Thứ năm, 28/11/2024, 14:40 [GMT+7]
Sắc màu văn hóa hội tụ và lan tỏa

Bài 2: Độc đáo không gian văn hóa sáng tạo Tây Hồ

Thứ ba, 13/08/2024 - 14:51'
(BLC) - Trong bối cảnh Thành phố Hà Nội đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, quận Tây Hồ đã và đang tập trung triển khai tổ chức thực hiện việc xây dựng các không gian văn hóa sáng tạo. Qua đó, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân, tạo sức hấp dẫn cho quận Tây Hồ, đồng thời lan tỏa cảm hứng sáng tạo, ý thức bảo tồn văn hóa lịch sử trong mỗi người dân và du khách.

* Bài 1: Tây Hồ - Vùng trầm tích văn hóa, lịch sử

 

1

Khai thác tiềm năng văn hóa lịch sử, cảnh quan thiên nhiên là tiền đề để phát triển không gian văn hóa sáng tạo, năm 2022 Quận Tây Hồ xây dựng Không gian văn hoá sáng tạo Tây Hồ tại Phố Trịnh Công Sơn. Đây là nơi tổ chức các sự kiện văn hoá, nghệ thuật, các hoạt động này do chính những người dân trên địa bàn quận tham gia, kết hợp với sự góp mặt của các nghệ sĩ chuyên nghiệp đã làm tăng sức hút của Không gian văn hoá sáng tạo. Thông qua các hoạt động văn hoá, nghệ thuật, Quận Tây Hồ phát hiện những hạt nhân văn nghệ cơ sở có tài năng để bồi dưỡng, trở thành những nghệ sỹ chuyên nghiệp.

3

Riêng năm 2023, gần 40 sự kiện văn hóa đặc sắc của thành phố Hà Nội và của quận được tổ chức thành công tại Không gian văn hóa sáng tạo quận Tây Hồ. Chất lượng phong trào văn hoá văn nghệ - thể dục thể thao từ cơ sở được nâng cao, người dân chính là người sáng tạo, thực hành và hưởng thụ văn hóa. 8 phường và 17 trường học trên địa bàn quận đã xây dựng kế hoạch, đầu tư có tính chiến lược đối với các hạt nhân văn nghệ, thể thao trên địa bàn. 14 đơn vị đã triển khai hiệu quả các chương trình biểu diễn nghệ thuật tại Không gian văn hóa sáng tạo. Từ đó, khẳng định vai trò và tiềm lực của Tây Hồ trong quá trình xây dựng và phát triển, góp phần làm tăng vị thế của quận trong giai đoạn phấn đấu đưa Tây Hồ sớm trở thành Trung tâm dịch vụ - du lịch, văn hóa của Thủ đô.

2

Trong đêm Giao thừa năm Giáp Thìn 2024, “Lễ hội ánh sáng nghệ thuật Hà Nội - Rực rỡ Thăng Long” do UBND quận Tây Hồ phối hợp cùng các đối tác tổ chức đã thu hút hàng triệu người thưởng lãm. Màn trình diễn ánh sáng nghệ thuật bằng 2.024 máy bay không người lái (drone) đã tái hiện hình ảnh vua Lý Thái Tổ, cảnh rồng bay và những danh lam, thắng cảnh của vùng đất Thăng Long - Hà Nội trong thời khắc vượng khí giao thoa đất trời. Quận Tây Hồ tập trung xây dựng không gian văn hóa sáng tạo đặc trưng, không chỉ nhằm phục vụ vui chơi, giải trí cộng đồng, mà hơn hết, những không gian đó sẽ “đánh thức” giá trị văn hóa lịch sử gắn với đặc trưng của khu vực hồ Tây. Lễ hội đã trở thành sự kiện ý nghĩa, mang đậm các giá trị bản sắc, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của nhân dân trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc.

 

Cùng với đó, Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với quận Tây Hồ tổ chức Chương trình “Du lịch Hà Nội chào 2024 - Geton Hanoi 2024” và công bố Quyết định công nhận khu du lịch Nhật Tân, quận Tây Hồ với chủ đề “Geton Hanoi 2024 - Sắc hương Tây Hồ” diễn ra từ ngày 9 - 10/3/2024 tại Không gian văn hóa sáng tạo Tây Hồ. Đây cũng là dịp để truyền thông, quảng bá hình ảnh điểm đến Hà Nội “An toàn - Thân thiện - Chất lượng - Hấp dẫn” nhằm thu hút khách du lịch đến với Hà Nội nói chung, Tây Hồ nói riêng ngày một nhiều hơn, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển du lịch của Thủ đô.

5

“Geton Hanoi 2024” khai mở cho trên 50 chuỗi các hoạt động văn hóa, lễ hội, du lịch 2024 của Hà Nội như: Lễ hội du lịch Hà Nội 2024, Lễ hội quà tặng du lịch Hà Nội 2024, Festival Thu Hà Nội, Lễ hội ẩm thực và du lịch làng nghề, Lễ hội Áo dài Hà Nội 2024... góp phần quảng bá hình ảnh Thủ đô Hà Nội đến với bạn bè trong nước và quốc tế, hướng đến hoàn thành mục tiêu đón 27 triệu lượt khách du lịch đến với Hà Nội, tổng thu từ khách du lịch đạt 103,74 nghìn tỷ đồng trong năm 2024.

3

Đặc biệt, quận Tây Hồ vừa tổ chức thành công Lễ hội Sen Hà Nội và giới thiệu các sản phẩm OCOP gắn với văn hoá các tỉnh miền núi phía Bắc năm 2024. Tại Lễ khai mạc diễn ra chương trình nghệ thuật bán thực cảnh "Chuyện của Sen" với sự kết hợp tinh tế giữa không gian đa chiều sân khấu trên bờ và sân khấu mặt nước, cùng công nghệ trình chiếu ánh sáng, với sự tham gia của gần 500 diễn viên chuyên nghiệp và nhân dân quận Tây Hồ đã mang đến cho khán giả những trải nghiệm đa giác quan, sống động và nhiều cảm xúc. Đặc biệt, tại lễ hội đã trao 2 chứng nhận Kỷ lục Việt Nam là số người đạp xe tham gia hành trình xanh sắc sen Tây Hồ đông nhất Việt Nam 7.000 người và số lượng người mặc áo dài truyền thống có họa tiết hoa sen đồng nhất Việt Nam là 1.000 người. Với sự đầu tư bài bản, công phu, lễ khai mạc đã mang đến cho đại biểu, người dân và du khách những trải nghiệm thú vị, thưởng thức những chương trình nghệ thuật đặc sắc. 

Bên cạnh đó, sự kiện trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền với trên 100 gian hàng của 33 tỉnh, thành trong cả nước. Trong khuôn khổ Sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hoá các tỉnh miền núi phía Bắc có các hoạt động trình diễn làm trà sen và giao lưu văn hoá trà của các nghệ nhân, chủ cơ sở trà uy tín trong cả nước, giới thiệu 203 món ăn từ sen và tổ chức trình diễn 12 món ăn đặc sắc từ sen Tây Hồ. 

Với hệ thống di tích phong phú, quận Tây Hồ đầu tư quy hoạch, tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn, nhằm bảo vệ và phát huy giá trị điểm đến du lịch. Đồng thời, quận đầu tư xây dựng các không gian văn hóa sáng tạo gắn với di sản và công trình có giá trị di sản như: Không gian văn hóa sáng tạo trình diễn nghệ thuật truyền thống và thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ tại phủ Tây Hồ; Không gian văn hóa sáng tạo trải nghiệm nghề làm giấy dó truyền thống của làng Yên Thái xưa gắn với di tích lịch sử đình Trích Sài; Không gian văn hóa sáng tạo trải nghiệm nghề truyền thống xôi Phú Thượng gắn với di tích lịch sử đình Phú Gia...

Ngoài ra, quận đang nghiên cứu, xin chủ trương thành phố về việc tổ chức chỉnh trang, nâng cấp Vườn hoa Lý Tự Trọng gắn với xây dựng Công viên Sách Tây Hồ. Đây sẽ là những không gian văn hóa sáng tạo mới mang nét độc đáo, hấp dẫn riêng có của Tây Hồ, góp phần nâng cao chất lượng đời sống tinh thần của người dân, tạo nên sức hút đối với khách du lịch khi đến với Hà Nội.

Tin rằng, với việc khai thác tiềm năng văn hóa lịch sử, cảnh quan để phát triển các không gian văn hóa sáng tạo, đồng thời bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa nghìn năm văn hiến, quận Tây Hồ sẽ thu hút thêm hàng triệu du khách trong và ngoài nước đến với vùng đất “rồng thiêng hội tụ”, góp phần vào chiến lược “Thành phố sáng tạo”.

Phương Thanh - Thanh Tùng

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Trưởng bản gương mẫu làm kinh tế
Ở bản Bút Trên (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên), dân bản luôn dành sự ngưỡng mộ đối với trưởng bản Cầm Văn Nhờ bởi cách làm kinh tế của gia đình anh. Tận dụng vốn liếng của cha mẹ để lại, gia đình...