Thứ hai, 06/01/2025, 12:09 [GMT+7]

Bạn trẻ hiến kế giúp người dân sống chung với lũ

Thứ sáu, 21/10/2011 - 14:54'
Một nhà nổi với kinh phí khoảng 40-50 triệu đồng sẽ giúp những người dân khu vực đồng bằng sông Cửu Long vừa sống chung với lũ, vừa sinh hoạt thuận lợi về mùa khô trong vòng hơn 60 năm.

Toàn cảnh lũ đồng bằng sông Cửu Long năm 2011

Mô hình này của nhóm cựu sinh viên lớp K06A1, khoa Kiến trúc công trình, ĐH Kiến trúc TP HCM gồm: Hồ Thị Minh Hà, Nguyễn Bảo Trân, Nguyễn Lê Trí, Nguyễn Thị Thanh Trúc và Nguyễn Hồng Hạnh. Đây là một trong 68 đề tài sáng tạo tiêu biểu toàn quốc năm 2011 được tuyên dương tại thành phố Huế tối 10/10.

Nói về ý tưởng của cả nhóm, bạn Hồ Thị Minh Hà cho biết: “Học bên kiến trúc, tình cờ thấy hình ảnh nhà nổi bên Hà Lan giúp người dân có thể sống chung với lũ nên mình nghĩ sao không bắt tay vào thiết kế nhà nổi cho người dân đồng bằng sông Cửu Long”. Nhưng phải đến học kỳ 2 của năm thứ tư, khi nhà trường phát động cuộc thi nghiên cứu khoa học, Hà mới có cơ hội đưa ra ý tưởng và được 4 thành viên trong lớp nhiệt tình tham gia.

 

Và khi kiến thức đã khá, nhóm bắt đầu vào thiết kế nhà nổi. Hơn một năm ròng miệt mài, cùng với sự hướng dẫn tận tình của thầy Giang Ngọc Huấn, trưởng bộ môn Vật lý kiến trúc, Khoa kiến trúc công trình, ĐH Kiến trúc TP HCM, cuối cùng mô hình nhà nổi cũng hoàn thành.

Xây nhà trước hết phải biết được người dân muốn ở nhà như thế nào, nghĩ thế nên cả nhóm đã tìm đến các thư viện, lướt web tìm kiếm tài liệu, kiến thức về người dân đồng bằng sông Cửu Long. Các bạn còn bắt xe đò từ TP HCM về xã Vĩnh Thạnh (Tân Hưng, Long An), khu vực hàng năm ngập cao nhất để tìm hiểu hiện trạng, kiến trúc nhà ở địa phương.

Mô hình nhà nổi của cả nhóm đã ẵm nhiều giải thưởng như: giải ba giải thưởng nghiên cứu cấp Bộ, giải nhất lĩnh vực kiến trúc - xây dựng hội thi sinh viên nghiên cứu khoa học Eureka năm 2010 và giải ba giải thưởng sáng tạo kỹ thuật Việt Nam Vifotec năm 2010.

Giới thiệu mô hình nhà nổi, bạn Nguyễn Hồng Hạnh cho biết, nhà nổi có 3 gian 2 chái và nhà nối đôi. Loại nhà này có phần móng bằng hệ thống phao nổi EPS (xốp ngoài thị trường được bọc một lớp nhựa bên ngoài) được thiết kế liên kết. Sàn nhà có thể lót bằng gỗ hoặc gạch.

Sườn nhà thì làm từ gỗ hoặc nhôm. Mái được lợp bằng tôn sandwich. Nhà có diện tích 7,2x7,2 m, diện tích sử dụng là 7,2x4,8 m. Nhà nổi sẽ có 4 cọc giữ cố định, lúc nước lên nhà sẽ trượt theo cọc nổi lên, và ngược lại. Mùa khô người dân hoàn toàn có thể sinh hoạt ổn định ngay trên nhà nổi.

Mô hình nhà nổi của nhóm cựu sinh viên lớp K06A1 thiết kế.

Theo tính toán của cả nhóm, toàn bộ thể tích phao nổi EPS nâng được 27,6 tấn. Trong khi đó, nhà làm bằng khung nhôm chỉ có trọng lượng 7 tấn, khung gỗ là 9,8 tấn. “Nhóm mình đã so sánh với các mô hình nhà nổi ở Việt Nam và thấy hầu hết nhà nổi hiện tại dùng thùng phuy bơm hơi vào. Thùng này có thể bị thủng bất cứ lúc nào nên sẽ rất nguy hiểm cho người dân khi sinh sống trên đó”, Thanh Trúc nói.

Theo Trúc, giá một căn nhà nổi diện tích 7,2x7,2 m (đã bao gồm các vật dụng) hoàn chỉnh khung gỗ là khoảng 90 triệu đồng, khung nhôm là 120 triệu đồng. Tuy nhiên, theo các thành viên trong nhóm, người dân hoàn toàn có thể tận dụng khung gỗ của nhà đang ở để lắp vào phao nổi EPS thì giá thành của ngôi nhà chỉ còn khoảng 40-50 triệu đồng. Tuổi thọ của phao nổi EPS được tính là hơn 60 năm.

Điều mà cả nhóm trăn trở là hiện mô hình nhà nổi chưa có điều kiện được áp dụng vào thực tế do chưa có kinh phí. “Thực tế nhà nổi ở xã Tân Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình) trong mùa mưa lũ vừa qua đã phát huy tác dụng. Tụi mình cũng muốn có điều kiện được ứng dụng nhà nổi vào thực tế địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long để cả nhóm hoàn thiện thêm mô hình. Hy vọng nhà nổi sẽ là một giải pháp hữu ích với những người dân luôn phải sống trong nỗi lo mùa lũ, đặc biệt là lũ lớn như năm nay”, bạn Lê Trí trăn trở.

Từ ngày 10 đến 12/10, tại thành phố Huế đã diễn ra liên hoan “Tuổi trẻ sáng tạo, bảo vệ môi trường” do Trung ương Đoàn tổ chức. Hơn 450 đoàn viên, thanh niên tiêu biểu trên các lĩnh vực: học tập, nghiên cứu khoa học; quản lý, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; an ninh quốc phòng; hoạt động xã hội... đã về dự. Liên hoan lần này nhằm tuyên dương 68 đề tài sáng tạo trẻ và 80 mô hình thanh niên bảo vệ môi trường năm 2011.

 

 

Theo vnexpress

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Dốc sức hoàn thành dự án nâng cấp đường tỉnh 133
Dự án nâng cấp đường tỉnh 133 đoạn Km0-km21 (dự án) được đầu tư trên địa bàn 3 xã: Thân Thuộc - Nậm Cần - Nậm Sỏ (huyện Tân Uyên) trong 3 năm (2021-2024) với tổng chiều dài toàn tuyến là 20km....
Điển hình trong phong trào thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp
Ở bản Huổi Só (xã Nậm Chà, huyện Nậm Nhùn), anh Mùa A Lùng (sinh năm 1999) được biết tới là người không ngừng vượt khó, vươn lên phát triển kinh tế. Anh là điển hình trong phong trào thanh niên...