Chuyển đổi số | Khoa học đời sống | KỶ NIỆM 115 NĂM THÀNH LẬP TỈNH, 75 THÀNH LẬP ĐẢNG BỘ TỈNH, 20 NĂM CHIA TÁCH, THÀNH LẬP TỈNH LAI CHÂU | Kinh tế
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)
Bứt phá thăng hạng
Vượt mục tiêu đề ra
Năm 2023, VCCI tiếp tục thực hiện khảo sát và đánh giá NLCT cấp tỉnh dựa trên 10 chỉ số thành phần (CSTP): gia nhập thị trường; tiếp cận đất đai; tính minh bạch; chi phí thời gian; chi phí không chính thức; cạnh tranh bình đẳng; tính năng động; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (DN); đào tạo lao động; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự (ANTT) với 142 chỉ tiêu cụ thể.
Đồng chí Nguyễn Đình Hùng - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết: Năm 2023, PCI của Lai Châu đạt 66,48 điểm, xếp thứ 35/63 tỉnh/thành, tăng 22 bậc so với năm 2022; vượt mục tiêu đề ra của UBND tỉnh về cải thiện MTĐTKD, nâng cao NLCT cấp tỉnh năm 2023 (mục tiêu tỉnh đặt ra đạt 63,09 điểm, xếp hạng từ 50 - 55/63 tỉnh, thành phố).
So với năm 2022, trong 10 CSTP được đánh giá, có 7 CSTP tăng điểm, tăng hạng gồm: gia nhập thị trường; chi phí thời gian; chi phí không chính thức; cạnh tranh bình đẳng; tính năng động; dịch vụ hỗ trợ DN; thiết chế pháp lý và ANTT. Xét về tổng thể, tỉnh Lai Châu tăng cả về điểm và xếp hạng, tuy nhiên, xét về từng CSTP, Lai Châu vẫn có 3 CSTP giảm thứ hạng (tiếp cận đất đai; tính minh bạch; đào tạo lao động).
Để đạt được kết quả trên là do sự chỉ đạo quyết liệt và sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị trong triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được giao về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện MTĐTKD, nâng cao NLCT cấp tỉnh. Từ đó, tạo ra sự chuyển biến tích cực trên thực tế, được cộng đồng DN ghi nhận, đánh giá cao.
Phần lớn tổ chức, công dân hài lòng khi giao dịch tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.
MTĐTKD của tỉnh được cải thiện rõ nét. Nhận thức của các cấp, ngành, cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan hành chính Nhà nước về việc cải thiện MTĐTKD, nâng cao NLCT cấp tỉnh được nâng lên. Nhiều thủ tục hành chính được cắt giảm.
DN được đối xử bình đẳng hơn khi tiếp cận các cơ hội kinh doanh, nguồn lực cần thiết cho quá trình sản xuất, kinh doanh. Chi phí không chính thức tiếp tục chiều hướng giảm. Các hoạt động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phát huy hiệu quả và lòng tin của cộng đồng DN đối với chính quyền tỉnh được củng cố. Thủ tục gia nhập thị trường thuận lợi, công khai, minh bạch hơn. Tinh thần năng động tiên phong của chính quyền tỉnh được đánh giá cao hơn. Công tác hỗ trợ DN chuyển biến tích cực. Những nỗ lực đẩy mạnh chuyển đổi số mang lại kết quả đáng ghi nhận. Việc nắm bắt và xử lý bất cập, vướng mắc nhằm tháo gỡ, hỗ trợ DN thực hiện hiệu quả hơn.
Nhiều chỉ số thành phần tăng bậc
Năm 2023, trong 10 CSTP, Lai Châu có tới 7 CSTP tăng điểm, tăng hạng. Nổi bật là CSTP cạnh tranh bình đẳng, đạt 6,70 điểm, xếp thứ 4/63 tỉnh, thành phố, tăng 1,04 điểm và cải thiện tới 40 bậc so với năm 2022. Đây là chỉ số được cải thiện mạnh mẽ với mức tăng điểm, tăng thứ hạng vượt bậc. CSTP này gồm 11 chỉ tiêu. Theo đó, có 9 chỉ tiêu DN nhận định về việc tỉnh đối xử mang tính chất “ưu ái”, “đặc quyền” hơn cho các DN lớn đã được cải thiện và các chỉ tiêu này đều tăng hạng so với năm 2022. Đặc biệt, các chỉ tiêu về mức độ thuận lợi trong tiếp cận thông tin, chính sách thu hút, tiếp cận các nguồn lực kinh tế… đã trở lên bình đẳng hơn.
Cùng với CSTP cạnh tranh bình đẳng, CSTP chi phí không chính thức cũng tăng bậc khá cao với 7,24 điểm, xếp 22/63 tỉnh, thành phố (tăng 0,62 điểm, tăng 30 bậc so với năm 2022, vượt mục tiêu đề ra). CSTP này gồm 16 chỉ tiêu cụ thể, phản ánh việc DN phải chi trả các khoản chi phí không chính thức trong quá trình hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại tỉnh trong năm 2023. Với sự tăng điểm và tăng cao về thứ bậc, phản ánh mức độ cải thiện chỉ số này của tỉnh tương đối hiệu quả. Hầu hết các chỉ tiêu về việc DN gặp phải sự nhũng nhiễu khi giải quyết các thủ tục, tỷ lệ DN phải chi trả các khoản phí không chính thức trực tiếp cho cán bộ các lĩnh vực như: thanh kiểm tra, môi trường, thị trường, thuế, đăng ký kinh doanh đều giảm so với năm 2022. Nhất là, chỉ tiêu tỷ lệ DN trả chi phí không chính thức cho cán bộ quản lý thị trường giảm tới 54% (giảm từ 71% năm 2022 xuống còn 17% năm 2023). Kết quả này cũng cho thấy các hoạt động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại tỉnh tiếp tục được ghi nhận và được DN đánh giá cao.
Về CSTP gia nhập thị trường, tỉnh Lai Châu xếp thứ 7/63 tỉnh, thành phố, tăng 19 bậc. Đáng chú ý, trong CSTP này Lai Châu có 2 chỉ tiêu tiếp tục dẫn đầu cả nước là thời gian đăng ký DN và thủ tục tại bộ phận “một cửa” được niêm yết công khai. Đặc biệt, những chỉ tiêu về tỷ lệ DN sử dụng dịch vụ công trực tuyến để thực hiện các thủ tục về đăng ký kinh doanh, bảo hiểm xã hội, khai trình việc sử dụng lao động… được cải thiện đáng kể.
Là đơn vị chủ trì theo dõi nhiều CSTP, trong đó có 2 CSTP (gia nhập thị trường, cạnh tranh bình đẳng) thực hiện vượt mục tiêu đề ra, Sở KH&ĐT thời gian qua đã có nhiều tham mưu, giải pháp hữu hiệu để cải thiện các chỉ số. Đồng chí Nguyễn Đình Hùng - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết thêm: Kết quả chỉ số PCI đã phản ánh những chuyển biến trong MTĐTKD tại tỉnh theo cảm nhận của DN. Đồng thời, cung cấp công cụ hữu ích cho chính quyền tỉnh hoạch định chính sách phù hợp, linh hoạt, cần thiết để kịp thời phản ánh những chuyển động trong nền kinh tế và các nỗ lực cải cách của tỉnh. Tuy tăng cả về điểm số và thứ bậc xếp hạng so với năm 2022, song tốc độ cải thiện một số CSTP của tỉnh còn chậm so với các tỉnh. Nhiều DN tỉnh ta vẫn còn khó khăn do đã bị ảnh hưởng dịch Covid-19, ít việc, việc tiếp cận vốn vay ngân hàng, chính sách pháp luật (Luật Đất đai 2013, Luật Lâm nghiệp...) còn nhiều bất cập. Để cải thiện PCI năm 2024 đòi hỏi tỉnh, các cấp, ngành cần tiếp tục quyết liệt chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp; khắc phục triệt để các chỉ tiêu, chỉ số bị giảm sút hoặc chậm cải thiện. Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi sách nhiễu, gây phiền hà khi giải quyết công việc liên quan đến người dân, DN…
Thảo Chi
Bình luận