"Liều thuốc" mạnh cho bệnh viện công
Trực điều trị bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai trong dịp Tết Quý Mão. Ảnh: Bệnh viện Bạch Mai
Bệnh viện được quyết định giá chữa bệnh
Đại diện các bệnh viện khẳng định: Khi Nhà nước chưa có kinh phí để mua các loại máy xét nghiệm, chẩn đoán hiện đại thì việc xã hội hóa là cần thiết. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa có quy định cụ thể nào về mặt pháp lý cho hoạt động này, khiến bệnh viện, nhà đầu tư và người bệnh gặp khó khăn trong đầu tư, thanh toán. Vì vậy Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vừa được thông qua đã tháo gỡ những vướng mắc này với hành lang pháp lý rõ ràng.
Đơn cử, tại Khoa Xạ trị - Bệnh viện K, cơ sở Tân Triều (Hà Nội), mỗi ngày có khoảng 250-300 bệnh nhân xạ trị. Trong khi đó, chỉ có ba máy xạ được Nhà nước đầu tư nhưng có thời điểm một máy hỏng, một máy đấu thầu để sửa chữa, máy duy nhất còn hoạt động luôn quá tải, phải chạy cả ngày lẫn đêm, khiến nhiều bệnh nhân phải chờ đợi cả tháng mới được xạ trị. Với các quy định mới của Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), bệnh viện không còn lo lắng khi triển khai việc liên kết mượn máy, đặt máy, giúp giảm tình trạng chờ đợi của bệnh nhân và nâng cao chất lượng điều trị.
Trước đó, Bệnh viện K và Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đã xin dừng thí điểm cơ chế tự chủ sau gần ba năm thực hiện do vướng quy định về xã hội hóa. Với Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), hai bệnh viện này có thể hoàn toàn chủ động thuê, mua, liên doanh liên kết sử dụng các trang thiết bị quan trọng đang thiếu như chẩn đoán hình ảnh, thiết bị chuyên ngành ung bướu và y học hạt nhân. Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Đào Xuân Cơ cho biết, so với năm 2019, chênh lệch thu chi năm 2022 của bệnh viện (số lượng bệnh nhân đông vượt năm 2019) chỉ bằng một nửa. Lý do năm 2019, bệnh viện có nhiều dịch vụ xã hội hóa và giá dịch vụ tính đúng, tính đủ. Còn năm 2022 lại thu theo khung giá đã rất lạc hậu, dẫn đến lương, thưởng của y, bác sĩ giảm thấp, nhiều nhân viên y tế lương không đủ sống, buộc phải rời bệnh viện. Do đó, Bệnh viện Bạch Mai rất chờ đợi khung viện phí mới, trước mắt là quy định mới về phí dịch vụ theo yêu cầu, để bệnh viện giảm bớt gánh nặng tài chính.
Chủ động tài chính và xã hội hóa
Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, giá khám, chữa bệnh hiện nay gồm bốn yếu tố: chi phí trực tiếp, tiền lương tiền công, phí quản lý và khấu hao thiết bị. Tuy nhiên, giá dịch vụ hiện hành mới thu hai yếu tố là tiền lương và các chi phí trực tiếp (máu, thuốc, dịch truyền... sử dụng cho người bệnh).
Theo ông Thuấn, năm 2022 Chính phủ đã giao Bộ Y tế hoàn thiện khung giá dịch vụ theo yêu cầu và danh mục kỹ thuật làm cơ sở cho việc "tính đúng, tính đủ" giá dịch vụ khám, chữa bệnh, mà lộ trình sẽ do Chính phủ chỉ đạo để cân đối với nền kinh tế-xã hội, cân đối giữa chỉ số CPI mà Quốc hội giao hằng năm. "Dự kiến trong quý I hoặc quý II/2023 sẽ ban hành Thông tư về giá khám, chữa bệnh theo yêu cầu khi được Chính phủ đồng ý trên cơ sở công khai, minh bạch, cạnh tranh. Đồng thời đưa yếu tố thứ ba là phí quản lý vào giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh chung", ông Thuấn nói.
Bên cạnh đó, ông Thuấn cho biết, Bộ Y tế sẽ phân cấp, phân quyền tối đa cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Đồng thời dự kiến đưa ra phương thức tính toán, giao quyền cho các cơ sở để tự quyết định. Đây là điểm rất mới, bởi nguyên tắc hiện hành là Bộ Y tế xây dựng giá dịch vụ y tế cho các đơn vị khám, chữa bệnh trực thuộc Bộ như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện K... Hội đồng nhân dân cấp tỉnh sẽ căn cứ vào nguyên tắc xây dựng giá của Bộ Y tế để xây dựng giá cho các cơ sở y tế ở địa phương mình.
Còn theo ông Đỗ Trọng Hưng, Vụ trưởng Pháp chế (Bộ Y tế), Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã tách giá thành hai nhóm, trong đó cơ sở tư nhân vẫn thực hiện theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009, được tự quyết định theo cơ chế thị trường. Nhóm thứ hai là bệnh viện công có bốn yếu tố hình thành giá (đã nói ở trên), nhưng cần xem xét yếu tố cung cấp dịch vụ sự nghiệp công của Nhà nước, do đó phương thức định giá có sự khác biệt so tư nhân. Nếu các cơ sở tư nhân đầu tư từ đầu tới cuối, và trong định giá có các yếu tố như đất đai, lợi nhuận, thì đối với dịch vụ công, có rất nhiều yếu tố hình thành giá đã được Nhà nước đầu tư, bởi vậy khi định giá không thể tính toàn bộ.
Ông Hưng cũng chỉ rõ: Luật giao Bộ Y tế quy định phương pháp định giá, áp dụng chung cho cả Nhà nước, tư nhân là biện pháp để kiểm soát giá của cả Nhà nước, tư nhân trong khám, chữa bệnh. "Việc điều chỉnh giá khám bệnh, chữa bệnh không chỉ đơn thuần là điều chỉnh mức giá cho một hay hai đơn vị mà nó tác động rất lớn đến toàn bộ phát triển kinh tế-xã hội. Do đó, luật vừa thông qua thống nhất không quy định lộ trình để tạo sự linh hoạt, chủ động cho Chính phủ trong việc điều hành giá", ông Hưng nói thêm.
Nhiều ý kiến chuyên gia nhìn nhận, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) sẽ tạo ra sự thông thoáng và quyền tự quyết rất nhiều cho các bệnh viện. Song, đây cũng không phải là "liều thuốc chữa bách bệnh" cho các vấn đề hiện nay của ngành y liên quan khám, chữa bệnh. Và để các quy định mới của Luật đạt hiệu quả cao nhất khi triển khai, chắc chắn sẽ phụ thuộc không nhỏ vào cái tâm của người làm nghề.
Cập nhật Thứ sáu, ngày 22/02/2023 - 15:40/Quang Ánh-Phan Lương/https://nhandan.vn
Bình luận