Sớm giải nhiệt vấn đề nóng y tế
Máy CT-Scanner tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy, TP Hồ Chí Minh sửa xong đi vào hoạt động ngày 22/3 sau hai tháng bị hư hỏng. Ảnh: TN
Gỡ khó cho bệnh viện
Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho hay, Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị được phân công khẩn trương hoàn thiện văn bản hướng dẫn xây dựng giá gói thầu; trang đăng tin giá gói thầu; xây dựng cơ chế bảo đảm thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung… Lãnh đạo Cục Quản lý khám chữa bệnh có văn bản chỉ đạo bảo đảm công tác nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh sau khi Nghị định 07 và Nghị quyết 30 được ban hành. Cục sẽ tổ chức các đoàn đánh giá chất lượng bệnh viện sau khi thực hiện các chính sách mới này.
Các bệnh viện, ngay khi được tháo gỡ, đã đẩy nhanh tiến độ đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư y tế, hóa chất... PGS, TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, bệnh viện đã bắt tay ngay vào việc xây dựng các gói thầu về vật tư, tiêu hao, trang thiết bị. Chỉ trong tháng tới, bệnh viện sẽ bảo đảm đủ vật tư tiêu hao cho khám chữa bệnh thông thường và cấp cứu. Hiện tại, công tác khám, chữa bệnh được bảo đảm cơ bản, không ảnh hưởng quyền lợi của người dân. Những mặt hàng cần thiết bệnh viện sẽ áp dụng hình thức mua trực tiếp. Bệnh viện cũng quán triệt cán bộ thực hiện nghiêm Luật Phòng, chống tham nhũng trong thực hiện Nghị định 07 và Nghị quyết 30.
Tuy nhiên, thực tế vẫn còn những bất cập. Như chia sẻ của ông Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, TP Hồ Chí Minh: Nghị quyết 30 của Chính phủ đã điều chỉnh quy định về thuốc, hóa chất, vật tư y tế tiêu hao; còn Nghị định 07 là trang thiết bị y tế. Sau áp dụng, bệnh viện chúng tôi đã tháo gỡ rất nhiều khó khăn, rõ nhất là giảm số lượng bệnh nhân phải ra ngoài chụp CT-Scan, giảm thời gian chờ đợi cho bệnh nhân ung thư xạ trị... Bên cạnh nhiều mặt được, hiệu quả khi áp dụng các chính sách, bệnh viện cũng còn nhiều băn khoăn trong công tác mua sắm, đấu thầu thiết bị, vật tư y tế, có thể quy vào tội vi phạm mà không biết khi việc niêm yết giá, kê khai giá không mang tính bắt buộc.
Cụ thể, với quy định một bảng báo giá hiện nay thay vì ba bảng báo giá trước đây, bệnh viện còn e ngại rằng một bảng báo giá này có sát với giá trị thực của sản phẩm mình mua hay không, trong khi các nhà quản lý bệnh viện không đủ cơ sở kiểm định. Hiện phần lớn các máy móc, thiết bị y tế chưa niêm yết giá, trong khi quy định là sản phẩm mua không được cao hơn giá niêm yết, nên bệnh viện không thể so sánh được. Giả sử trong tình huống khẩn cấp, bệnh viện mua một thiết bị dựa trên một bảng báo giá cho phép nhưng không có giá niêm yết, nếu chẳng may khi thiết bị đó đưa vào hoạt động mà có giá niêm yết thấp hơn giá bệnh viện đã mua thì có thể bị vi phạm. Và Nghị quyết 30 chỉ tháo gỡ trong thời điểm cấp bách và thí điểm đến ngày 31/12/2023 thì không giải quyết triệt để trong thời gian dài, vì việc thiếu thuốc và trang thiết bị y tế mang tính chất chu kỳ.
Theo Bộ Y tế, để bảo đảm nguồn cung, Bộ đã đề nghị các nhà thầu trúng thầu khẩn trương rà soát, làm việc với nhà cung cấp đẩy nhanh tiến độ cung ứng các mặt hàng trúng thầu và cam kết bảo đảm cung ứng mặt hàng trúng thầu; có trách nhiệm cung ứng thuốc thay thế cùng hoạt chất, nồng độ, hàm lượng nếu có yêu cầu, không để thiếu thuốc cho nhu cầu khám, chữa bệnh của cơ sở y tế. Bộ Y tế cũng đã yêu cầu các đơn vị liên quan cập nhật liên tục danh sách các nhà sản xuất, nhà thầu cung ứng thuốc đáp ứng yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm và uy tín để phục vụ cho công tác lựa chọn nhà thầu.
Cần khẩn trương ban hành nghị định mới
PGS, TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh chia sẻ: Chưa bao giờ ngành y tế khó khăn như bây giờ, nhất là đối với vị trí giám đốc bệnh viện. Theo ông, các giám đốc bệnh viện hiện rất lo ngại vấn đề cơ chế chính sách chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn, khiến công việc bị "tắc" hoặc dù đã có cơ chế chính sách nhưng vẫn lo ngại nguy cơ vi phạm. Trong khi đó, yêu cầu của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh với các bệnh viện là dù khó khăn thế nào cũng phải phát triển bền vững, phát triển chuyên môn kỹ thuật, cải tiến chất lượng và không ngừng đổi mới sáng tạo trong khuôn khổ pháp luật. "Hiện nay giám đốc các bệnh viện có một câu nói khiến tôi rất lo: "Thà bị kiểm điểm còn hơn bị truy tố". Không làm thì chỉ bị kiểm điểm, còn làm đại, làm sai thì bị truy tố. Do đó, cần tạo lưới bọc cho giám đốc các bệnh viện trong đổi mới sáng tạo để không rơi vào vòng lao lý, làm không đúng", PGS, TS Tăng Chí Thượng nói.
PGS, TS Tăng Chí Thượng cho rằng, các giám đốc bệnh viện cần phải đọc hiểu báo cáo tài chính, bởi hiện nay có tình trạng giám đốc ký báo cáo nhưng đọc không hiểu, chênh lệch thu chi âm mà không biết. Do đó, cứ mỗi sáu tháng, Sở Y tế thành phố tổ chức một lớp riêng cho giám đốc các bệnh viện với giảng viên là cán bộ từ Bộ Tài chính và Kiểm toán Nhà nước. Tiếp đến, Sở Y tế thành phố yêu cầu biệt phái, luân phiên cán bộ quy hoạch phó giám đốc, giám đốc bệnh viện về Sở công tác ít nhất sáu tháng để làm việc, học tập nhằm để khi cán bộ quay về cơ sở bổ nhiệm thì nắm vững quy định, chính sách.
Theo đề xuất của ThS Nguyễn Nhật Khanh, giảng viên Khoa Luật, Trường đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), trên tinh thần của Nghị quyết số 30 vừa ban hành, Chính phủ cần khẩn trương ban hành nghị định mới để sửa đổi Nghị định số 63. Tương tự, Bộ trưởng Tài chính cũng cần ban hành thông tư mới để sửa đổi điều 11 Thông tư số 58 năm 2016. Có như vậy thì các cơ sở y tế mới có thể an tâm áp dụng các quy định này khi triển khai thực hiện công tác đấu thầu trong thực tế.
Về lâu dài, như ý kiến của Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, cần sửa đổi Luật Đấu thầu và trong đó cần chia rõ hàng hóa y tế là hàng hóa đặc biệt, không xét chung với hàng hóa thông thường. Đồng thời, cần có chương đấu thầu riêng cho y tế và nên nêu rõ như thế nào là tình huống khẩn cấp trong y khoa để các nhà quản lý bệnh viện được mua sắm; cũng như có quy định rõ về gói bảo trì, bảo dưỡng trang thiết bị, đặc biệt với hệ thống máy móc cao cấp khi việc bảo dưỡng chúng gần như độc quyền.
Cập nhật Thứ sáu, ngày 31/03/2023 - 15:17/QUANG ÁNH-PHAN LƯƠNG/https://nhandan.vn
Bình luận