Chủ nhật, 01/12/2024, 08:04 [GMT+7]

Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc cho trẻ em

Thứ năm, 21/12/2023 - 17:27'
(BLC) - Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, các cấp, các ngành huyện Tam Đường đã triển khai nhiều giải pháp linh hoạt, thực hiện có hiệu quả dự án 7: chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc của người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ em tại 4 bản đặc biệt khó khăn thuộc dân tộc thiểu số rất ít người trên địa bàn. Nhờ đó, chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày một nâng lên; tỷ lệ trẻ em suy  dinh dưỡng giảm.

1

4 bản được hưởng chính sách theo dự án 7 của Chương trình đều là đồng bào dân tộc Lự, sinh sống ở các bản: Bản Thẳm, Đông Pao 2, Bãi Trâu (xã Bản Hon) và Phiêng Pẳng (xã Bản Bo). Đây là một trong 4 dân tộc có số dân dưới 10 nghìn người tại tỉnh Lai Châu.

Đều đặn hằng tháng, cán bộ Trạm Y tế xã Bản Hon xuống các bản tuyên truyền một lần, nhất là các bản đặc biệt khó khăn có đồng bào dân tộc Lự sinh sống. Hành trang của họ mang theo là những tờ rơi, tranh ảnh về sức khoẻ bà mẹ, trẻ em, thuốc…

2

3

Bên cạnh đó, Trạm Y tế các xã: Bản Bo, Bản Hon còn làm tốt công tác quản lý theo dõi sự phát triển của trẻ nhỏ. Tổ chức thực hiện tẩy giun, uống vitamin A định kỳ cho trẻ 6 tháng 1 lần. Cân, đo chiều cao đánh giá tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ dưới 2 tuổi 3 tháng/lần, trẻ 2-5 tuổi bị suy dinh dưỡng 1 tháng/lần, trẻ dưới 5 tuổi 1 năm/1 lần. Từ đó, có căn cứ tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho phụ huynh phối hợp cùng nhà trường chăm sóc, đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ phát triển toàn diện.

4

Song song với công tác phòng chống dinh dưỡng cho trẻ dưới 5 tuổi, các Trạm Y tế luôn duy trì chăm sóc sức khoẻ hằng ngày cho nhân dân. Với phương châm “Bệnh nhân đến nhiệt tình đón tiếp, bệnh nhân ở tận tình chăm sóc, bệnh nhân về dặn dò chu đáo”, đội ngũ y, bác sĩ tuyến cơ sở luôn làm tốt nhiệm vụ của mình; thăm khám, tư vấn sức khoẻ cho người dân. Đặc biệt, luôn gần gũi với bà con người dân tộc thiểu số.

5

Được biết, 4 bản đặc biệt khó khăn có đồng bào dân tộc Lự sinh sống trên địa bàn huyện hiện có 30 trẻ dưới 5 tuổi, 6 phụ nữ mang thai được cấp sữa. Theo đó, mỗi trẻ nhận được 65 hộp sữa tươi/năm, mỗi phụ nữ mang thai nhận 2 hộp sữa bột.

Đến nay, sức khoẻ bà mẹ trẻ em, phụ nữ mang thai người dân tộc Lự luôn được đảm bảo. Trong mấy năm qua, không có trường hợp bà mẹ nào tử vong sau sinh. Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi, nhẹ cân giảm rõ rệt. Trong 30 trẻ hiện tại ở 4 bản đặc biệt khó khăn, còn khoảng 6 trẻ đang ở ngưỡng suy dinh dưỡng và có thể cải thiện được trong tương lai.

6

Với nhiều giải pháp linh hoạt của các cấp, các ngành huyện Tam Đường đã góp phần giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ dưới 5 tuổi trên địa bàn xã, huyện; đảm bảo mục tiêu của dự án 7 trong Chương trình: cải thiện sức khoẻ của người dân tộc thiểu số về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ. Tăng cường công tác y tế cơ sở để đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại. Tiếp tục khống chế, tiến tới loại bỏ dịch bệnh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đinh Đông - Ngọc Duy

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Trưởng bản gương mẫu làm kinh tế
Ở bản Bút Trên (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên), dân bản luôn dành sự ngưỡng mộ đối với trưởng bản Cầm Văn Nhờ bởi cách làm kinh tế của gia đình anh. Tận dụng vốn liếng của cha mẹ để lại, gia đình...