Huyện Sìn Hồ: Điểm sáng trong công tác tuyển quân
Trao đổi với trung tá Hà Đức Nhận - Chỉ huy phó động viên Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện Sìn Hồ (người có kinh nghiệm trong công tác tuyển quân ở cơ sở) chúng tôi được biết: "Những năm trước công tác tuyển quân tại huyện Sìn Hồ gặp rất nhiều khó khăn, nhất là ở địa bàn vùng cao, vùng sâu, vùng xa của huyện… Ban CHQS huyện xác định phải tập trung tuyên truyền giáo dục, làm chuyển biến một bước về nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là cán bộ chủ chốt của các cấp, các ngành ở cơ sở về công tác tuyển quân".
Cán bộ Ban CHQS huyện Sìn Hồ tuyên truyền, động viên thanh niên thực hiện Luật Nghĩa vụ Quân sự. |
Pu Sam Cáp là xã thuần nông, địa bàn rộng, giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn, nhất là vào mùa mưa. Ban CHQS huyện đã tham mưu cho Hội đồng Nghĩa vụ quân sự huyện tập trung làm tốt công tác quản lý nguồn, đặc biệt là quản lý đội ngũ thanh niên trong độ tuổi thực hiện Luật Nghĩa vụ Quân sự (NVQS). Với phương châm "3 gặp, 4 biết", thực hiện tốt các bước, các quy trình trong công tác tuyển quân gắn với việc thực hiện tuyển quân "tròn khâu", cơ quan quân sự huyện đã cử cán bộ về địa phương gặp gỡ chính quyền, gia đình và thanh niên tìm hiểu tâm tư nguyện vọng, đồng thời giải đáp những thắc mắc trong công tác tuyển quân cho nhân dân để nhân dân hiểu và vận động con em mình thực hiện Luật NVQS. Anh Giàng A Gầu (dân tộc Mông) sinh ra trong một gia đình nghèo ở bản Nậm Béo, xã Pu Sam Cáp, lại là lao động chính trong gia đình nhưng nhận thức rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc đã viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Giàng A Gầu tâm sự: "Em sẽ quyết tâm tự học, cố gắng tự ôn luyện để thi đỗ vào trường y để được trở thành bác sỹ quân đội, tham gia vào việc chăm sóc sức khỏe cho đồng đội, gia đình và nhân dân". Khác với Giàng A Gầu, Sùng A Nhành, dân tộc Mông ở bản Nậm Bó, xã Nậm Cuổi, đã tốt nghiệp THPT, do điều kiện kinh tế gặp nhiều khó khăn nhưng từ nhỏ anh đã mơ ước được mặc bộ quân phục bộ đội Cụ Hồ nên đã làm đơn tình nguyện nhập ngũ đợt này. Sùng A Nhành tự tin cho biết: “Với học vấn đã có và được học tập, rèn luyện trong môi trường quân đội em tin chắc sẽ thi đỗ vào trường chuyên nghiệp nào đó để trở thành sỹ quan quân đội, hoặc khi xuất ngũ trở về sẽ là cán bộ nguồn ở địa phương”.Ông Phàn Mìn Sơn (dân tộc Dao) ở bản Diền Thàng, xã Tả Ngảo tươi cười nói: “Cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương, đại diện cơ quan quân sự và bà con dân bản đều đến chúc mừng 8 thanh niên trúng tuyển NVQS và chuẩn bị tòng quân đợt I năm 2011. Là con út trong gia đình nên không có lý gì mà con trai tôi là Phàn Cù Thiên lại không học 2 người anh đi trước là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của thanh niên đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN”.Năm 2011, huyện Sìn Hồ được giao chỉ tiêu tuyển chọn và gọi 100 thanh niên nhập ngũ giao cho Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh, Trung đoàn 82 (Quân khu 2) và tỉnh Điện Biên. Ban CHQS huyện đã phối hợp với y tế cơ sở tổ chức khám sức khỏe, xét nghiệm HIV, xét nghiệm ma túy cho 100% thanh niên trúng tuyển đúng quy trình, kế hoạch và thời gian theo quy định, bảo đảm an toàn tuyệt đối, đánh giá thực chất, khách quan chất lượng sức khỏe công dân. Trong số 100 thanh niên trúng tuyển nhập ngũ năm 2011 có trên 90% tốt nghiệp THPT và THCS; 100% là đoàn viên thanh niên, phần lớn có sức khỏe loại 1 và loại 2, tỷ lệ người dân tộc thiểu số nhập ngũ đạt 100% gồm các dân tộc như: Thái, Mông, Dao, Lự, Khơ Mú, Mảng. Đây là cơ sở tốt cho việc tạo nguồn cán bộ cơ sở sau này đối với các xã vùng cao của huyện. Đặc biệt, huyện Sìn Hồ luôn duy trì không để có xã trắng trong công tác tuyển quân.Với những kết quả đã, đang thực hiện trong công tác tuyển quân, huyện Sìn Hồ được đánh giá là một trong những địa phương luôn đi đầu về việc bảo đảm số lượng, chất lượng, hiệu quả cao và an toàn tuyệt đối trong công tác tuyển chọn và gọi công dân lên đường thực hiện Luật NVQS, góp phần thực hiện xuất sắc công tác quân sự, quốc phòng địa phương.
THẾ THÀNH
Bình luận