Xuân ấm no nhờ phát triển cây chè
Huyện Tam Đường có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, nhiều năm trước đây, người dân chưa chú trọng tới việc chăm sóc nên cây trồng cho năng suất, chất lượng thấp, đời sống Nhân dân còn nhiều khó khăn. Để giúp người dân vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, huyện tập trung lãnh, chỉ đạo các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động Nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó tập trung phát triển cây chè là cây trồng mũi nhọn.
Sau hơn 10 năm triển khai trồng chè, không còn cảnh đất trống đồi trọc mà thay vào đó là màu xanh của những nương chè bát ngát, Tam Đường hôm nay đã thay da đổi thịt, trở nên ấm no, trù phú. Hiện, cây chè phát triển tại các địa bàn như: Bản Bo, Bản Giang, Nà Tăm, Sơn Bình, Bình Lư, Thèn Sin và thị trấn Tam Đường… với các loại chè: shan tuyết, kim tuyên, PH8. Đến nay, tổng diện tích chè toàn huyện là 1.947ha, trong đó chè kinh doanh 1.200ha, sản lượng ước đạt 10.200 tấn/năm. Từ trồng chè, thu nhập của bà con được nâng lên, cao gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa, ngô; nhiều gia đình thu nhập từ 100 - 300 triệu đồng/năm.
Từ chủ trương chuyển đổi diện tích trồng ngô, lúa 1 vụ kém hiệu quả sang trồng chè chất lượng cao, đến nay xã Bản Bo có diện tích chè lớn nhất của huyện Tam Đường. Tổng diện tích chè của xã là 832ha, trong đó chè kinh doanh hơn 534ha, sản lượng ước đạt 4.756,7 tấn. Nhờ chú trọng thâm canh, mở rộng diện tích và nâng cao năng suất, chất lượng, cây chè đem lại nguồn thu cho người dân trên địa bàn xã từ 40 - 50 tỷ đồng mỗi năm. Người trồng chè xã Bản Bo vui mừng, phấn khởi vì nhiều năm nay chè được mùa, có đầu ra ổn định. Xã khuyến khích người dân mở rộng diện tích chè, năm 2021 xã trồng mới 20,5ha chè, đạt 102,5% kế hoạch.
Người dân bản Hưng Phong (xã Bản Bo, huyện Tam Đường) thu hái chè.
Ông Nguyễn Xuân Hoàn - Bí thư Đảng ủy xã Bản Bo, huyện Tam Đường cho biết: “Hàng năm, xã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn của huyện tiến hành rà soát quy hoạch vùng chè, tổng hợp nhu cầu trồng mới của Nhân dân; đồng thời vận động Nhân dân tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; liên doanh, liên kết chặt chẽ với công ty trong chuyển giao kĩ thuật và bao tiêu sản phẩm. Từ một xã khó khăn, nhờ phát triển cây chè đã giúp cho xã Bản Bo trở thành xã phát triển của huyện Tam Đường, thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt 39 triệu đồng/năm, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt”.
Là một trong những hộ gia đình có diện tích trồng chè lớn của bản Hưng Phong, gia đình chị Phạm Thị Lý có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ chè. Chị Lý cho biết: “Gia đình tôi trồng hơn 2ha chè kim tuyên, mỗi lứa thu được từ 5 - 6 tấn chè, bán cho công ty với giá từ 8.000 - 10.000 đồng/kg. Để chè cho năng suất, chất lượng cao, gia đình tôi chú trọng vào việc chăm sóc, tuân thủ đúng các yêu cầu kĩ thuật nên chè sinh trưởng, phát triển tốt. Chè hái đến đâu, công ty thu mua tới đó, nhờ trồng chè mỗi năm đem lại cho gia đình tôi thu nhập từ 250 - 280 triệu đồng/năm, cuộc sống khấm khá hơn”.
Nhằm phát triển vùng chè tập trung, chất lượng cao, thời gian qua, huyện Tam Đường rà soát, điều chỉnh, bổ sung, làm tốt quy hoạch vùng sản xuất; chỉ đạo Nhân dân tập trung chăm sóc, ứng dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất. Ông Nguyễn Hồng Sơn - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tam Đường cho biết: “Thực hiện Đề án phát triển vùng chè chất lượng cao, huyện chú trọng chăm sóc diện tích chè hiện có, tiếp tục trồng mới để mở rộng diện tích tại các xã, thị trấn. Giai đoạn từ năm 2011 - 2020, chúng tôi đánh giá cây chè là một trong những cây trồng chủ lực, thực hiện tốt công tác xóa đói giảm nghèo trên địa bàn. Theo Nghị quyết Đại hội đại biểu huyện Tam Đường lần thứ XX xác định trong giai đoạn 2021 - 2025 sẽ phát triển thêm 400ha chè.
Để tiếp tục thực hiện Đề án phát triển vùng chè chất lượng cao, đối với cơ quan chuyên môn, chúng tôi sẽ tham mưu cho UBND huyện tổ chức rà soát lại toàn bộ diện tích chè, định hướng cho các xã, thị trấn mở rộng diện tích để hình thành vùng chè tập trung, quy mô lớn; tiếp tục mời gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã đồng hành với người dân trong việc thu mua, bao tiêu sản phẩm. Thực hiện tốt các cơ chế, chính sách của tỉnh đã ban hành để hỗ trợ giúp người dân yên tâm, gắn bó với cây chè. Đầu tư cơ sở hạ tầng vùng chè, đặc biệt là bê tông hóa các nền đường đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển, chăm sóc, thu hoạch chè”.
Với định hướng đúng đắn, những giải pháp cụ thể, trọng tâm, trọng điểm của cấp ủy, chính quyền địa phương, cây chè đã và đang trở thành cây trồng chủ lực, góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững.
Phương Thanh
Bình luận