Kỳ 3: Lặng thầm những bước chinh yên
*Kỳ 2: Ân tình của Đảng
Tổng lực hành quân
Từ khi làm báo ở đất Lai Châu này, tôi đã nhiều lần chứng kiến hình ảnh lực lượng công an tỏa về cơ sở thực hiện nhiệm vụ, nhưng có lẽ những lần được theo các cán bộ, chiến sỹ về với Tà Tổng là ấn tượng nhất, cảm xúc nhất. Đó có thể là một tập thể lớn hoặc những tổ cán bộ, chiến sỹ xuống cơ sở, nhưng số lượng không phải là điều để lại ấn tượng mà là cái khí thế lúc xuất binh.
Còn nhớ những năm 2015 – 2016, đó là thời kỳ cao điểm trong việc vận động, phá nhổ cây thuốc phiện. Cứ vào khoảng tháng 3, tháng 4, khi cây thuốc phiện vào mùa cho nhựa là lực lượng công an lại phải huy động tổng lực từ cấp tỉnh tới xã, thậm chí là công an viên, dân quân xã cùng vào cuộc để đào tận gốc, trốc tận rễ loài cây quái ác kia. Thời kỳ ấy, cây thuốc phiện được trồng rất nhiều, người dân lại trồng ở những trảng rừng rất xa, có nơi phải đi mất hai ngày đường mới tới được. Có chỗ người ta còn trồng từ sườn núi bên này lan sang sườn núi bên kia. Đứng bên này, nhìn sang bên đó là cả triền núi mang một màu hoa đẹp đến ma mị. Bởi thế, có lần hơn 80 cán bộ, chiến sỹ phải luồn rừng, lách khe mà nhổ, mà phát rồi đốt cho sạch. Nhắc lại con số phá nhổ ở niên vụ 2015 để hiểu mức độ rộng lớn của thuốc phiện như thế nào: 8,5ha cây thuốc phiện bị phá nhổ (đó là con số thống kê được).
Nhưng 80 chưa phải là con số lớn nhất, có chiến dịch tổng lực, lực lượng công an phải huy động đến 118 cán bộ, chiến sỹ về với Tà Tổng. Họ đến với bà con không phải bằng súng, bằng đạn mà bằng cái trách nhiệm thiêng liêng của người Công an Nhân dân. Tôi còn nhớ, hôm xuất quân ở trụ sở Công an tỉnh, có một cán bộ gần đến giờ lên xe mới có mặt. Đồng chí ấy không trễ giờ nhưng làm mọi người cứ bồn chồn mãi. Hỏi mới biết, anh đi tìm mua cho bà con mấy chai nước mắm loại xịn, lại tiện tay nhặt thêm cho đám trẻ con trong bản ít bánh, kẹo trong khi tay đã khệ nệ ôm theo một tập truyện tranh mà con gái anh dành tặng các bạn vùng cao. Tôi không nhớ được anh tên gì, ở tổ, đội nào bởi trong lần ra quân ấy không chỉ mình anh mà còn cả chục người cũng mang quà cho đồng bào như thể người con về với mẹ. Đến đây hẳn nhiều người sẽ hỏi cần một lực lượng đông đảo như vậy để làm gì. Thì bởi vì Tà Tổng quá rộng, các bản, điểm nhóm dân cư lại xa nhau, mỗi tổ, đội phải tỏa về một điểm dân cư để thực hiện “4 cùng”, hỗ trợ bà con. “4 cùng” nghĩa là “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc”. Họ có nhiệm vụ tuyên truyền cho bà con hiểu rằng tấm lòng của Đảng chẳng phải cái gì cao siêu mà là lo cho dân ấm, dân no, cho dân đoàn kết ngày càng phát triển.
Tấm lòng của Đảng, tâm nguyện của những người chiến sỹ công an với đồng bào Tà Tổng không phải là khẩu hiệu suông. Hiện nay, đến với Tà Tổng, vào thăm các bản, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra những ngôi nhà của người dân có vách tường bằng vật liệu tổng hợp, mái lợp tôn xanh. Đồng bào gọi đó là “nhà 245”. Những ngôi nhà này là kết quả của Đề án 245 của tỉnh Lai Châu phối hợp với Bộ Công an huy động nguồn lực từ Thành uỷ, chính quyền, Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh với tổng kinh phí 50 tỷ đồng hỗ trợ làm mới và sửa chữa 1.062 căn nhà; trong đó Công an tỉnh làm mới 219 ngôi nhà và sửa chữa 116 nhà. Riêng địa bàn xã Tà Tổng, các cán bộ, chiến sỹ Công an tỉnh đã cùng bà con dân bản vác tôn vượt núi, cầm cuốc san nền, trộn vữa đổ sàn rồi ghép vách, lợp mái… để làm mới 83 ngôi nhà và sửa chữa được 69 nhà. Những căn nhà ấy đã giúp bà con có những mùa đông ấm áp không lo gió lùa, sương lạnh, mưa dột, nắng xiên. Sau các chiến dịch tổng lực đó, đến nay, lực lượng Công an vẫn duy trì các lực lượng thường trực để đảm bảo an ninh và giúp nhân dân phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn.
Từ những lần ra quân đó, đã có những hình ảnh hết sức ý nghĩa, mang tầm biểu tượng cho sự gắn kết bền chặt giữa người chiến sỹ công an nhân dân và bà con dân bản. Đó là hình ảnh các anh cùng xắn quần lội ruộng gặt lúa, rồi mướt mát mồ hôi vác vật liệu làm nhà. Và đặc biệt, hiện nay trong lực lượng Công an đang lan tỏa hình ảnh Đại úy Lý Phùy Chóng – Trưởng Công an xã Tà Tổng quần xắn tới đùi, trên lưng cõng một cụ già người dân tộc vượt qua dòng nước lũ đang đục ngầu, cuồn cuộn chảy. Tuy là qua dòng lũ nhưng trên gương mặt người chiến sỹ ấy hết sức tự tin và quyết tâm, còn cụ già lại móm mém cười rất đỗi tin tưởng. Hình ảnh ấy nhanh chóng được lan truyền trên mạng với hàng ngàn lượt “thích”, chia sẻ và những dòng bình luận thể hiện tin yêu, mến phục của người dân với người chiến sỹ công an dám dấn thân vào nguy hiểm vì sự bình yên của nhân dân.
Vỡ đốt sống khi đi làm nhiệm vụ
Chúng tôi gặp Đại tá Tao Văn Trường – Phó Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu trong một căn phòng giản dị nhưng trên tường treo đầy thành tích. Là một người con của đồng bào dân tộc Thái nhưng anh lại toát lên khí độ của một “vị tướng”, “cái chất” của người lính trận từng trải. Không dùng mỹ từ, cũng chẳng phải huơ tay, múa chân với ngôn từ đao to búa lớn khi kể về mình và những đồng đội của mình, mà chỉ là cái cười giản dị, chân thành – nụ cười của người chiến thắng. Là lực lượng chủ lực trong nhiệm vụ bám nắm, chuyển hóa các “điểm nóng” nói chung và Tà Tổng nói riêng, những năm qua đã có hàng trăm lượt cán bộ, chiến sỹ của Công an tỉnh phải ăn rừng, uống suối, ngủ nương mà bám nắm địa bàn, nhưng người công an ngồi trước chúng tôi chỉ điềm tĩnh mà rằng: khó khăn thì phải vượt qua thôi. Và trong câu chuyện vội vội vàng vàng của chúng tôi, những hy sinh thầm lặng của các chiến sỹ công an cứ bi hùng mà “chảy” qua trước mắt như một bộ phim với giọng bình trầm tĩnh.
Chuyện là, những năm 2004 – 2005, có đồng chí Hỏ Văn Vịnh là chiến sỹ an ninh của Công an tỉnh Lai Châu được tăng cường vào xã Tà Tổng. Suốt bao năm công tác, người chiến sỹ ấy đã lặn lội khắp các bản gần, nương xa, tham gia không biết bao nhiêu lần triệt phá cây thuốc phiện, các buổi sinh hoạt tôn giáo của bà con. Với đồng bào Tà Tổng, anh Vịnh như một người con, người em trong mỗi gia đình. Rồi đến năm 2014, khi đang đeo lon Thiếu tá, anh được chính thức giao nhiệm vụ làm Đồn trưởng Đồn Công an Tà Tổng. Những lần buộc xích vào lốp xe máy để đến bản vào ngày mưa, những lần đeo ba lô, chống gậy, vượt suối, vượt đèo đến với các điểm, nhóm dân cư, dường như từng thớ đất của vùng cao này đã ăn vào từng đường gân, thớ thịt chàng công an trẻ tuổi ấy. Lúc ấy tưởng như nhắm mắt lại là anh có thể vẽ được bản đồ xã Tà Tổng chi tiết đến từng vách đá, gốc cây. Ấy vậy mà…
Gặp Trung tá Hỏ Văn Vịnh tại trụ sở Công an huyện Nậm Nhùn. Dù đã được nói trước nhưng khi anh xuất hiện với cây gậy chống trong tay, cả nhóm phóng viên ai cũng xúc động. Trong câu chuyện của mình, anh Vịnh liên tục kể về những ấn tượng khi đến với Tà Tổng. Đó là những thẳm xanh bạt ngàn của rừng núi. Là những “con đường chuột chạy”, “đường khỉ đi”, những liếp tranh xơ xác, hay những lần đẩy xe máy ngược dốc, nhưng lúc thót tim khi bánh trước xe sát ngay miệng vực. Và cả những chiếc màn rách dọc, rách ngang vì anh em dùng thay lưới, xuống suối bắt cá tự cải thiện bữa ăn… Quãng thanh xuân với những nụ cười ấy tắt lịm khi anh kể đến năm 2016. Trong một chuyến công tác để đảm bảo an ninh cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, đến bản Cô Lô Hồ, gặp đoạn đường đang làm dở, dù đã xuống xe dắt bộ, nhưng do đất lở, anh bị ngã xuống vực sâu hơn 50m. Cú ngã khiến anh vỡ 2 đốt sống lưng, chấn thương tủy sống và liệt cả 2 chân (tỷ lệ thương tật 54%). Sau đận thập tử nhất sinh, mọi người đều bảo anh nên nghỉ việc. Anh đắn đo rất lâu. Cuối cùng những nụ cười, những cái bắt tay thật chặt và nhớ đến cả thanh xuân của mình đã dành cho Tà Tổng nên anh lại xin tiếp tục cống hiến cho ngành. Còn nhớ hôm chúng tôi đến Tà Tổng, hỏi về “chú Vịnh”, đồng bào ở bản Cô Lô Hồ, Ngà Chồ, Giàng Ly Cha, Nậm Ngà… cứ xuýt xoa: chú ấy tốt thế mà!
Đến nay, nhắc tới Thượng tá Phan Văn Sơn – nguyên Trưởng Công an huyện Mường Tè ai cũng nhớ câu chuyện vừa thương, vừa buồn của anh. Khi còn là một chiến sỹ an ninh, anh được tăng cường vào thực hiện nhiệm vụ tại Tà Tổng. Ở cái nơi đường còn chưa có nên liên lạc giữa xã với huyện vẫn phải theo cách của ông Pheidippides thời Hy Lạp cổ đại đưa tin trận Marathon. Tuy là có điện thoại đấy, nhưng để liên lạc được với “thế giới bên ngoài”, anh em phải tập hợp điện thoại lại, cho vào một chiếc túi, buộc lên ngọn tre cao nhất, trên đỉnh núi cao nhất để hứng “sóng rơi”. Vậy nên, khi người mẹ yêu quý của anh từ trần, người nhà đã tìm đủ mọi cách để liên lạc với anh mà không được. Gia đình phải cử người vào bản báo tin. Thế là cả Đồn phải túa đi khắp rừng, khắp nương để hú, gọi, mà mãi 2 ngày sau anh mới nhận được tin. Chẳng được về nhìn mặt mẹ lần cuối thì người con nào không đau, không xót. Tình mẫu tử thiêng liêng là thế mà khi anh về chỉ còn lã chã lệ rơi bên nấm đất. Vì ai? Lúc đó anh đã tự hỏi mình như vậy. Nhưng cũng chính anh tự nhủ: vì nhiệm vụ, vì nhân dân. Và anh cũng tin mẹ anh ở nơi thanh cao nào đó sẽ hiểu, sẽ thông cảm cho anh.
Viết đến đây, điều đáng tiếc nhất là giới hạn của bài viết và sự hạn chế về ngôn từ đã khiến tôi không thể vẽ lên đầy đủ một bức tranh toàn cảnh về những nỗ lực vượt gian khó, những hy sinh thầm lặng của những người như anh Vịnh, anh Sơn và của nhiều nhiều cán bộ, chiến sỹ công an để đổi lấy bình yên cho vùng đất này. Đã có máu, có biết bao giọt mồ hôi đổ xuống đất này… lặng lẽ… khoan thai. Cho tương lai Tà Tổng!
(Còn nữa - Kỳ 4: Bình minh sau lớp sương mờ)
Khánh Kiên - Hà Dũng; Đồ họa Ngọc Duy
Bình luận