Tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc nấm rừng trong mùa mưa
Đầu tháng 6 vừa qua, trên địa bàn xã Bum Tở, huyện Mường Tè xảy ra vụ ngộ độc nghi do nấm khiến hai em nhỏ bị thiệt mạng và năm người phải cấp cứu. Được biết, trước đó, khoảng 18 giờ ngày 3/6/2024, Sở Y tế nhận được báo cáo nhanh của Trung tâm Y tế huyện Mường Tè về vụ nghi ngộ độc thực phẩm do ăn nấm rừng, xảy ra tại lán nương của người dân ở bản Phìn Khò, xã Bum Tở. Theo lời kể của bà Ly Phì Xó - bản Phìn Khò, chiều tối ngày 31/5/2024, các cháu của bà đi hái nấm trên nương mang về cho bà chế món ăn. Đến khoảng 19 giờ cùng ngày, 7 bà cháu ăn cơm, thức ăn gồm canh rau bí nấu lẫn nấm. Sau vài giờ dùng bữa, hai cháu Phùng L. D. (9 tuổi) và Phùng M. D. (11 tuổi) kêu đau đầu, chóng mặt, đau bụng nhiều, buồn nôn và nôn ra thức ăn.
Bà và các cháu còn lại đều có dấu hiệu đau bụng ít và buồn nôn. Đến khoảng 0 giờ ngày 1/6/2024, cháu Phùng L. D. (9 tuổi) nôn ra thức ăn lẫn ít máu rồi tử vong tại lán nương và khoảng 9 giờ ngày 3/6/2024, cháu Phùng M. D. (11 tuổi) cũng có biểu hiện như trên rồi tử vong tại lán nương. Khi hai cháu tử vong, bà Ly Phì Xó không báo chính quyền địa phương mà tự tay chôn cất tại nương. Đến trưa ngày 3/6/2024, Công an xã Bum Tở nhận được thông tin đã tổ chức đưa 4 cháu bé còn lại cùng bà Ly Phì Xó xuống Trung tâm Y tế huyện Mường Tè khám, cấp cứu và được chẩn đoán nghi ngộ độc thực phẩm do ăn phải nấm độc. Với sự hỗ trợ kịp thời của các y, bác sỹ, sức khỏe của 5 bà cháu đã ổn định.
Hiện đang vào mùa mưa, nấm phát triển mạnh, ngoài hái nấm về sử dụng, bà con còn đem bán ở các chợ, để tránh rủi ro, người dân chỉ nên ăn những loại nấm được nuôi trồng, tuyệt đối không được ăn nấm lạ.
Đồng chí Vũ Hữu Tiến – Phó Phụ trách Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết, nhằm ngăn chặn nguy cơ ngộ độc thực phẩm nói chung, ngộ độc nấm nói riêng, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã tham mưu cho Sở Y tế ban hành nhiều công văn chỉ đạo Y tế địa phương tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số cách nhận biết các loại nấm độc. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị chức năng và hệ thống y tế cơ sở phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống thông tin của huyện, xã và tuyên truyền trực tiếp tại các thôn, bản. Khuyến cáo người dân tuyệt đối không sử dụng các loại nấm rừng để chế biến thức ăn nếu không biết chắc chắn là nấm có thể ăn được. Ngoài ra đơn vị cũng đăng tải một số khuyến cáo để phòng ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên thường gặp và cung cấp video phòng ngừa ngộ độc do ăn phải nấm độc trên trang Thông tin điện tử Sở Y tế Lai Châu.
Tuy nhiên, nấm là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, chế biến được nhiều món ăn; vào mùa mưa các loại nấm phát triển, đồng bào các dân tộc vùng cao trong tỉnh thường lên rừng hái nấm về sử dụng trong bữa ăn hàng ngày; đây cũng là thời điểm thường xảy ra các vụ ngộ độc nấm do sử dụng phải các chủng loại nấm độc gây ra. Theo số liệu thống kê không đầy đủ, trong 3 năm (từ năm 2022 đến 15/6/2024) trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 5 vụ ngộ độc thực phẩm thì có đến 4 vụ do nấm hoặc nghi do nấm với tổng số 39 người ăn, 32 người mắc, 28 người đi viện, 2 trường hợp tử vong. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngộ độc nấm chủ yếu là do người dân thiếu hiểu biết về nấm, không nhận biết được nấm độc do không có kiến thức và khi bị ngộ độc nấm, không đưa đi viện để cấp cứu, điều trị kịp thời. Trong các loại thực phẩm gây ngộ độc thì ngộ độc nấm là nguy hiểm và có tỷ lệ tử vong cao do chứa các độc tố Alpha-amanitin, Muscarine, Phalloidin, Psilocin… làm suy gan, suy thận, suy tim, viêm dạ dầy, ruột cấp, kích thích và ức chế thần kinh trung ương. Chỉ cần vài cây nấm độc trong món ăn có nấm cũng có thể gây độc, thậm chí làm tử vong nhiều người.
Cán bộ Trạm y tế xã Trung Chải - huyện Nậm Nhùn tuyên truyền tới người dân các nguy cơ ngộ độc nấm trong mùa mưa.
Tình trạng ngộ độc nấm thường xảy ra ở nơi có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trong điều kiện kinh tế còn rất nhiều khó khăn, điều kiện xã hội còn chưa được phát triển, giao thông cách trở… Tuy nhiên công tác truyền thông về nguy cơ tiềm ẩn ngộ độc nấm hiện nay đang gặp một số khó khăn: Địa bàn rộng, dân cư thưa thớt, giao thông đi lại còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp nhất là các xã, bản vùng sâu, vùng xa, phong tục tập quán, ăn uống của người dân hái rau rừng, bắt côn trùng để làm thực phẩm, nguồn kinh phí phục vụ cho công tác truyền thông nói chung, truyền thông về ngộ độc nấm nói riêng còn hạn chế. Để truyền thông riêng về ngộ độc nấm, ngoài nội dung tuyên truyền trên sóng truyền hình, loa phát thanh thì cần tuyên truyền trực tiếp đến người dân và để làm được việc đó rất cần in các tranh ảnh về nấm độc, tờ gấp, băng đĩa tuyên truyền trực tiếp để người dân nâng cao kiến thức hiểu biết về các loài nấm độc và cách xử trí khi bị ngộ độc nấm.
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh khuyến cáo: Ngay cả các chuyên gia cũng khó phân biệt nấm lành hay nấm độc nếu chỉ dựa vào hình dạng, màu sắc. Để tránh rủi ro, người dân chỉ nên ăn những loại nấm được nuôi trồng. Tuyệt đối không được ăn nấm lạ, nấm hoang dại kể cả nấm màu trắng. Không ăn thử nấm, dứt khoát loại bỏ nấm khi còn nghi ngờ. Không hái nấm non chưa xòe mũ vì chưa bộc lộ hết đặc điểm cấu tạo khó nhận dạng nấm độc. Nấm tươi ăn được mới hái nên nấu ăn ngay, nếu để ôi, dập nát có thể hình thành độc tố mới gây ngộ độc. Khi bị ngộ độc nấm cần phải đưa tất cả những người bị ngộ độc và cả người cùng ăn nấm đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời...
T.V
Bình luận