Kỳ 4: Bình minh sau lớp sương mờ
* Kỳ 3: Lặng thầm những bước chinh yên
“Nóng” nay thành “sáng”
Đến trung tâm xã Tà Tổng, hình ảnh đầu tiên mà chúng tôi gặp là hàng ngàn người và cũng có đến nửa con số ấy xe máy dựng dọc ngã ba dẫn vào trung tâm xã. Rồi thì hàng, quán “dã chiến” của các tiểu thương khắp nơi dồn về như trẩy hội. Những bộ quần áo mới, những gương mặt hớn hở, những bài nhạc rộn ràng dưới hàng cờ đuôi nheo phấp phới. Không phải lễ hội gì, đây là ngày chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng đợt 1 của xã. Sự rộn rịp đến thanh bình đó khiến chúng tôi không thể hình dung về những tháng ngày giông tố đã qua. Từ điểm nóng, hôm nay, nơi này đang hướng tới trở thành điểm sáng về an ninh trật tự.
Trong căn phòng giản dị, đồng chí Lỳ Phù Cà – Bí thư Đảng ủy xã Tà Tổng không dấu được vẻ tự tin, vui mừng khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu về tình hình của xã với một câu hỏi như khoe: các anh thấy Tà Tổng đã khác chưa? Rồi trong sự thân tình nồng hậu của một cán bộ dân tộc thiểu số, người Bí thư trẻ ấy “dốc bầu tâm sự” về quá trình chuyển hóa xã từ nơi phức tạp về an ninh trật tự thành một điểm sáng trong công tác đảm bảo an ninh trật tự ở nơi vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn này.
Như Bác đã dạy: "Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém". Ở đây, để vực dậy Tà Tổng có rất nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhưng trọng tâm, trọng điểm nhất vẫn phải là phát huy vai trò, chức năng, nhiệm vụ của hệ thống chính trị ở địa phương. Đến hôm nay, Đảng ủy, chính quyền xã Tà Tổng đã tiến bộ rất nhiều. Từ vị trí việc làm đến chức năng nhiệm vụ đã được củng cố, kiện toàn và theo như nhận xét của đồng chí Lý Anh Hừ - Bí thư Huyện ủy Mường Tè thì “sự chuyển biến lớn nhất là trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, tinh thần trách nhiệm làm việc, tính kỷ cương, kỷ luật của cán bộ, công chức, viên chức ở xã Tà Tổng đã được nâng lên rõ rệt”. Như đã kể ở những kỳ trước, hôm nay, những người đảng viên ở thung mây này đã luôn là người tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ, trong các hoạt động, phong trào. Sự nỗ lực ấy đã giúp Đảng bộ xã Tà Tổng được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trong 3 năm liên tiếp từ 2020 đến nay và hằng năm xã cũng đạt vững mạnh về an ninh quốc phòng.
Về tình hình an ninh trật tự ở cơ sở, qua các báo cáo của các cấp cũng như từ thực tế tác nghiệp, khác quan mà nói Tà Tổng vẫn chưa hoàn toàn hết các nguy cơ nhưng cũng phải khẳng định những tình huống xấu, những “điểm đen”, “điểm nóng” về các loại tệ nạn đều đã được bóc gỡ khỏi địa bàn. Đến nay tất cả các hộ dân trên địa bàn đều đã ký vào bản cam kết không trồng, không buôn bán, sử dụng chất ma túy (điều mà trước đây dường như được coi là phổ biến ở đất này). Những trảng rừng trước đây tím màu hoa anh túc nay đã dần hồi xanh và diện tích cây thuốc phiện bị phá nhổ đến nay chỉ còn không đáng kể, và như sự tự tin của đồng chí Giàng A Chu – Phó Chủ tịch UBND xã thì sắp tới, cây thuốc phiện sẽ tuyệt chủng ở đất này. Cái tự tin của đồng chí lãnh đạo xã này không phải là “hão” mà hoàn toàn có cơ sở, bởi đến nay số người nghiện các chất ma túy chỉ còn hơn 100 người và trong đó đã có đến 68 người tự nguyện cai nghiện thay thế bằng methadone, số còn lại đa số là người già yếu.
Có một cuộc cách mạng đã diễn ra ở Tà Tổng. Đó không phải là chuyện lật đổ điều gì, thành lập nhà nước nào, mà đó sự đổi thay trong nhận thức, tư duy và hành động của người dân. Những điều đã thấy, những người đã gặp ở các bản, làng, điểm sinh hoạt tôn giáo ở đây đã cho thấy điều đó. Bà con xởi lởi đón cán bộ về thăm bản, chủ động tìm đến cán bộ xã để bắt chuyện, rồi khi có vấn đề nảy sinh thì tự biết tìm đến các tổ tự quản, tổ hòa giải, tổ phòng cháy chữa cháy (đến nay 11/11 bản có các tổ này) để báo cáo và cùng cán bộ giải quyết, không để phát sinh thành điểm nóng (tỷ lệ hòa giải thành công đạt 92%). Con số thống kê nhanh của Công an xã cho thấy, 6 tháng đầu năm đã có hàng trăm tin báo quan trọng, có giá trị và được xử lý kịp thời ngay tại cơ sở. Nghe thì đơn giản vậy, nhưng đối với nơi mà trước kia người ta chỉ tin vào một đấng siêu nhiên nào đó mà nay đã biết tìm đến chính quyền để giải quyết các vấn đề thì đó là cả một quá trình chuyển đổi mang tính cách mạng về nhận thức đáng khen của người dân. Một điều đáng nói khác là ở bản Giàng Ly Cha (nơi xảy ra vụ việc đáng tiếc đầu năm 2020 ở núi Ao Rồng), đã hình thành và đi vào hoạt động rất hiệu quả mô hình “điểm sinh hoạt tôn giáo thuần túy đảm bảo an ninh trật tự”. Mô hình này không phải người dân tự quảng bá, mà đã được Bộ Công an đánh giá rất cao rồi nhân rộng ra toàn quốc. Hôm tôi rời bản, câu nói của ông Mùa Nỏ Lùng (người có cả con trai và con dâu đang thi hành án vì hỗ trợ bọn tội phạm thành lập nhà nước riêng) khiến tôi vừa mừng vừa xúc động: “Trước đây chúng tôi bị lừa bịp thôi. Bây giờ chúng tôi hiểu rồi. Chúng tôi đã là chủ cuộc đời mình, làm quê hương, đất nước mình rồi, cần gì phải tìm vua, lập vua nào nữa”. Rồi lại nhớ đến nụ cười vừa hiền vừa ngượng của chàng thanh niên Lầu A Khứ ở bản Pà Khà khi chia sẻ với chúng tôi về quyết định rời bỏ tà đạo “Bà cô Dợ” để trở về sinh hoạt tôn giáo thuần túy trong sự chào đón nồng hậu của bản làng. Theo báo cáo của xã thì trong bản còn có cả gia đình (5 người) của anh Vàng Nhìa Chứ cũng vừa tự nguyện về với nếp sống xưa nay, và trong “cuộc cách mạng lòng dân” này, số hộ theo đạo lạ sẽ ngày càng teo nhỏ lại, tỷ lệ thuận với sự bao phủ của ánh sáng văn minh.
Tà Tổng đã sáng tương lai
Thực ra thì Tà Tổng vẫn là một xã nghèo. Theo báo cáo mới nhất, thu nhập bình quân đầu người của bà con mới chỉ đạt đâu đó hơn 17 triệu đồng/năm và tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn hơn 50%. Nhưng từ góc nhìn tổng quan, ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào một tương lai mới cho các bản làng nơi đây.
Dưới sự quan tâm, đầu tư của Đảng và Nhà nước, từ năm 2020 đến năm 2023 đã có hơn 286 tỷ đồng được “rót” vào Tà Tổng. Đương nhiên số tiền ấy không dùng để “chữa cháy” về đói nghèo, mà mang tính chất “vốn mồi” từ các chương trình xây dựng kết cấu hạ tầng cơ bản (điện, đường, trường, trạm, nước sinh hoạt, thủy lợi, nhà văn hóa) rồi đào tạo việc làm, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi… Dưới sự nâng đỡ ấy, đến nay, năng suất lúa của Tà Tổng cũng đã trở thành “quê hương 5 tấn” và bình quân mỗi ngày mỗi người dân có gần 1kg lương thực. Phát huy lợi thế là những đồi cỏ bát ngát, người dân các bản được vận động phát triển chăn nuôi đại gia súc. Hiện nay, xã có đàn gia súc hơn 6.300 con, như vậy chia trung bình thì gần như mỗi người dân ở đây có một con gia súc. Trong báo cáo của UBND xã cũng xuất hiện nhiều giống cây trước đây hoàn toàn xa lạ với bà con như: mắc-ca, quế, sa nhân tím, xoài, lê và mới đây là cây sâm đất. Những mô hình này không chỉ đem đến giá trị về kinh tế mà còn cho thấy sự thay đổi mạnh mẽ của người dân về tư duy làm ăn: bà con đã không còn tư tưởng tự túc tự cấp mà dần chuyển sang tư duy sản xuất hàng hóa.
Một lợi thế khác của vùng này là rừng, đồng bào đã có thể sống được nhờ rừng. Với tỷ lệ che phủ rừng đạt 58%, lại là thượng nguồn của dòng sông năng lượng - sông Đà, hằng năm bà con nơi đây nhận về trên dưới 37 tỷ đồng với một nhiệm vụ đơn giản là không để cháy rừng, và bà con đã làm tốt. Trên đà đó, xã đang phấn đấu đến hết năm 2025, tỷ lệ che phủ rừng sẽ được nâng lên 66%, vậy thì số tiền bà con nhận về sẽ còn nhiều nữa. Từ đó có thể thấy với tốc độ giảm nghèo hàng năm đạt từ 6% đến 7% sẽ không lâu nữa cái nghèo cũng sẽ dần bị đẩy lùi xa. Trên con đường tiến lên nông thôn mới, Tà Tổng cũng đã đi được chặng đường lớn với 12 tiêu chí đã hoàn thành và nay mai con số sẽ còn cao hơn.
Nói về tương lai không thể không nhắc tới giáo dục. Đến nay, ở tất cả các bản và điểm dân cư của xã đã có điểm trường mầm non để bố mẹ các cháu yên tâm vì vừa có nơi gửi trẻ, các cháu lại được các thầy cô dạy dỗ. Lớn lên, khi vào bậc tiểu học thì lại có điểm trường tập trung, lớn nữa thì ra học bán trú. Có điện, có đường, công tác giáo dục ở nơi đây đã có những tín hiệu vui. Mừng nhất là tỷ lệ chuyên cần hàng năm ở các trường luôn đạt trên 95%. Nhờ chăm chỉ đi học mà những vấn đề như: tảo hôn, hôn nhân cận huyết cũng đã giảm đáng kể. Bên ngôi trường 3 tầng khang trang, thầy giáo Nguyễn Công Thương – Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học, THCS Nậm Ngà tỏ rõ sự vui mừng. Vui vì các thầy được làm nghề trong điều kiện tốt hơn và vui hơn nữa khi các con biết nói rằng: ước mơ của con là trở thành thầy giáo. Dạy cái chữ đã đành, với cái tâm của những kỹ sư tâm hồn, ở đây các em còn khơi gợi, hình thành và nuôi dưỡng ước mơ. Tất nhiên, khó có thể kỳ vọng những đứa trẻ đang vân vê tà áo khi đứng trước máy quay kia sẽ thành tài hết cả, nhưng chắc chắn rằng tương lai của các em sẽ xán lạn hơn thế hệ trước rất nhiều.
Cái đói bị đẩy lùi, cái nghèo được khống chế, y tế được quan tâm nên hằng năm xã có trên 96% trẻ dưới 1 tuổi được tiêm đầy đủ các loại vắc-xin phòng bệnh. Cũng như những lĩnh vực khác, nhờ nhận thức đồng bào thay đổi, đến nay thầy thuốc đã có “chỗ đứng” trong lòng dân bản. Y học hiện đại không chỉ bảo vệ bà con trước các loại vi trùng mà còn giúp bà con hiểu rằng “con ma” rất sợ “lá bùa” là bảo hiểm y tế. Bởi thế cho nên, ốm vặt thì thôi, chứ bệnh mà chuyển nặng là người dân đã biết ra trạm y tế ngay. Bên cạnh đó, các ca sinh, nở đã được người dân đưa đến trạm y tế xã hoặc có sự trợ giúp rất lớn của y tế thôn bản. Chính vì tin vào y học mà những đợt dịch Covid-19 vừa qua, việc khoanh vùng, cách ly, thực hiện 5K của bà con nơi đây rất tốt nên không có chuyện bùng phát dịch bệnh.
Hệ thống chính trị được củng cố, an ninh trật tự được đảm bảo, kinh tế phát triển, xã hội ổn định, người dân yên tâm, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước… một bức tranh tươi sáng đang dần rõ nét cho những con người đã bước qua được quãng thời gian giông tố vừa rồi. Nói như đồng chí Lý Anh Hừ - Bí thư Huyện ủy Mường Tè thì: Tà Tổng nay đã sáng tương lai!
Mặt trời đổ xuống đằng Tây, tiếng mõ trâu lốc cốc thưa dần về các nẻo, khi bà con lục tục lên xe về các bản với những chiếc váy mới, nụ cười trên môi và tiền đầy trong túi. Nơi cổng Ủy ban nhân dân xã, dưới bóng lá cờ Tổ quốc phủ lên một gốc đào già, cô bé Sùng Thị Dợ cũng đã dọn xong những hộp trà sữa vào làn. Dựa gốc đào em thảnh thơi đếm lại xấp tiền thu được sau một ngày tất bật vì nhu cầu người dân tăng đột biến. Ánh sáng của bóng đèn cao áp dùng năng lượng mặt trời chiếu qua lá cờ, phủ màu hồng xuống bộ trang phục thổ cẩm tạo ra một khung hình mang giá trị biểu tượng khiến cổ tôi nghẹn lại. Sau bao sóng gió của mây nâu, bão ngầm, nay ở Tà Tổng chỉ có một màu cờ duy nhất.
Khánh Kiên - Hà Dũng; Đồ họa Ngọc Duy (hết)
Bình luận