Thứ năm, 28/11/2024, 15:14 [GMT+7]

OCOP - “Cơ hội vàng” cho nông sản vươn xa

Thứ bảy, 29/01/2022 - 18:26'
Với nhiều tiềm năng, lợi thế, Lai Châu có điều kiện phát triển các sản phẩm nông nghiệp chất lượng tốt, có thương hiệu và người tiêu dùng ưa chuộng. Phát triển chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) là “cơ hội vàng” tạo "cú huých” nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.

Trên cơ sở các sản phẩm chủ lực của địa phương, hiện nay, UBND tỉnh triển khai thực hiện Chương trình OCOP nhằm tạo sức bật cho nông sản truyền thống trên địa bàn khẳng định vị thế. Chương trình OCOP làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người sản xuất, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất, kinh doanh truyền thống và sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, năng suất và hiệu quả cây trồng. Từ đó, tạo dựng niềm tin tuyệt đối với người tiêu dùng, thúc đẩy kinh tế, xã hội địa phương phát triển. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Đặng Văn Châu - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) khẳng định: “Chương trình OCOP thực sự là “làn gió mới” để các làng nghề, hợp tác xã (HTX), công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh khai thác tiềm năng, nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm, thúc đẩy sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị sản phẩm. Đến nay, các sản phẩm OCOP của tỉnh được khách hàng trong nước tin tưởng tiêu thụ. Từ đó, hình thành vùng sản xuất nông sản sạch, an toàn, ứng dụng công nghệ cao được gắn kết giữa người nông dân với doanh nghiệp, HTX, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn”.

Các chủ thể giới thiệu sản phẩm tại Hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đợt 2 năm 2021.

Xác định, OCOP là Chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị sản phẩm, UBND tỉnh giao cho Sở NN&PTNT chịu trách nhiệm chỉ đạo, thực hiện. Thực hiện Chương trình OCOP gắn với phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ sẵn có ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị. Huy động các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể thực hiện chương trình. Chính quyền các cấp trong tỉnh định hướng, quy hoạch vùng sản xuất nông sản hàng hóa, dịch vụ; quản lý, giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm OCOP. Đồng thời, hỗ trợ các khâu, gồm: đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm. Nhờ đó, Chương trình OCOP của tỉnh được triển khai đồng bộ, tập trung vào các sản phẩm hàng hóa chủ lực, có nguồn gốc nguyên liệu tại địa phương. Đến nay, UBND tỉnh đã công nhận và cấp giấy chứng nhận cho 108 sản phẩm OCOP, trong đó, 2 sản phẩm đủ điều kiện trình Hội đồng Trung ương đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 5 sao; 10 sản phẩm 4 sao và 96 sản phẩm 3 sao.

Thăm HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Bình Lư (bản Km 2, xã Bình Lư, huyện Tam Đường) một chiều cuối năm, chúng tôi phấn khởi khi biết HTX liên kết với 60 hộ dân trồng 50ha dong riềng với sản lượng hơn 1.000 tấn củ/năm để chế biến và tiêu thụ sản phẩm miến dong đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. HTX giám sát bà con ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào chăm sóc, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật an toàn và thu hoạch đúng lịch thời vụ. Nhờ vùng nguyên liệu bảo đảm, thương hiệu miến dong OCOP 3 sao của HTX thu hút được khách hàng trong nước đặt mua với sản lượng lớn. Năm 2021, HTX bán ra thị trường hơn 80 tấn miến dong, thu lãi trên 1 tỷ đồng (tăng lợi nhuận 20% so với cùng kỳ năm trước). Ông Phong Vĩnh Cường - Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Đường nhận xét: “Thông qua Chương trình OCOP, HTX đưa thương hiệu miến dong Bình Lư vươn xa. Sản phẩm miến dong của HTX đứng vững trên thị trường tại các hệ thống siêu thị và cửa hàng tiện lợi trong nước, mang lại hiệu quả kinh tế cho thành viên HTX và nông dân, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội địa phương phát triển”.

Đối với huyện Phong Thổ, Chương trình OCOP đang lan tỏa sâu rộng trong các công ty, doanh nghiệp, HTX và hộ sản xuất kinh doanh. Hiện nay, toàn huyện có 11 sản phẩm của 5 chủ thể được công nhận đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao, gồm: 3 sản phẩm chè cổ thụ (hồng trà shan Mồ Sì San, hoàng trà shan Mồ Sì San, trà xanh shan Mồ Sì San); 3 sản phẩm gạo (tẻ râu Phong Thổ, nếp tan Bản Lang, gạo nứt tẻ râu Sin Suối Hồ); 1 sản phẩm du lịch cộng đồng xã Sin Suối Hồ; 3 sản phẩm cá nước lạnh (cá hồi phi lê, cá tầm cắt khúc, ruốc cá hồi) và 1 sản phẩm cao xương ngựa bạch AZ Phong Thổ.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh đánh giá sản phẩm OCOP cá hồi của huyện Phong Thổ.

Anh Vũ Hữu Lưỡng - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phong Thổ cho biết: “Chương trình OCOP là “cơ hội vàng” cho nông sản địa phương vươn xa. Do vậy, từ bảo vệ, chăm sóc, thu hái, chế biến, đóng gói đến bảo quản sản phẩm OCOP đều được các công ty, doanh nghiệp, HTX kiểm soát chặt chẽ, có mã vạch để khách hàng truy xuất nguồn gốc. OCOP là thương hiệu quý để tập thể, cá nhân khẳng định chất lượng sản phẩm nông sản với khách hàng trong và ngoài nước, góp phần nâng cao hoạt động sản xuất, kinh doanh”.

Hiện nay, tỉnh ta từng bước hình thành thương hiệu cho sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương như: chè, gạo, miến dong, cây ăn quả, cá lồng và cá nước lạnh. Chương trình OCOP đã thúc đẩy sản xuất hàng hóa nông nghiệp, phi nông nghiệp tập trung, quy mô lớn nhằm xúc tiến thương mại, kết nối sản phẩm. Các chủ thể OCOP giới thiệu và đưa sản phẩm đến người tiêu dùng trong cả nước, gia tăng được cả về sản lượng và giá trị sản phẩm, tạo dựng uy tín và thương hiệu vững chắc. Với hướng đi mới, nông dân trên địa bàn tỉnh tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh, phát triển sản phẩm OCOP - tạo sức bật cho xây dựng nông thôn mới (NTM), góp phần cải thiện và nâng cao đời sống Nhân dân, kinh tế phát triển bền vững.

Thu Huyền

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Trưởng bản gương mẫu làm kinh tế
Ở bản Bút Trên (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên), dân bản luôn dành sự ngưỡng mộ đối với trưởng bản Cầm Văn Nhờ bởi cách làm kinh tế của gia đình anh. Tận dụng vốn liếng của cha mẹ để lại, gia đình...