Bước đệm thúc đẩy người dân lên môi trường số
VNPT tổ chức điểm lưu động hỗ trợ cung cấp chữ ký số miễn phí.
VỚI sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế số toàn cầu cũng như quá trình chuyển đổi công dân số đang diễn ra vô cùng nhanh chóng như hiện nay, việc định danh điện tử ngày càng cho thấy vai trò quan trọng. Đặc biệt, theo báo cáo Digital 2022 của We Are Social, với 73,2% dân số có khả năng kết nối mạng, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng internet và các hoạt động giao dịch trực tuyến thuộc nhóm cao trong khu vực. Đây là một trong những tiền đề để các doanh nghiệp tăng tốc đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ định danh điện tử, nâng cao trải nghiệm của người dùng trên môi trường số.
Căn cứ Nghị quyết số 130/NQ-CP về Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2022, Chính phủ đã giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp các cơ quan nhằm thúc đẩy các địa phương tăng tỷ lệ người dân nộp hồ sơ, nhận kết quả trực tuyến cũng như thúc đẩy chương trình đưa người dân lên môi trường số. Nhằm góp phần thực hiện chỉ đạo này, hoạt động cung cấp miễn phí chữ ký số cá nhân cho người dân của các nhà mạng cũng là một trong những bước đệm quan trọng. Bên cạnh đó, đây cũng là thời điểm để các đơn vị cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng chú trọng xây dựng và phát triển nền tảng cung cấp chữ ký số nhanh chóng, hiện đại, toàn trình trên môi trường số.
"Nắm bắt định hướng chỉ đạo của Chính phủ cũng như nhu cầu thực tế từ thị trường, sau quá trình tập trung nghiên cứu phát triển, từ ngày 6/1/2023, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) chính thức tiên phong cung cấp chứng thư số bằng phương thức điện tử, giúp người dân thực hiện kích hoạt chữ ký số từ xa bằng việc áp dụng công nghệ định danh khách hàng trực tuyến. Bên cạnh đó, chúng tôi đã tổ chức điểm lưu động hỗ trợ cung cấp chữ ký số miễn phí vào hai ngày cuối tuần (ngày 4-5/2 và 11-12/2) tại 75 Đinh Tiên Hoàng (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Người dân chỉ cần mang theo chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân còn hạn sử dụng để tham gia cấp chữ ký số miễn phí", ông Đỗ Kế Công, Giám đốc Ban Kinh doanh chữ ký số và hợp đồng điện tử VNPT, chia sẻ.
THỐNG kê của Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC) cho thấy chữ ký số cá nhân chỉ chiếm 1% tổng chữ ký số được cấp phát. Hiện tại, đối tượng khách hàng sử dụng chủ yếu vẫn là các doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc phổ biến chữ ký số tới đại bộ phận người dân sẽ giúp tiết kiệm thời gian, giảm hoạt động không cần thiết cũng như tăng tính hiệu quả tổng thể trong quá trình thực hiện các dịch vụ công trực tuyến.
Chị Bích Thảo, từng sinh sống và làm việc tại Tokyo, chia sẻ: Ở Nhật Bản, chữ ký số được sử dụng từ cách đây hơn 10 năm, trong các giao dịch điện tử và nhiều dịch vụ công trực tuyến khác nhau. Mỗi công dân được cấp một mã số định danh duy nhất cho phép truy cập vào một loạt các dịch vụ như nộp thuế hay an sinh xã hội vô cùng tiện lợi.
Trung bình, mỗi người chỉ mất vài phút để đăng ký thành công chữ ký số cá nhân. Công cụ này sẽ thay thế chữ ký viết tay được dùng với mục đích xác thực danh tính của người ký trên các loại văn bản, tài liệu chính thức. Bởi vậy, việc sử dụng hai thiết bị cho một tài khoản chữ ký số cũng được ngăn chặn để bảo đảm tính duy nhất và tăng cường tính bảo mật, giảm nguy cơ gian lận và vi phạm dữ liệu cho người dùng.
Như trường hợp của anh Quốc Tân, chỉ cần truy cập vào cổng dịch vụ công quốc gia, tải mẫu đơn và các giấy tờ cần thiết rồi nhấn nút "ký" trên ứng dụng. Sau khi thao tác, hệ thống sẽ gửi thông báo về điện thoại để nhập mã khóa bí mật. Những bước tưởng chừng như đơn giản này đã giúp anh tiết kiệm khá nhiều thời gian cũng như chi phí đi lại thay vì phải trực tiếp tới Ủy ban nhân dân phường hay quận để làm thủ tục và giấy tờ tương ứng.
Theo nhận định của các chuyên gia, dịch vụ chữ ký số sẽ giúp người dân ngày càng thuận tiện trong quá trình giải quyết các dịch vụ công trực tuyến hay xử lý các thủ tục hành chính khi phải xác thực các giao dịch điện tử. Đây là bước đệm giúp thúc đẩy chuyển đổi số toàn bộ các hoạt động của cuộc sống lên môi trường mạng. Với định hướng chính phủ điện tử, xây dựng công dân số, xã hội số, đặc biệt là nhu cầu tự thân của mỗi người dân mong muốn số hóa trên mọi lĩnh vực, nhu cầu và tiềm năng của chữ ký số cho cá nhân sẽ ngày càng được mở rộng hơn nữa.
Cập nhật Thứ sáu, ngày 10/02/2023 - 14:19//https://nhandan.vn/
Bình luận