Kỳ 2: Ân tình của Đảng
*Kỳ 1: Bão ngầm dưới bóng "mây nâu"
Những văn bản từ trái tim của người cộng sản
Thấu hiểu cái tâm, cái tình của bà con với Đảng, với Bác Hồ và cũng trăn trở trước những khó khăn, tủi khổ của bà con khi bị lừa gạt, xúi giục, từ lâu Đảng ta đã có những chỉ đạo, định hướng để đem đến sự bình yên cho bản làng. Có thể kể ra đây là Chỉ thị số 09-CT/TW và sau đó là Kết luận số 44-KL/TW ngày 22/01/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy Lai Châu cũng có nhiều văn bản chỉ chỉ đạo các cấp, các ngành. Cụ thể là Chương trình hành động số 31-CTr/TU ngày 22/3/2019 về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW với quyết tâm chính trị là đập tan các âm mưu thâm hiểm của bọn tội phạm, trả lại sự yên vui cho dân bản, để đồng bào an tâm lao động sản xuất.
Gặp chúng tôi sau vụ việc ở Ao Rồng, trầm ngâm bên dòng hồi tưởng, Đại tá Tao Văn Trường – Phó Giám đốc Công an tỉnh trầm tư như so từng chữ: Phá được án, tuy là lập được chiến công, là bắt được bọn tội phạm, nhưng khi tiếp xúc với bà con, thực sự chúng tôi thấy rất thương. Bà con mình suy nghĩ đơn giản quá, thật thà, cả tin quá. Thực hiện sự chỉ đạo của Đảng, trực tiếp là Tỉnh ủy, với quyết tâm ngăn chặn từ sớm, từ xa, không để thêm một vụ việc nào như thế xảy ra, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh đã có nhiều cuộc họp, nhiều lần “vắt óc”, để làm sao giải quyết vấn đề đạt lý nhưng phải thấu tình, cương quyết nhưng vẫn khéo léo, phải ngăn chặn được bọn tội phạm nhưng lại phải làm sao để gần gũi với bà con mình. Sau nhiều đêm thức trắng đau đáu nghĩ về đồng bào, ngày 3/9/2020 Công an tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 4050/KH-CAT-PV05 triển khai thực hiện công tác “Nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn xã Tà Tổng, huyện Mường Tè, giai đoạn 2020-2022. Kế hoạch này hướng đến và tính đến rất nhiều nội dung, nhưng trong đó có mục tiêu đảm bảo an toàn về ANTT xã hội và đảm bảo bình yên, tiến tới chuyển hóa địa bàn khỏi diện trọng điểm phức tạp về an ninh trật tự. Chưa dừng lại, để tăng cường quyết tâm chính trị, Đảng ủy Công an tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 04/NQ-ĐUCA ngày 16/12/2020 về “đẩy mạnh công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về ANTT, giai đoạn 2021-2025”. Rồi sau đó, công an các huyện cũng có những hành động mạnh mẽ, cụ thể, kiên quyết không để đồng bào mình bị lợi dụng mà lầm đường, lạc lối.
Không riêng lực lượng công an, huyện Mường Tè cũng có nhiều bước đi, quyết không để Tà Tổng rơi vào “vùng xám, vùng tối”, trong tình trạng “điểm nóng”. Trao đổi với những cán bộ được giao nhiệm vụ theo dõi, giúp đỡ xã Tà Tổng, chúng tôi mới hiểu. Có những hôm lãnh đạo huyện họp thông tầm, có những quyết định phải “nâng lên đặt xuống” đến mấy cuộc họp mới xong, lại có những văn bản anh em tham mưu trình lên rồi lại phải mang về xóa đi, viết lại mãi mới ổn. Huyện đã hành động rất mạnh mẽ từ công tác củng cố hệ thống chính trị, rồi cử cán bộ tăng cường xuống xã, cử cả cán bộ chuyên môn của huyện lên dựng lán ở đồng, ăn ngủ ở bản, xắn quần lội ruộng để cùng nhân dân tìm ra giống lúa gì, giống ngô nào phù hợp để đưa vào những trảng ruộng, mảnh nương nơi đây. Rồi thì huyện lại ưu tiên nguồn lực xây dựng đường xá, kéo điện lưới, đưa viễn thông vào để phá thế cô lập cho đất này.
Đồng chí Lý Anh Hừ - Bí thư Huyện ủy Mường Tè là người vô cùng cảm thông và thấu hiểu với hoàn cảnh của bà con. Đích thân vị Bí thư này đã nhiều lần trèo đèo, vượt suối “nuôi vắt, đo đường” để tìm “lối ra” cho người dân nơi đây. Đồng chí Lý Anh Hừ cho hay: “Sự việc xảy ra tại Ao Rồng chúng tôi không bị bất ngờ, bị động. Ban Thường vụ Huyện ủy xác định xã Tà Tổng là địa bàn trọng điểm, có nguy cơ có thể gây mất ổn định về an ninh chính trị. Do đó, tăng cường chỉ đạo lực lượng chức năng, cấp ủy, chính quyền xã bám sát địa bàn, nắm chắc diễn biến tình hình; thường xuyên báo cáo Thường trực Huyện ủy. Thành lập tổ công tác của Huyện ủy, do đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy làm trưởng đoàn xuống từng địa bàn dân cư tuyên truyền người dân không nghe, không tin, không theo, không bị mắc mưu kẻ xấu. Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo UBND huyện ban hành các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, trong đó trọng tâm là “triển khai thực hiện xây dựng xã Tà Tổng là địa bàn điển hình trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ”. Đảng ủy xã Tà Tổng cũng ban hành Nghị quyết với những mục tiêu cụ thể như: nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, trong đó nhấn mạnh: “phong trào bản Mông đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa mới”. Qua 2 năm triển khai quyết liệt, chúng tôi đã cơ bản ổn định được tình hình ANTT ở đây. Với cách làm thường xuyên, linh hoạt, phấn đấu xã Tà Tổng sẽ từ điểm nóng trở thành điểm sáng về ANTT”.
Ánh dương soi đời mới
Các văn bản được những vị lãnh đạo kể ở trên chỉ là những tài liệu “nền móng”. Để hiện thực ân tình của Đảng đối với bà con, tỉnh Lai Châu, Công an tỉnh Lai Châu, rồi đến huyện Mường Tè, xã Tà Tổng còn rất nhiều kế hoạch, nghị quyết, chương trình hành động khác. Từ đó hàng trăm lượt đảng viên, cán bộ, chiến sỹ âm thầm lặng lẽ hành quân về cơ sở với bầu nhiệt huyết, quyết tâm mang lại đời sống yên bình, ấm no cho dân bản.
Một vấn đề mang tính chất cốt tủy để hiện thực hóa đường lối của Đảng chính là xây dựng Đảng phải đi trước một bước, phải để “cánh tay” của Đảng vươn dài tới từng thôn, bản; từ đó lan tỏa đường lối của Đảng đến tới từng nếp nhà, từng người dân. Và đến nay, sau rất nhiều nỗ lực để phát hiện nhân tố, bồi dưỡng, theo dõi, hỗ trợ, giúp đỡ, tất cả các bản trên địa bàn xã đều đã có chi bộ. Cũng phải kể thêm rằng, từ năm 2020 đến nay, Đảng bộ xã Tà Tổng đã kết nạp được tới 73 đảng viên - một con số có thể không lớn với một tỉnh miền xuôi nhưng so với một xã miền núi còn vô vàn khó khăn như Tà Tổng đó là cả một câu chuyện dài. Còn so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã đề ra đã đạt 158%, nâng tổng số đảng viên của xã lên 212 đồng chí, sinh hoạt ở 16 chi bộ. Qua trao đổi với những đảng viên trẻ, đảng viên mới, tôi cảm nhận được rằng dù còn có những mặt, những điểm mà các đảng viên người dân tộc thiểu số này còn hạn chế nhưng họ thực sự là những “hạt giống đỏ” của Đảng ở cơ sở. Nhìn vào những đảng viên ấy, nếu đem những câu từ xa xỉ như kiểu: thuộc lòng hai nguyên lý, ba quy luật, sáu cặp phạm trù của Triết học Mác - Lênin thì có lẽ hơi khiên cưỡng nhưng bằng cái chất phác, thật thà của người bản xứ, bằng cái tinh thần vượt khó của đồng bào cùng với ý thức vì cộng đồng của người cộng sản, họ đã âm thầm làm được nhiều điều hơn những bản báo cáo khô khan có thể nêu được.
Tà Tổng vốn là xã với địa hình tuyệt đại đa số là đồi núi. Từ ngàn đời nay, bà con chỉ biết làm nương và phó mặc đói no vào sự hào sảng của mẹ thiên nhiên. Mùa được hay mất, ấm bụng hay lao đao, đều trông chờ vào sự “mát tay” linh nghiệm của ông thầy cúng. Thế nên, những năm trước đây, tỷ lệ đói nghèo của bà con nơi này lúc nào cũng ở cái mức ngấp nghé đội sổ cả tỉnh. Vậy mà, “bài toán” hóc búa ngàn đời ấy đã được những người đảng viên ở đây giải khá ngoạn mục bằng cách khai hoang để canh tác ruộng nước thay vì vãi giống lúa nương. Từ con số 0 tròn trĩnh, sau bao lần vận động, bao cái phồng tay, cuốc đất, dẫn mương, những đảng viên của xã đã cho bà con chiêm ngưỡng một hình ảnh chưa bao giờ thấy ở đất này đó là những thửa ruộng nước bời bời ấm no. Những đảng viên như Sùng Cha Páo (bản Nậm Dính) không biết nói những lời hoa mỹ, nhưng ông biết nghĩ cho bản làng, nên cứ lầm lũi vác cuốc ra rừng mà bỏ ngoài tai bao lời đàm tiếu. Sau những cú trời giáng lực điền, vùng thửa nổi lên, nước về ăm ắp, lúa chín gục đầu, bà con nhìn vào và bảo nhau làm thử, làm theo người đảng viên ấy. Đến bây giờ, Tà Tổng đã có đến hơn 100ha lúa nước và diện tích ấy sẽ còn tăng (theo kế hoạch mỗi năm sẽ mở rộng thêm từ 2 đến 3ha).
Ở Tà Tổng, những tấm gương đảng viên lặng thầm đem ánh sáng của Đảng đến với bà con như ông Sùng Cha Páo không ít. Theo báo cáo của xã, hiện nay Tà Tổng có hơn 62ha cây quế. Đây là loại cây rất được lòng đồng bào ở đây vì vừa giúp bà con giữ rừng, lại vừa có sinh kế để tăng thu nhập. Và người đầu tiên phát triển giống cây này là đảng viên Sùng A Thá ở bản Ngà Chồ. Mới đây, lại có một giống cây khác cũng đang “hot” trong lựa chọn của bà con ấy là cây sâm đất từ mô hình của đảng viên Sùng Công Sình. Hay như mô hình nuôi bò tập trung quy mô lớn của đảng viên Sùng A Hử (bản Tà Tổng) cũng giúp nhiều bà con học tập, làm theo và đổi đời.
Không chỉ giúp người dân phát triển kinh tế, những đảng viên ở Tà Tổng còn tích cực giúp Nhân dân thay đổi nếp sống, tiếp cận những điểm tiến bộ về văn hóa. Đầu tiên phải kể đến là giáo dục. Trong sự hạn hẹp của câu từ, bài viết này tôi không thể kể hết được những đảng viên có đến trên dưới 20 năm gieo chữ ở các điểm trường Tà Tổng. Có thầy giáo vào đây cắm chốt lâu quá đến ế vợ. Có cô giáo vì gian nan mà sảy thai. Người thì bị chồng dọa bỏ. Cũng có người ngã xe xuống vực. Thậm chí có người coi việc chảy máu, què chân vì tai nạn khi “cõng chữ” vào bản là một cái quyền: quyền được ngã. Nếu ai nói họ vì miếng cơm manh áo mà đánh đổi, thì có lẽ đó là cả một sự hàm hồ mang tính xúc phạm những tinh thần cao cả ấy. Đương nhiên, họ không phải thánh, thần, họ cũng chưa bao giờ nhận như thế. Mà tôi đồ rằng, tình yêu nghề, yêu những ánh mắt lay láy trẻ thơ và trách nhiệm của người đảng viên đã giúp họ có thêm nghị lực để đến nay tỷ lệ chuyên cần của các trường trên địa bàn xã luôn đạt từ 98 đến 99%.
Cũng về mặt xã hội, trước đây bà con đều có suy nghĩ xấu hổ, ngại ra trạm y tế khi có bệnh, nhất là các ca sinh nở của chị em. Đã có những ca “vượt cạn” tại nhà dẫn tới nhiều tai biến sản khoa đáng tiếc. Nhận thức rõ điều này, đảng viên Sùng Thị Dì - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã bỏ nhiều công sức đi tuyên truyền vận động chị em. Một lần chả được thì nhiều lần. Lúc thì trên nương, khi gặp trên đường, có hôm lại đến nhà chơi, hay trong sinh hoạt hội, chị đều khéo léo động viên, nhắc nhở, tuyên truyền cho chị em đến trạm y tế khám, chăm sóc sức khỏe bằng y học hiện đại. Mãi rồi cũng có kết quả. Đến nay, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế trên địa bàn đạt trên 98%, trạm y tế xã là địa chỉ tin tưởng của bà con khi có bệnh. Hôm tôi vào bản, bà con bảo: bắt ma là việc của thầy cúng còn bắt bệnh phải đến bác sỹ. Sự thay đổi đó đã chứng minh bà con đã rất tin tưởng vào y học hiện đại và người giữ vai trò tiền phong chính là những người cộng sản âm thầm mà tận tụy kia.
Tà Tổng hôm nay đã khác nhiều rồi. Hôm tôi đến bản Giàng Ly Cha, đúng là đói nghèo thì vẫn còn cần thêm nhiều công sức nữa, nhưng trên mặt mỗi người dân nơi đây đã ngời lên sự tin tưởng, lạc quan. Lúc đi qua đầu bản, chẳng biết vô tình hay có ý gì khác, tôi chợt nghe một thanh niên vừa đi xe máy tà tà vừa nghêu ngao mấy câu trong bài hát nổi tiếng của nhạc sỹ Phạm Tuyên: bóng tối lui dần, tiếng chim vui hót vang, và rồi từ đây, ánh dương soi đời mới… Giọng anh ta chả hay gì cả, lại thêm cái chất khê khê, lơ lớ tiếng phổ thông, mà sao tôi cảm động thế. Đúng vậy, ân tình của Đảng đã thấm, đã hiển hiện trên từng mái nhà, lối đi, ánh điện đến bát cơm, manh áo, đến cả lối sống, thói quen của Nhân dân nơi đây để đưa bà con ra khỏi những u tối của lạc hậu và đói nghèo. Đến đây tôi lại nhớ đến những giọt nước mắt của bà Sùng Thị Chá khi nghe chồng bà (ông Mùa Nỏ Lùng – bản Giàng Ly Cha, người đang phải nuôi 3 đứa cháu cho con trai và con dâu đang thụ án sau sự việc ở Ao Rồng) nhận định rất mộc mạc mà chân thành: bây giờ bà con đã hiểu là không có gì quý hơn chính sách của Đảng. Đảng thương người dân, đem đến những điều tốt lành cho dân. Thế thì người dân phải tuân theo Hiến pháp và pháp luật.
Còn nữa: Kỳ 3: Lặng thầm những bước chinh yên
Khánh Kiên - Hà Dũng; Đồ họa Ngọc Duy
Bình luận