản vùng sâu, vùng xa, gian khó nhất huyện Mường Tè.
Giúp dân “an cư - lạc nghiệp”
Mới chỉ năm 2008, dân tộc La Hủ ở 3 bản: Là Si (xã Thu Lũm); Là Si (xã Ka Lăng); Hà Xi (xã Pa Ủ) còn nghèo đói vì tập quán du canh du cư khiến họ có mức sống thấp: đường sá đi lại khó khăn, chưa có điện, trường, trạm… Sau khi cuộc vận động “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới” của Đảng, Nhà nước được triển khai năm 2009, hàng trăm chiến sỹ ở Đồn Biên phòng 311, 313, 309 đã đến nơi “đầu sóng ngọn gió” giúp đỡ nhân dân. Sau 5 tháng, các chiến sỹ quân hàm xanh đã dựng được 73 ngôi nhà gỗ thưng ván, lợp tôn kiên cố và tuyên truyền, vận động người dân về ổn định cuộc sống tại 3 bản. Mỗi bản đều có nhà văn hóa và lớp học. Giờ đây người dân đã có thể “an cư lạc nghiệp” trong những ngôi nhà mới, không còn lo lắng cảnh nắng nóng, mưa phùn…
Đến bản Hà Si (xã Pa Ủ), chúng tôi cảm nhận được không khí khẩn trương nơi đây. Tổ công tác gồm 10 đồng chí đã hướng dẫn bà con trồng 400m2 lúa nước, 300m2 nương hoa màu; làm vườn rau xanh, giàn bầu bí, làm chuồng lợn, chuồng trâu hợp vệ sinh và trồng cỏ VA06 để nuôi gia súc. Thấy điều kiện thời tiết, đất đai phù hợp, bộ đội cũng tiến hành trồng thử cây ăn quả: xoài, cam, chanh, nhãn… xung quanh nhà bà con để sau này sẽ nhân rộng, trồng thành vườn tập trung. Bà con thấy vậy, mỗi nhà cũng tự xây dựng mô hình V-A-C và có ý thức giữ gìn nguồn nước sạch để tránh bệnh truyền nhiễm.
Ánh mắt rạng ngời niềm tin, anh Lì Ló Xè (49 tuổi) tâm sự: “Tôi được bộ đội biên phòng và chính quyền xã đến tận nơi vận động chuyển tới nhà mới. Ban đầu tôi cũng không tin, nhưng các anh ấy đã giúp tôi chuyển đồ đạc đến nơi ở mới và cấp phát gạo. Sau sự kiện trận lốc làm tốc mái 6 ngôi nhà, được bộ đội nhanh chóng đến giúp đỡ sửa chữa kịp thời thì chúng tôi tin rồi!”.
Cuộc sống dần đi vào ổn định, giờ đây người dân trong bản đã bắt đầu khai hoang trồng lúa nước, gieo ngô, nuôi lợn. Bản cũng đã có máy thủy điện mini thắp sáng, có tivi xem tập trung tại nhà văn hóa bản, được cán bộ quân y cấp phát thuốc miễn phí mỗi khi ốm đau…
Ở 2 bản mới thành lập: Là Si (xã Ka Lăng) và Là Si (xã Thu Lũm), bà con cùng tập trung tại nhà văn hóa xã để bầu trưởng, phó bản, công an viên. Sau đó các chiến sỹ lại tận tình hướng dẫn cán bộ trong bản cách thức làm việc sao cho hiệu quả. Hiện nay, 2 bản đã có 3 tivi, 3 máy thủy điện nhỏ để phục vụ nhu cầu sử dụng điện của bà con. Ngoài ra, các chiến sỹ còn cùng bà con mở rộng diện tích canh tác, xây dựng mương nước, làm đường giao thông liên bản; cấp phát thóc, ngô lai cho bà con; hướng dẫn bà con phòng ngừa dịch bệnh mùa mưa, phun, tẩm thuốc chống muỗi phòng bệnh sốt rét. Nhờ đó, đời sống của bà con đã có sự thay đổi rõ rệt. Nếu như trước đây họ phải sống dựa vào thiên nhiên, chỉ lên rừng đào củ mài về ăn thay cơm thì đến nay, mỗi gia đình đã tự phát rẫy trồng ngô, phát triển kinh tế gia đình.
Thầy giáo mang “quân hàm xanh”
Một trong những vấn đề khiến các chiến sỹ trăn trở là bà con không biết chữ, mà muốn phát triển lâu dài thì giáo dục cần được chú trọng. Thế là ban ngày các chiến sỹ xẻ gỗ, chặt tre làm bàn ghế, bảng đen, đêm đêm thức soạn giáo án lên lớp dạy bà con học chữ.
Thiếu úy Lỳ Mò Chừ, dân tộc Hà Nhì hiện đang cắm bản Là Si (xã Thu Lũm) kể lại: “Khi chúng tôi mới tới nơi, các em nhỏ tò mò đến chơi. Em Sạ Ứ mới 6 tuổi cầm hộp cao sao vàng, mở ra rồi lấy tay xoa xoa lên tóc. Còn em Lỳ Lỵ Hù – (8 tuổi) nhăn trán rồi xoay xoay chiếc bút trên tay, tôi hỏi bằng tiếng địa phương: “Cái gì đây?” thì các em trả lời: “Mà sì pứ” (không biết!). Nhìn các em hồn nhiên, thương lắm! Ở bản, có đến 100% bà con không biết tiếng phổ thông, trẻ em không được đến trường thì làm sao các em biết đến các vật thông dụng như cây bút, hộp cao…”.
Chúng tôi vô cùng tò mò không hiểu các “thầy giáo quân hàm xanh” làm cách nào để dạy cho bà con hiểu? Anh Chừ đỏ mặt: “Mình có biết nghiệp vụ sư phạm đâu. Chúng mình thấy bà con cần cái chữ nên anh em trong Tổ công tác thay phiên nhau ra trung tâm xã nhờ các thầy, cô giáo dạy tiểu học hướng dẫn chuyên môn. Nội dung bài giảng ban đầu mới chỉ là những bài học vỡ lòng đơn giản hay kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp. Bà con và các em nhỏ ban ngày thì lên nương, tối lại xách đèn đến gọi “thầy” đến lớp, nghe gọi thế ban đầu mình cũng ngượng lắm, quen rồi lại thấy vui vui…”. Bắt đầu từ những bài học đầu tiên để biết nhận mặt chữ cái, trẻ em trong bản được học “5 điều Bác Hồ dạy”, bố mẹ các em được học cách tăng gia sản xuất, lối sống hợp vệ sinh…
Hẳn “các thầy” không thể quên hình ảnh ông Vàng Ly Sè – Trưởng bản Hà Xi (xã Pa Ủ) đã 50 tuổi vẫn cắp sách đi học cùng con cháu, dâu, rể trong gia đình ông để làm gương cho dân bản. Ông nghẹn ngào nhớ lại: “Trước đây, cả bản tôi có ai biết chữ đâu. Bản cách trung tâm xã nửa ngày băng rừng, mỗi khi chúng tôi đi nhận gạo cứu đói của Nhà nước hỗ trợ, làm gì có ai biết ký tên mình thế nào, cán bộ xã đành hướng dẫn điểm chỉ. Thế mà “thầy giáo bộ đội” đến tận nơi phát bút, sách cho chúng tôi đi học. Tôi bảo bà con: Phải học thôi, để sau này con cháu mình hết khổ vì nghèo đói…”. Khó khăn ban đầu sao có thể kể hết bởi những người lớn tuổi họ ngại, không dám đến lớp. Sau lại thấy những người đi học dễ tiếp thu cách làm nương, rẫy, chăn nuôi trâu, bò lợn. Cuối cùng, nghe lời động viên của bộ đội, mọi người đã cùng học cái chữ.
Tín hiệu vui từ lớp học “3 thế hệ”
Đến 3 xã trong mùa mưa này, trong lớp xóa mù chữ của mỗi bản đã có các “học sinh” với nhiều độ tuổi. Có gia đình cả 3 thế hệ: ông bà, con, cháu đều học chung một lớp. Khi về, em dạy anh, con trao đổi bài với bố. Riêng bản Hà Xi (xã Pa Ủ) nay đã có 2 giáo viên dạy mẫu giáo và tiểu học, song những lớp học này chỉ dạy đúng độ tuổi, đúng lớp, đúng chương trình học. Đó cũng là sự cố gắng của ngành Giáo dục, bởi đường đi khó khăn: đèo dốc, núi cao, lại còn vắt, bọ chó… nên không giáo viên nữ nào vào được đến bản, lớp mầm non phải để thầy giáo Lò Văn Dũng dạy.
Theo thông tin từ Phòng Giáo dục – Đào tạo huyện Mường Tè, một tín hiệu vui cho sự học của nơi đây là: Năm học 2010 – 2011, bản Là Si (xã Thu Lũm); Là Si (xã Ka Lăng) sẽ được bố trí giáo viên dạy tiểu học và mầm non. Các em học sinh sẽ được học kiến thức cơ bản trong chương trình của Bộ Giáo dục – Đào tạo. Song dù có thế, vẫn cần lắm những lớp học xóa mù chữ cho nhân dân của những người được bà con gọi là “thầy”, đến mức chính họ cũng quên mất tên của mình. Đó là câu chuyện của những thầy giáo quân hàm xanh đóng tại bản Là Si (xã Ka Lăng) – xã cách trung tâm đến 2 ngày đường đi bộ. Chiến sỹ Sùng A Chứ mới 22 tuổi, kể chuyện khi anh hướng dẫn bà con làm vườn rau xanh, được bà con gọi là “thầy làm vườn”. Rồi còn những buổi các “thầy” được “học trò” đi nương về tặng quà: khi là giỏ phong lan để treo trước hiên nhà, khi là gốc măng non mới nhú sau trận mưa rừng…”. Mỗi khi các “thầy” ra xã lại mua gạo, thức ăn cho bà con.
Cảnh học ban đêm ở bản cũng khá thú vị: dưới ánh điện chỉ đủ soi tỏ mặt người, trên bảng chỉ có 1 “thầy” viết làm mẫu, bên dưới có đến 4 thầy cầm tay học trò nắn nót từng nét chữ. Rồi lại chính các “thầy” học tiếng, học cách ứng xử của dân tộc La Hủ để trao đổi bài với “trò” dễ dàng hơn, và cũng để thầy – trò thực sự khăng khít. Ước mơ bình dị của bà con là được biết đọc, biết viết, cuối cùng cũng thành hiện thực khi 1/2 dân số của 3 bản đã biết nói tiếng phổ thông, bản không có người nghiện hút, ruộng lúa nước, nương ngô đã cho thu hoạch, lợn, bò phát triển tốt. Đằng sau kết quả đó là những người “thầy” thầm lặng, những người con của bản.
Cảm động vì hành động đó, thầy Hiệu trưởng Trường cấp I xã Thu Lũm – Khoàng Xì Chừ cho biết: “Chúng tôi được biết khi bản mới Là Si được thành lập, các chiến sỹ biên phòng đã mở lớp xóa mù chữ cho bà con. Tôi sẽ xin ý kiến của Phòng Giáo dục – Đào tạo huyện để cử giáo viên đến bản mở lớp, góp sức cùng bộ đội nâng cao dân trí cho bà con…”.
Một tin vui nữa là Trường Tiểu học số 2 và Trường Mầm non xã Pa Ủ đã họp thống nhất, các giáo viên ở điểm trường thuận lợi sẽ tự nguyện quyên góp quỹ hỗ trợ. Từ nay những người xung phong vào mở lớp ở bản Hà Xi sẽ có hỗ trợ 120.000 đồng/tháng. Các em học sinh được trợ cấp 140.000 đồng/tháng theo Quyết định 112 của Chính phủ. Ngoài ra, các em sẽ được cấp sách vở, bút, áo trắng, mũ len, bít tất… đó là nguồn động viên kịp thời, thiết thực cho lớp học vùng biên.
Lời kết
Con đường để bà con đến với trung tâm xã, huyện còn xa lắm, nhưng các chiến sỹ đã rải những viên gạch lát đường để con đường ấy không quá cách trở nữa!
Chia tay vùng biên cương ấm tình quân dân, trong tôi còn văng vẳng lời nói lạc quan của Đại úy, Chính trị viên Đồn 309 – Nguyễn Đức Hùng: “Tôi dự định sau này sẽ chủ động đề xuất với các cấp chính quyền để có thể xây dựng bản Hà Xi thành bản văn hóa. Và khi xóa mù chữ bậc tiểu học xong sẽ chọn một số bà con La Hủ tiêu biểu để bồi dưỡng kết nạp Đảng, tạo nguồn cho bản…”.
Tuy vẫn còn những vất vả, khó khăn trong tương lai, song tôi tin, bằng nghị lực và tình yêu thương với bà con, các anh sẽ thực hiện được những điều ấy trong một ngày không xa…

 

Mây Trắng

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Trưởng bản gương mẫu làm kinh tế
Ở bản Bút Trên (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên), dân bản luôn dành sự ngưỡng mộ đối với trưởng bản Cầm Văn Nhờ bởi cách làm kinh tế của gia đình anh. Tận dụng vốn liếng của cha mẹ để lại, gia đình...