Cảnh báo ngộ độc sâu ban miêu
Bệnh nhân là ông Đỗ Văn Táu (65 tuổi) ở bản Sân Bay, xã Phúc Than (huyện Than Uyên). Theo lời kể của ông Đỗ Văn Phòng - em trai ông Táu, buổi sáng ngày 17/9, ông Táu đi xem nước ở khe suối, nhìn thấy con sâu này, nghĩ ăn được nên đã bắt về. Sau đó mang sâu đi xào để ăn bữa trưa. Nuốt được một con, thấy lạ nên ăn con thứ 2, nhưng sau thấy đắng rồi nhả ra không ăn nữa. Đến buổi chiều ông Táu đi chăn trâu cảm giác đau đầu, buồn nôn, tưởng bị cảm nên về nhà nằm. Vào khoảng 22 giờ đêm ngày 17/9, những cơn đau đầu càng nặng hơn, ông Táu tức ngực, buồn nôn, bụng cảm giác bị chướng, không tiêu hoá được nên anh em đưa vào Trung tâm Y tế huyện Than Uyên để điều trị. Sau khi làm các xét nghiệm máu, ông Táu được Trung tâm cho chuyển lên Bệnh viện Đa Khoa tỉnh vào rạng sáng ngày 18/9.
Ông Đỗ Văn Táu được các y, bác sĩ, điều dưỡng Khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tích cực chăm sóc tận tình.
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, ông Táu được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực và chống độc trong tình trạng tức ngực, khó thở, buồn nôn, toàn thân tê mỏi không thể đi được; nhịp tim tăng nhanh, huyếp áp giảm còn 90/60. Ngay sau khi tiếp nhận, các y, bác sĩ, điều dưỡng trong Khoa tích cực chăm sóc tận tình, thường xuyên thăm khám sức khoẻ bệnh nhân.
Với sự chăm sóc tận tình của đôi ngũ y, bác sĩ trong Khoa Hồi sức tích cực và chống độc, đến nay, sức khoẻ ông Táu dần ổn định. Ông không còn khó thở, tức ngực như trước; những cơn đau đầu giảm dần và có thể nói chuyện với người nhà, giao tiếp với bác sĩ.
Được biết, sâu ban miêu có tên khoa học là Cantharis vesicatoria, hay còn gọi là manh trùng, ban manh, ban mao. Đây là loài sâu có cánh cứng, màu xanh lục biếc, dài khoảng 15-20 mm, ngang 4-6 mm, đầu hình tim, có rãnh dọc ở giữa, râu đen hình sợi. Thân sâu có 11 đốt, giữa đầu và thân có một chỗ thắt lại. Trên hai cánh màu đen có các chấm màu vàng hoặc màu đỏ nhạt, cũng có loài thân màu vàng với các điểm hay các dải ngang màu đen.
Sâu ban miêu chứa độc tố cantharidin rất nguy hiểm gây hủy hoại các tổ chức, cơ quan trong cơ thể từ dạ dày, ruột đến cơ, gan, thận máu… Ngộ độc sâu ban miêu có tỉ lệ tử vong cao.
Ở Việt Nam, sâu ban miêu thường sống hoang ở nhiều vùng gồm cả đồi núi và đồng bằng. Tại Lai Châu, loại sâu này sinh sống phổ biến và thường gặp ở các ruộng đỗ, trên cánh đồng lúa, rừng; rất dễ bị nhầm lẫn với các loại sâu và bọ xít khác.
Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh, từ đầu năm đến nay, đơn vị tiếp nhận và điều trị cho 21 ca ngộ độc lá ngó, thuốc trừ sâu, thuốc trừ cỏ, thuốc diệt chuột, côn trùng… Đơn vị chủ động báo cáo với Sở Y tế, các cơ quan chức năng để phối hợp với các huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân không sử dụng các loại nấm rừng, côn trùng không rõ các độc tố làm thực phẩm.
Sâu hay bọ xít đều có nhiều loài khác nhau với những hình dáng, kích thức, màu sắc đẹp mắt. Tuy nhiên, trong đó có nhiều loại chứa độc tố nguy hiểm ảnh hưởng đến tính mạng con người. Có những loại nguy cơ rất cao mang các mầm bệnh và lây bệnh cho người (vi khuẩn, virus hay các ký sinh trùng).
Vì vậy, để phòng tránh ngộ độc, giải pháp hiệu quả nhất đó người dân tuyệt đối không được sử dụng bọ xít và sâu làm thực phẩm hoặc cho vào vị thuốc dù chế biến bằng bất kỳ cách nào. Như chất độc Cantharidin có trong sâu ban miêu không phân hủy ở nhiệt độ cao. Ngoài ra, mọi người cũng nên cẩn trọng không nên tiếp xúc với sâu ban miêu bởi rất dễ gây bỏng rát, đỏ rộp da.
Theo khuyến cáo của các Bác sĩ, khi nghi ngờ bị ngộ độc hay tiếp xúc với sâu ban miêu, người dân hãy nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời, loại bỏ độc tố ra khỏi cơ thể, hạn chế nguy cơ tử vong có thể xảy ra.
Đinh Đông - Ngọc Duy
Bình luận