Hiệu quả điều trị thay thế bằng thuốc Methadone
Một ngày cuối tuần, chúng tôi ghé thăm cơ sở điều trị, cấp phát thuốc Methadone (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh), bệnh nhân Nguyễn Văn L. (tổ dân phố số 21, phường Tân Phong, thành phố Lai Châu) chia sẻ, kể từ ngày sa chân vào con đường nghiện hút ma túy, tôi chưa bao giờ nghĩ mình có cuộc sống như ngày hôm nay. Được uống Methadone mỗi ngày tôi không còn vật vã vì những cơn thèm ma tuý, chế độ sinh hoạt điều độ, ăn được ngủ được, sức khỏe tốt lên rất nhiều.
Hàng ngày các bệnh nhân đến Cơ sở điều trị, cấp phát thuốcMethadone tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để uống thuốc Methadone.
Thoáng nhìn anh, nếu như không giới thiệu chắc tôi cũng không nghĩ anh đã nghiện ma túy gần 20 năm. Với cách ăn nói nhẹ nhàng anh bảo, tôi cảm ơn Đảng, Nhà nước và tỉnh nhiều lắm đã dành sự quan tâm đặc biệt đến những người lầm lỗi như chúng tôi. Năm 27 tuổi tôi lập gia đình và sinh được 2 người con gái. Cuộc sống yên bình là vậy mà chỉ vì nghe theo bạn bè rủ rê hút thuốc phiện, tôi đã thử rồi nghiện lúc nào không hay. Đến khi nghiện nặng mỗi ngày tôi phải kiếm từ 100 - 200 nghìn đồng để mua thuốc sử dụng, khi thuốc phiện khan hiếm tôi chuyển sang dùng hêrôin, rồi ma túy đá… Cao điểm không mua được thuốc tôi phải bỏ ra 400 – 500 nghìn đồng để mua thuốc dùng cho 1 lần dùng. Xót xa lắm mà không sao dứt ra được, vợ con tôi cũng vì tôi nghiện mà rơi vào cảnh nghèo túng, nợ nần quanh năm.
4 năm qua, được tiếp cận chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện thay thế bằng Methadone tôi đã tìm lại được chính mình. Nhờ uống thuốc hàng ngày, tôi có thời gian nghỉ ngơi, lao động hợp lý, không phải lo lắng kiếm tiền mua ma túy cho ngày hôm sau. Sức khỏe ổn định, tôi giúp vợ cải tạo hơn 1.000m2 đất trồng các loại rau màu. Mùa nào rau nấy, quanh năm xanh tốt, vợ chồng tôi thu hoạch rau bán ra thị trường. Gần 1 năm sau, vợ chồng tôi đã đủ vốn mở một sạp bán các loại rau sạch ở chợ Đoàn Kết (thành phố Lai Châu). Vui nhất là con gái lớn của tôi đã trúng tuyển sang Nhật lao động. Hiện, gia đình đã xoay sở được 70 triệu đồng đóng lệ phí cho con, tháng 3 tới đây cháu sẽ được đi xuất khẩu lao động. Con gái thứ 2 của gia đình tôi giờ đã học lớp 4, chúng tôi sẽ cố gắng nuôi dạy các con nên người.
Bác sỹ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tư vấn liều dùng thuốc thay thế Methadone cho bệnh nhân.
Không chỉ anh L. mà nhiều bệnh nhân khác cũng có cùng tâm sự khi tham gia chương trình, được uống thuốc vào buổi sáng, bệnh nhân không còn áp lực kiếm tiền, giúp họ dừng sử dụng ma túy, cải thiện tình trạng sức khỏe về thể chất, tinh thần, dinh dưỡng, có việc làm ổn định và tiến bộ hơn trong cuộc sống, được gia đình và bạn bè đón nhận.
Bác sỹ Chuyên khoa I Trần Đỗ Kiên - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, qua 10 năm triển khai chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện thay thế bằng Methadone đến nay đã có hơn 2.000 bệnh nhân tham gia điều trị. Nhiều người trong số đó đã hoàn thành điều trị và ra khỏi chương trình để trở về với gia đình. Nhờ sự quan tâm của tỉnh, Bộ Y tế, hiện chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện thay thế bằng Methadone đã bao phủ toàn tỉnh, nhiều người nghiện không còn phải đi xa để uống thuốc, từ đó giúp giảm chi phí đi lại. Việc điều trị thay thế bằng Methadone là giải pháp bảo đảm an toàn cho sức khỏe của người nghiện ma túy, góp phần giảm nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS và các bệnh lây truyền qua đường máu trong cộng đồng. Hình thức điều trị ngoại trú còn giúp cho cuộc sống của người sử dụng ma túy ít bị xáo trộn, có thể vừa điều trị, vừa đi làm.
Hàng tháng các bệnh nhân được kiểm tra sức khỏe sau khi tham gia chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone.
Được cai nghiện ma túy bằng thuốc thay thế Methadone người nghiện không phải chi số tiền lớn cho việc sử dụng ma túy, không còn nhu cầu gay gắt về tiền mua ma túy nên họ không tham gia vào các hành vi phạm tội để có tiền sử dụng ma túy. Vì vậy, điều trị thay thế bằng thuốc Methadone góp phần quan trọng vào việc giảm tội phạm, giảm lây nhiễm HIV; nâng cao sức khỏe, tăng cơ hội việc làm, mang lại hạnh phúc cho nhiều gia đình và bản thân người nghiện.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Trung tâm cũng gặp khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ như: Số bệnh nhân bỏ điều trị tại các cơ sở có xu hướng gia tăng, nguyên nhân là do bệnh nhân đi làm xa, một số chuyển sang sử dụng ma túy đá làm mất kiểm soát việc uống methadone hàng ngày. Một trong những khó khăn nữa là việc dừng hợp đồng lao động đối với nhân viên y tế tại các cơ sở điều trị, cấp phát thuốc methadone theo quy định, hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền làm gia tăng gánh nặng cho cán bộ y tế tuyến cơ sở hiện nay. Kinh phí đầu tư để nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị chuyên môn thiết yếu, kinh phí đào tạo nguồn nhân lực để triển khai điều trị thay thế bằng Methadone hiện còn hết sức hạn chế...
Trong việc quản lý các đối tượng, do đặc thù địa hình miền núi, nên người bệnh tham gia chương trình điều trị cũng gặp không ít trở ngại, nhất là những bệnh nhân ở địa bàn các xã vùng sâu, vùng xa. Mặt khác, còn một số lượng không nhỏ người nghiện ma túy ngoài cộng đồng, chưa nằm trong danh sách có hồ sơ quản lý, họ còn e ngại khi tiếp cận điều trị Methadone do sợ bị lộ danh tính sẽ bị kỳ thị, sợ bị cưỡng chế đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc nên cũng ảnh hưởng đến việc tiếp cận dịch vụ của người nghiện ma túy hiện nay.
Để tăng số người nghiện ma túy được điều trị thay thế bằng Methadone, góp phần giảm số người nghiện và tái nghiện trên địa bàn, thời gian tới, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, phối hợp liên ngành với các cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, giáo dục về lợi ích và ý nghĩa, hiệu quả của việc điều trị cho người nghiện các chất dạng thuốc phiện thay thế bằng Methadone. Tiếp tục tăng cường phối hợp giữa các sở, ban, ngành với ngành Y tế tỉnh trong công tác duy trì đảm bảo an ninh, trật tự tại cơ sở điều trị, cấp phát thuốc Methadone trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành về công tác xã hội hoá trong điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone.
Lai Châu là tỉnh đầu tiên, tiên phong thực hiện mở rộng mạng lưới cấp phát thuốc tại tuyến xã. Hiện nay, toàn tỉnh có 8 cơ sở điều trị tuyến huyện và 30 cơ sở cấp phát tuyến xã. Chương trình đạt độ bao phủ là 68% (2.025/2.951) so với số người nghiện có hồ sơ quản lý của cơ quan chức năng được tham gia điều trị. So sánh với tỉnh lân cận như tỉnh Điện Biên đạt 38%; tỉnh Lào Cai đạt 40%.
Phương Lan
Bình luận