Hướng tới tương lai số
Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh vừa ban hành kế hoạch số về hoạt động chuyển đổi số của tỉnh Lai Châu năm 2024 với nhiều mục tiêu khá kỳ vọng.
Trong lĩnh vực thể chế số, tỉnh ta đang từng bước hiện đại hóa chính quyền nhờ số hóa. Chính sách và cơ chế mới đang được hoàn thiện để thúc đẩy xây dựng Chính quyền điện tử, một bước quan trọng trong chuyển đổi số của tỉnh Lai Châu. Mục tiêu là tạo ra một hệ thống chính quyền hiệu quả và minh bạch hơn, giúp tăng cường quản lý và phục vụ người dân. Được biết, tỉnh ta đã đặt ra mục tiêu kết nối 100% cơ quan hành chính nhà nước vào mạng truyền số liệu chuyên dùng, 100% văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước được thực hiện theo hình thức thư điện tử. Từ đó, cung cấp nền tảng vững chắc cho việc triển khai dịch vụ công trực tuyến và xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng.
Nền tảng cho quá trình chuyển đổi số là dữ liệu số. Tỉnh Lai Châu đặc biệt chú trọng vào việc hoàn thiện Trung tâm Giám sát thông minh và Trung tâm Lưu trữ điện tử, cung cấp cơ sở dữ liệu chính xác và đầy đủ nhất. Các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu được xây dựng và triển khai, đảm bảo phục vụ cho mọi lĩnh vực trên địa bàn tỉnh. Tỉnh cũng phấn đấu 50% các hệ thống thông tin của tỉnh có liên quan đến người dân, doanh nghiệp đã đưa vào vận hành khai thác được kết nối, liên thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu, giúp thúc đẩy sự phát triển toàn diện của các ngành, lĩnh vực trên địa bàn.
Một trong mục tiêu khá tham vọng của tỉnh là dùng sức mạnh của công nghệ số thúc đẩy nền kinh tế và đặc biệt là kinh tế số. Với mục tiêu chiếm từ 9% GRDP của tỉnh, Lai Châu đang triển khai kế hoạch thúc đẩy chuyển đổi số trong kinh tế. Thanh toán điện tử và quảng bá sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử được đẩy mạnh để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và tăng cường giao thương. Hiện đã có 80% dịch vụ công đủ điều kiện theo quy định được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình và được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động.
Người dân thực hiện các thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia qua điện thoại tại Bộ phận “một cửa” huyện Phong Thổ.
Đối với mục tiêu phát triển xã hội số, tỉnh đang chỉ đạo tăng cường sử dụng internet và thanh toán điện tử trong cộng đồng. Để đạt được điều đó, trong năm 2024, tỉnh phấn đấu có 50% số hộ gia đình có đường truyền internet băng rộng cáp quang và 50% dân số có tài khoản thanh toán điện tử. Muốn mục tiêu này thành hiện thực, các tổ công nghệ số cộng đồng cần là nòng cốt, hạt nhân và là chỗ dựa cho các hộ dân. Tổ công nghệ số cộng đồng thôn, bản, tổ dân phố được khuyến khích để hướng dẫn người dân sử dụng công nghệ số, mở ra cơ hội tiếp cận thông tin và dịch vụ công.
Công an xã Mồ Sì San, huyện Phong Thổ ứng dụng công nghệ thông tin và các phần mềm của ngành giải quyết thủ tục hành chính cho người dân được nhanh gọn.
Đời sống số, xã hội số, nền tảng số… tất cả đều cần một môi trường an toàn, thượng tôn pháp luật. Năm nay, tỉnh ta đề ra chỉ tiêu 70% các trang, cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước được đánh giá an toàn thông tin. Việc đánh giá và đảm bảo an toàn thông tin cho các trang web và cổng thông tin của cơ quan nhà nước là yếu tố không thể thiếu trong quá trình chuyển đổi số. Mục tiêu là xây dựng một môi trường truy cập an toàn và tin cậy, giúp bảo vệ tài nguyên quan trọng và thông tin cá nhân của người dùng.
Là một trong những đơn vị đi đầu trong chuyển đổi số, ông Trần Kim Long – Giám đốc Công ty Điện lực Lai Châu cho biết: Để tích cực hội nhập và phát triển, trong những năm qua, Công ty Điện lực Lai Châu không ngừng đẩy mạnh đổi mới, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, áp dụng vào sản xuất kinh doanh. Từ thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, công tác “Chuyển đổi số” được công ty quan tâm, trú trọng trong mọi lĩnh vực, với mục tiêu trở thành “Doanh nghiệp số” vào năm 2025. Hiện tại công ty đang cung cấp dịch vụ điện cấp độ 4 với 12 dịch vụ trên Cổng dịch vụ công của tỉnh và được kết nối liên thông trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Đồng thời, tiếp nhận, giải quyết yêu cầu của khách hàng qua Website, App, số điện thoại tổng đài chăm sóc khách hàng. Đặc biệt, Công ty Điện lực Lai Châu là đơn vị dẫn đầu hoàn thành lắp đặt công tơ điện tử đo xa cho 100% khách hàng vào tháng 7/2023. Đưa vào vận hành Trung tâm Điều khiển, 100% các trạm biến áp 110kV điều khiển xa, không người trực; hoàn thành lắp đặt, kết nối, điều khiển từ xa toàn bộ các máy cắt Recloser, cầu dao phụ tải LBS trên lưới điện. Đưa vào vận hành hệ thống lưới điện thông minh DMS với 7 mạch vòng. Triển khai áp dụng tủ hạ thế thông minh cho khu vực thành phố Lai Châu nhằm theo dõi, giám sát, quản lý, điểu khiển từ xa; đồng thời triển khai ứng dụng và khai thác hiệu quả các thiết bị Flycam, Camera nhiệt, thiết bị đo PD… trong quản lý vận hành hệ thống điện.
Công nhân Trung tâm điều khiển xa (Công ty Điện lực Lai Châu) vận hành hệ thống.
Là tỉnh còn rất nhiều khó khăn, nhưng với cách tiếp cận rất nghiêm túc và quyết liệt, có thể thấy, Lai Châu đã biết tận dụng lợi thế của công nghệ số để biến những thách thức thành cơ hội. Có thể sẽ còn nhiều khó khăn, tuy nhiên, với quyết tâm của tỉnh và sự đồng lòng, nhất trí của đồng bào các dân tộc trong tỉnh, tin rằng cuộc cách mạng số sẽ là động lực mạnh mẽ giúp tỉnh ta ngày càng phát triển và thịnh vượng.
Xuân Thi
Bình luận