Thứ năm, 28/11/2024, 12:28 [GMT+7]

Chuyển đổi số trong giảng dạy các môn lý luận chính trị ở các cơ sở giáo dục của tỉnh hiện nay

Thứ hai, 11/11/2024 - 14:25'
Chuyển đổi số là xu thế trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội nói chung và phương pháp dạy học ở các nhà trường nói riêng. Hoạt động học tập các môn lý luận chính trị đã chuyển đổi bằng nhiều hình thức, phương pháp giảng dạy. Sự thay đổi này bước đầu đã cho thấy những triển vọng của chuyển đổi số trong giảng dạy các môn lý luận chính trị, song về lâu dài còn rất nhiều vấn đề cần thực hiện một cách khoa học, đồng bộ. Sau đây tôi xin phân tích tập trung phân tích sự cần thiết và đề xuất một số biện pháp nâng cao chất lượng chuyển đổi số trong giảng dạy các môn lý luận chính trị ở các cơ sở giáo dục của tỉnh ta hiện nay.

Sự cần thiết phải chuyển đổi số trong giảng dạy các môn lý luận chính trị ở các cơ sở giáo dục

Trong nội dung, chương trình đào tạo của các cơ sở giáo dục được thực hiện theo Kết luận số 94-KL/TW ngày 28/3/2014 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Các môn lý luận chính trị có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần xây dựng thế giới quan, phương pháp luận khoa học và niềm tin cộng sản chủ nghĩa, xây dựng bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng, đạo đức, lối sống, nhân cách cho học sinh, học viên, học viên.  Đồng thời, trang bị kiến thức giúp học viên có cơ sở để đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng - lý luận, góp phần bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng. Tuy nhiên, các môn lý luận chính trị thường được xem là những môn khô khan, không hấp dẫn như những môn học khác, không kích thích được người học. Nguyên nhân của vấn đề này có thể xuất phát từ phía giảng viên và cả từ học viên. Do đó, để nâng cao chất lượng giảng dạy các môn lý luận chính trị ở các cơ sở giáo dục cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số là biện pháp quan trọng, có ý nghĩa cấp thiết hiện nay.

Trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo nói chung, giảng dạy ở các cơ sở giáo dục nói riêng, chuyển đổi số không chỉ là số hóa bài giảng hay ứng dụng các phần mềm vào soạn bài dạy mà còn là sự chuyển đổi toàn bộ cách thức, phương pháp giảng dạy, kỹ thuật quản lý lớp học, tương tác với người học sang không gian số, khai thác công nghệ thông tin để tổ chức giảng dạy thành công. Giúp thay đổi phương pháp giảng dạy, học tập từ truyền thống sang phương pháp giảng dạy tích cực, giúp người dạy và người học phát huy được tính chủ động, khả năng tư duy, sáng tạo với chất lượng và hiệu quả cao.

Việc đưa chuyển đổi số vào hoạt động dạy và học đã dần thay đổi mô hình lớp học tập trung đã dần chuyển sang các mô hình dạy học trực tuyến, sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông để hỗ trợ các hoạt động giảng dạy, học tập và cơ sở quyết định sự thành công của giáo dục trong bối cảnh hiện nay. Mặt khác, chuyển đổi số là việc nhà trường chuyển đổi số, đổi mới mô hình, phương pháp, hình thức tổ chức các hoạt động quản lý, giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học nhằm đáp ứng nhu cầu giảng dạy, học tập của giảng viên và học viên, giúp người dạy và người học phát huy tối đa khả năng tư duy, tính sáng tạo, chủ động, tích cực trong hoạt động dạy và học. Khi thực hiện chuyển đổi số, toàn bộ các hoạt động giáo dục và đào tạo được tổ chức, thực hiện và quản lý sẽ thay đổi.

Hiện nay, phân tích dữ liệu lớn, điện toán đám mây, mạng xã hội, di động… đang hình thành nên hạ tầng giáo dục số. Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã nhấn mạnh việc đổi mới cách dạy và học trên cơ sở áp dụng công nghệ số; khuyến khích các mô hình giáo dục, đào tạo mới dựa trên các nền tảng số. Tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 25/2/2022 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Lai Châu về chương trình chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó lĩnh vực giáo dục và đào tạo là lĩnh vực được ưu tiên Chuyển đổi số, cụ thể như: tập trung phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập; số hóa tài liệu, giáo trình; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. Phát triển công nghệ phục vụ giáo dục, hướng tới đào tạo cá thể hóa…

Để thực hiện tốt mục tiêu này, các học viện, cơ sở giáo dục đang từng bước chuyển đổi số trong giáo dục - đào tạo nói chung và trong giảng dạy các môn lý luận chính trị nói riêng. Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại phục vụ cho dạy và học các môn lý luận chính trị luôn được chú trọng. Đồng thời, các cơ sở giáo dục thường xuyên đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức dạy và học các môn lý luận chính trị với nhiều hoạt động hướng tới việc bồi dưỡng và nâng cao năng lực công nghệ thông tin, trình độ ngoại ngữ của cán bộ, giảng viên và học viên nhằm đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.

Các cơ sở giáo dục đã tập trung chuyển đổi số vào trong dạy, học, kiểm tra, đánh giá gồm số hóa các học liệu (sách giáo khoa điện tử, bài giảng điện tử, kho bài giảng E-learning, ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm), thư viện số, phòng thí nghiệm ảo, triển khai hệ thống đào tạo trực tuyến. Đội ngũ giảng viên đã chú trọng số hóa bài giảng, ứng dụng các phần mềm vào xây dựng bài giảng các môn lý luận chính trị, đổi mới cách thức, phương pháp giảng dạy, kỹ thuật quản lý lớp học, tương tác với người học sang không gian số, khai thác công nghệ thông tin để tổ chức giảng dạy các môn lý luận chính trị. Bên cạnh đó, toàn bộ dữ liệu về quá trình học tập của người học cũng được theo dõi và lưu trữ bằng công nghệ chứ không phải thông qua hệ thống hồ sơ sổ sách thông thường.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả chuyển biến tích cực, quá trình chuyển đổi hoá trong giáo dục và đào tạo nói chung, trong giảng dạy các môn lý luận chính trị nói riêng trong các cơ sở giáo dục vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, bất cập: hình thức giảng dạy, ứng dụng công nghệ thông tin, thiết kế, khai thác các phần mềm vào dạy học và kiểm tra đánh giá các môn lý luận chính trị ở các cơ sở giáo dục hiện nay về cơ bản tương đối mới mẻ. Từ khảo sát của Đề án “Đổi mới giảng dạy, học tập các môn lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân” do Ban Tuyên giáo Trung ương tiến hành năm 2014, trong hệ thống giáo dục quốc dân ở Việt Nam gần như chưa triển khai thực hiện (kể cả thí điểm) hình thức đào tạo lý luận chính trị trực tuyến.

Từ cuối năm 2019, khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, việc giảng dạy, học tập của tất cả các cơ sở giáo dục - đào tạo bị gián đoạn. Trong bối cảnh đó, nhiều cơ sở đào tạo các môn lý luận chính trị đã chuyển đổi sang hình thức dạy và học trực tuyến thay cho hình thức giảng dạy truyền thống. Có thể thấy rằng việc triển khai chuyển đổi số trong giảng dạy các môn lý luận chính trị ở các cơ sở giáo dục hiện nay còn chưa đồng bộ. Điều này là do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan với những khó khăn, rào cản chính, như: cơ sở hạ tầng, yếu tố con người.

Một số biện pháp nâng cao chất lượng chuyển đổi số trong giảng dạy các môn lý luận chính trị ở các cơ sở giáo dục hiện nay

Thứ nhất, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số trong giảng dạy các môn lý luận chính trị ở các cơ sở giáo dục. Trong đó, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước để hoàn thiện những quy định, chế tài về thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục - đào tạo sự đồng bộ của các cấp, ngành trong quản lý chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục. Đồng thời, cần thực hiện nâng cao nhận thức, phổ biến hiệu quả cho từng cán bộ, giảng viên, nhân viên về vai trò, sự cần thiết, cấp bách và tầm quan trọng của chuyển đổi số trong giảng dạy các môn lý luận chính trị, cùng nhau xây dựng văn hóa số trong giáo dục, đào tạo tại các cơ sở giáo dục.

Thứ hai, đào tạo, bồi dưỡng về chuyển đổi số, bảo đảm tất cả cán bộ quản lý, giảng viên được trang bị những kỹ năng, phát triển năng lực tin học, ngoại ngữ có khả năng sử dụng các phần mềm ứng dụng trong các hoạt động nghiệp vụ theo tiêu chuẩn của từng chức danh, theo phương châm “mỗi giảng viên, nhân viên là một kỹ thuật viên IT”, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Theo đó, mỗi giảng viên không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ và cần sử dụng tốt các phương tiện, thiết bị điện tử, máy tính, liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin cho việc giảng dạy. Triệt để thay đổi phương pháp giảng dạy từ truyền thụ kiến thức một chiều, bị động sang áp dụng phương pháp giảng dạy hiện đại, lấy người học làm trung tâm nhằm phát huy tính tự học, tự nghiên cứu của học viên, chuyển từ trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học.

Thứ ba, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị, công nghệ; chương trình, giáo trình, tài liệu, học liệu và mạng internet phục vụ đào tạo. Cụ thể, xây dựng và phát triển hạ tầng công nghệ thông tin theo hướng đồng bộ, tập trung, thống nhất, kết nối mạng internet, thiết bị công nghệ thông tin bảo đảm phục vụ tốt cho giảng dạy các môn lý luận chính trị ở các cơ sở giáo dục. Không chỉ là các thiết bị phần cứng như hệ thống máy móc, đường truyền internet mà còn là các ứng dụng phần mềm, các nền tảng để toàn bộ mọi hoạt động giáo dục có thể diễn ra một cách thuận lợi trên các nền tảng và ứng dụng đó.

Thứ tư, thúc đẩy phát triển học liệu số phục vụ giảng dạy các môn lý luận chính trị, kiểm tra, đánh giá, tham khảo; hình thành kho học liệu số, học liệu mở chia sẻ dùng chung đáp ứng nhu cầu tự học tập suốt đời. Thực hiện chuyển đổi số phải đồng bộ với triển khai đổi mới quy trình, nội dung và chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy, phương pháp kiểm tra đánh giá. hình thành kho học liệu số, học liệu mở dùng chung toàn ngành, liên kết với quốc tế, đáp ứng nhu cầu tự học, học tập suốt đời, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền; tiếp tục đổi mới cách dạy và học trên cơ sở áp dụng công nghệ số, khuyến khích và hỗ trợ áp dụng các mô hình giáo dục - đào tạo mới dựa trên các nền tảng số. Triển khai mạng xã hội giáo dục có sự kiểm soát và định hướng thống nhất, tạo môi trường số kết nối, chia sẻ giữa cơ quan quản lý giáo dục, nhà trường, gia đình, giảng viên, học viên; phát triển các khóa học trực tuyến mở; triển khai hệ thống học tập trực tuyến dùng chung toàn ngành phục vụ công tác bồi dưỡng giảng viên về tài liệu, số liệu trong nghiên cứu, giảng dạy ở các cơ sở giáo dục.

Chuyển đổi số trong giảng dạy các môn lý luận chính trị ở các cơ sở giáo dục sẽ là xu thế dạy học mới hiện nay. Việc kết hợp linh hoạt giữa hình thức dạy học trực tuyến và hình thức dạy học truyền thống có sự hỗ trợ của công nghệ thông tin giúp người học làm chủ kiến thức nhờ vào việc khai thác được những ưu thế của cả hai hình thức học tập với ứng dụng của công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Cùng với sự phát triển của công nghệ và xu thế hội nhập với nền giáo dục của cả nước và thế giới, với khả năng linh hoạt, tương tác, tự học, chuyển đổi số góp phần đổi mới phương pháp dạy học, cải tiến và nâng cao tính tích cực về chất lượng đào tạo toàn diện. Tuy nhiên, việc khai thác và ứng dụng chuyển đổi số trong dạy học tùy thuộc rất nhiều vào yếu tố con người và cơ sở vật chất của cơ sở đào tạo. Do đó, hiểu đúng về chuyển đổi số, nghiên cứu, xây dựng lộ trình thực hiện chuyển đổi số hợp lý và áp dụng rộng rãi để có thể đưa ra kết luận mang tính khoa học về sự phù hợp của chuyển đổi số đối với chương trình trong giảng dạy các môn lý luận chính trị ở tỉnh ta hiện nay.

T.B

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Trưởng bản gương mẫu làm kinh tế
Ở bản Bút Trên (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên), dân bản luôn dành sự ngưỡng mộ đối với trưởng bản Cầm Văn Nhờ bởi cách làm kinh tế của gia đình anh. Tận dụng vốn liếng của cha mẹ để lại, gia đình...