Phòng bệnh bạch hầu từ sớm, từ xa
Bệnh này được xếp vào nhóm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm vì tỷ lệ tử vong cao, có thể trong vòng từ sáu đến 10 ngày nếu không được điều trị kịp thời, thậm chí ngay cả khi được điều trị, tỷ lệ tử vong cũng lên tới từ 5 đến 10%. Tại Việt Nam, nhờ có chiến lược tiêm chủng vaccine bạch hầu-ho gà-uốn ván trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng mà tỷ lệ nhiễm bạch hầu đã giảm mạnh vào những năm 2010. Tuy nhiên, trong những năm gần đây vẫn xảy ra các đợt dịch lẻ tẻ tại cộng đồng.
Mới nhất, theo thông tin từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, ghi nhận một trường hợp mắc bệnh tại huyện Hiệp Hòa (tỉnh Bắc Giang) và một người chết tại huyện Kỳ Sơn (tỉnh Nghệ An). Cả hai trường hợp này được xác định có tiếp xúc gần.
Ngay sau khi phát hiện trường hợp mắc bệnh bạch hầu, ngành y tế Nghệ An phối hợp chính quyền địa phương, các đơn vị liên quan chủ động triển khai ngay các biện pháp phòng, chống dịch như: Tổ chức điều tra, giám sát, lấy mẫu xét nghiệm; phun hóa chất tiêu độc, khử trùng, cách ly, cho những người tiếp xúc gần, có các biểu hiện đau họng, ho, sốt... uống thuốc kháng sinh dự phòng; tiêm vắc-xin phòng bệnh cho các đối tượng trong độ tuổi tiêm chủng chưa được tiêm. Qua điều tra dịch đã xác định được 119 trường hợp tiếp xúc gần với trường hợp tử vong thường trú tại hai huyện Kỳ Sơn và Tương Dương (tỉnh Nghệ An).
Để chủ động dự phòng, không để bệnh bạch hầu lây lan kéo dài, trên diện rộng, ngành y tế hai tỉnh Nghệ An, Bắc Giang và các tỉnh, thành phố, nhất là các địa phương từng ghi nhận các đợt dịch gần đây cần tập trung rà soát các trường hợp tiếp xúc gần với người mắc bệnh; giám sát phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc bệnh tại ổ dịch và tại cộng đồng, lấy mẫu xét nghiệm xác định kịp thời trường hợp mắc bệnh, triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch, điều trị kháng sinh dự phòng cho tất cả trường hợp tiếp xúc gần theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Bên cạnh đó, lực lượng chức năng rà soát, thống kê những người chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ vaccine phòng bệnh bạch hầu ở tất cả xã, phường và tổ chức tiêm bổ sung, tiêm vét ngay, nhất là tại các địa bàn có lưu hành bệnh bạch hầu và có tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Các địa phương ghi nhận người mắc bệnh và có nguy cơ cao lây lan tại cộng đồng cần bảo đảm tốt công tác thu dung, cấp cứu, phân luồng khám, phân tuyến điều trị cho người bệnh; tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ y tế dự phòng, cán bộ làm công tác điều trị về các nội dung hướng dẫn giám sát, phòng chống dịch bệnh, chẩn đoán, điều trị, cấp cứu, chăm sóc bệnh nhân, kiểm soát nhiễm khuẩn.
Mặt khác, tổ chức theo dõi chặt chẽ sức khỏe của trẻ em, học sinh, sinh viên tại các cơ sở đào tạo; thường xuyên vệ sinh, thông thoáng lớp học bảo đảm các phòng học an toàn cho trẻ trước khi bước vào năm học mới; thông báo kịp thời cho các cơ sở y tế khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để được cách ly, xử lý kịp thời, không để bùng phát ổ dịch.
Sau đại dịch Covid-19, ý thức phòng chống dịch bệnh của người dân đã được nâng lên, nhưng hiện ở nhiều nơi, nhất là khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, nhận thức của người dân về nguy cơ dịch bệnh vẫn còn nhiều hạn chế hoặc chủ quan. Vì vậy, ngành y tế phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan tập trung tuyên truyền sự nguy hiểm của bệnh bạch hầu nói riêng và các dịch bệnh truyền nhiễm nói chung để mọi người chủ động phòng chống dịch từ sớm, từ xa.
Nhưng việc tuyên truyền cần được thực hiện phù hợp, không để người dân hoang mang, lo sợ hoặc chủ quan. Bên cạnh đó, vận động người dân đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine đúng lịch, đủ mũi, an toàn, chất lượng để bảo vệ trẻ cũng như tạo miễn dịch cộng đồng. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh, người dân chủ động thực hiện cách ly và đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời và báo cho cơ quan chức năng. Với người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm việc uống thuốc phòng và tiêm vaccine theo chỉ định, tuân thủ yêu cầu của cơ quan y tế trên địa bàn sinh sống.
Theo https://nhandan.vn
Bình luận