Thứ hai, 06/01/2025, 10:01 [GMT+7]

“Từ mẫu” nơi đầu sóng bạc

Chủ nhật, 26/02/2023 - 22:44'
(BLC) - Đảo Trường Sa, cái tên ấy mới chỉ nghe thôi đã khiến bao con tim người Việt rung động, xuyến xao. Nơi tiền tiêu ấy có biết bao điều mới lạ, có bao điều giản dị hóa phi thường, những gương mặt rất đỗi thân thương, nhưng sao thấy như tượng đồng án ngữ. Nhưng nơi ấy không chỉ là sóng dữ, là kiêu hùng, là khí phách núi sông, mà còn đây những trái tim hồng, như “từ mẫu” nơi đầu sóng bạc.

Vượt vạn lý trùng dương trên con tàu được mệnh danh là “bệnh viện nổi” lớn nhất Đông Nam Á – tàu 561 Khánh Hòa – 01 vào mùa biển động, những thi vị, mộng mơ của một thanh niên xứ núi đã chẳng còn gì. Thay vào đó là đận say sóng kéo dài như bất tận. Thế nhưng, khi đã cập âu tàu đảo Trường Sa, bao mệt nhọc, nôn nao dường như là một câu chuyện ở nơi nào đó. Trước hàng quân đang nghiêm trang trong gió biển ầm ào, cảm xúc của cánh phóng viên chúng tôi lại dâng trào bao nỗi niềm vừa tự hào vừa thán phục.

Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa (huyện Trường Sa – tỉnh Khánh Hòa) nằm ngay cạnh cổng vào của thị trấn đảo. Một công trình kiên cố, được các tán cây che trở càng thêm thơ mộng như thể đang dang tay đón những phóng viên đến với miền sóng bạc này. Cứ ngỡ ở nơi khó khăn, gian khổ này, Trung tâm Y tế sẽ đơn sơ, nghèo nàn và đìu hiu, quạnh quẽ. Nhưng, khi chúng tôi đến, sự chuyên nghiệp, quy củ, ngăn nắp, tận tâm và hiện đại của bệnh xá này khiến chúng tôi không khỏi bất ngờ và thán phục. Cách đất liền hàng nghìn cây số, Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa đóng vai trò quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe quân, dân trên đảo và những người lính khoác Blouse trắng ấy đã và đang trở thành điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển, là chỗ dựa vững chãi cho những đồng đội đang hàng ngày, hàng giờ giữ vững chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Chúng tôi đến Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa, đúng lúc bác sỹ Lã Văn Tuấn đang điều trị cho ngư dân Lê Quốc Trầm, huyện Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi). Anh bị tai nạn khi đang đánh bắt hải sản thuộc vùng biển Trường Sa và được bộ đội cấp cứu kịp thời, anh Trầm đã qua cơn nguy kịch, yên tâm điều trị tại thị trấn Trường Sa đến khi bình phục.  Bác sỹ Lã Văn Tuấn chia sẻ: Sau đại dịch, ngư dân ra khơi nhiều hơn các năm trước, nên số ca mắc bệnh hoặc bị tai nạn trên biển cũng tăng lên. Năm 2022, trung tâm tổ chức khám và cấp thuốc cho 2.045 người với 1.405 ngư dân.

benh xa truong sa

Bác sỹ Lã Văn Tuấn chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh xá Trường Sa.

Vừa tất bật với nhiệm vụ chuyên môn, lại ngược xuôi với công việc bàn giao nhiệm vụ, Đại úy, bác sỹ chuyên khoa I Nguyễn Quang Huy - Bệnh xá trưởng (Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa), chỉ kịp kể cho chúng tôi nghe về vài ca cấp cứu ngư dân qua cơn bạo bệnh mà đích thân anh thực hiện trong năm 2022. Đó là trường hợp của bệnh nhân Nguyễn Hùng (SN 1973, tỉnh Khánh Hòa) được các ngư dân đưa đến bệnh xá ngày 22/2/2022, trong tình trạng chỉ số bạch tạng tăng, khó thở, tràn khí màng phổi, chỉ số oxy trong máu còn khoảng 30, trong tình trạng nguy kịch. Qua các thao tác cấp cứu, bệnh nhân dần tỉnh táo nhưng các chỉ số sinh tồn rất thấp, ngay lập tức bác sỹ Huy gây mê cho bệnh nhân, đồng thời đề nghị đất liền đưa máy bay ra đón về. Và, nhờ các thao tác kịp thời, đến ngày 25/5/2022 (sau hơn 3 tháng) bệnh nhân Hoàng đã được chữa trị hồi phục hoàn toàn và ra viện.

Hay như trường hợp của ngư dân Kiều Văn Trọng (SN 1983, ở Phú Quý – Bình Thuận), đến bệnh xá trong tình trạng thể trạng rất yếu, người tím tái, liệt tứ chi, chẩn đoán giảm áp do lặn sâu, tiên lượng xấu. Nhưng cũng nhờ các biện pháp nghiệp vụ tinh thông, bác sỹ Huy cùng đồng sự đã nhanh chóng hồi phục, không cần đến máy bay cấp cứu, và có thể tiếp tục điều khiển tàu ra khơi. Không chỉ hai trường hợp trên, trong năm 2022, Bệnh xá đã cấp cứu cho 33 ca, có ca vỡ gan, có ca dập nát tay do máy nghiền đá… nhưng khi đến với Bệnh xá, mọi vấn đề đã được giải quyết, nụ cười lại được thắp lên môi những người ngư dân hồn hậu.

Kể đến đây, tôi thấy gương mặt người lính trẻ này ngời lên nét tự hào như thể một quân nhân vừa thắng trận. Mà quả thật anh đúng là người chiến thắng, nhưng kẻ thù của anh thật đặc biệt, đó là tử thần. Những trường hợp anh mới nhắc tới, dù ở đất liền đôi khi còn lắm cam go, vậy mà nơi đầu sóng bạc này, với tài, với trí, với tâm của những bác sỹ nơi đây các anh đã đẩy lùi lưỡi hái thần chết, đem lại hạnh phúc vô bờ cho ngư dân.

Đảo còn nhỏ, nên khi thấy chúng tôi đến thăm Bệnh xá, chị Võ Thị Sông, người dân thị trấn Trường Sa xởi lởi: Về sức khỏe, ốm đau thì chúng tôi và các ngư dân lên bệnh xá này là không phải lo. Các anh có trình độ, tay nghề cao lại khám bệnh, cho thuốc rất tận tình nên ngư dân yên tâm bám biển, bà con yên tâm bám đảo. Còn các anh lính đảo thì hết sức tin tưởng vào tay nghề của các y, bác sỹ nơi đây.

Hiện, Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa có 30 giường bệnh với đầy đủ các phòng chức năng như: khám ngoại, khám nội, cấp cứu, phẫu thuật, hộ sinh, chụp Xquang, xét nghiệm... Để phục vụ cho những ngư dân vùng biển, ngoài các phòng chức năng như một bệnh viện trong đất liền, trung tâm còn có thêm phòng điều áp nhằm điều tiết áp lực vốn rất cần thiết cho việc chữa trị các thợ lặn dưới đáy biển sâu. Từ năm 2018 đến nay, trung tâm đã khám cho gần 10.000 lượt cán bộ, chiến sỹ, ngư dân; thu dung, cấp cứu 1.542 trường hợp; phẫu thuật cho 98 ca; vận chuyển kịp thời 63 trường hợp vào đất liền điều trị, bảo đảm an toàn cho người. Với những thành tích đạt được, năm 2022, Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa đã vinh dự đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba.

Với tay nghề, trình độ cao, bằng sự nhiệt tình, trách nhiệm, những lương y ở đảo Trường Sa đã trở thành chỗ dựa vững chắc về mặt sức khỏe cho quân và dân trên đảo. Không chỉ vậy, Bệnh xá còn giúp những ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo quốc gia.

Khánh Kiên

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Dốc sức hoàn thành dự án nâng cấp đường tỉnh 133
Dự án nâng cấp đường tỉnh 133 đoạn Km0-km21 (dự án) được đầu tư trên địa bàn 3 xã: Thân Thuộc - Nậm Cần - Nậm Sỏ (huyện Tân Uyên) trong 3 năm (2021-2024) với tổng chiều dài toàn tuyến là 20km....
Điển hình trong phong trào thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp
Ở bản Huổi Só (xã Nậm Chà, huyện Nậm Nhùn), anh Mùa A Lùng (sinh năm 1999) được biết tới là người không ngừng vượt khó, vươn lên phát triển kinh tế. Anh là điển hình trong phong trào thanh niên...