Sớm đẩy lùi nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống
Tăng cường tuyên truyền, phổ biến về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh Lai Châu (ảnh Văn Hùng).
Ông Tống Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho biết, với mục tiêu đến năm 2025 cơ bản ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, tỉnh Lai Châu đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực nhằm thay đổi nhận thức, hành vi, trách nhiệm của người dân vùng đồng bào DTTS tại địa phương. Trong đó, tỉnh Lai Châu đã triển khai, thực hiện Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn II (2021-2025) và Chỉ thị số 09-CT/TU ngày 06/4/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Kế hoạch số 2059/KH-UBND ngày 17/6/2022 của UBND tỉnh nhằm góp phần nâng cao trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị, xã hội trên địa bàn trong thực hiện việc giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Do đó, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống có xu hướng giảm dần từng năm. Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh có 1.370 vụ tảo hôn. Trong đó, tảo hôn vợ hoặc chồng 749 vụ, tảo hôn cả vợ và chồng 621 vụ, còn không có hôn nhân cận huyết thống.
Để đạt được kết quả trên, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tổ chức được 401 cuộc tuyên truyền, truyền thông thay đổi hành vi, nâng cao nhận thức về hôn nhân và gia đình trên địa bàn toàn tỉnh với 13.070 lượt người tham gia. Tổ chức thực hiện 60 cuộc tư vấn, tuyên truyền vận động phòng, chống về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho 2.180 lượt người. Tổ chức biên soạn tài liệu, liên quan đến Luật hôn nhân và gia đình, phụ nữ, trẻ em, bình đẳng giới, dân số. Bên cạnh đó, tỉnh Lai Châu cũng xây dựng, triển khai nhân rộng mô hình điểm và các mô hình chuyên đề cũng như thực hiện là 2 mô hình can thiệp nhằm giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại xã Nậm Manh, huyện Nậm Nhùn.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu, ông Tống Thanh Hải, đối với kết quả thực hiện Tiểu dự án 9.2 “giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi” thuộc Dự án 9 của Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021-2025, tỉnh Lai Châu đã đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ. Trong năm 2023, tỉnh Lai Châu đã biên soạn, in ấn và cấp phát hành với tổng số 30.001 tờ rơi, pa nô, áp phích tuyên truyền chung tay phòng chống nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức làm công tác dân tộc, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật. Năm 2022, toàn tỉnh đã mở 41 lớp tập huấn về kiến thức, kỹ năng truyền thông, vận động, tư vấn pháp luật liên quan về hôn nhân và gia đình cho 1.230 học viên. Năm 2023, tỉnh đã tổ chức 50 hội nghị tập huấn về kiến thức, kỹ năng truyền thông, vận động, tư vấn pháp luật liên quan về hôn nhân và gia đình cho 2.911 học viên là người dân tại các bản có tỷ lệ tảo hôn cao trên địa bàn tỉnh; đưa 2 đoàn đại biểu cán bộ, công chức làm công tác dân tộc, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Lai Châu đi giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm các tỉnh phía Bắc.
“Không dừng lại ở đó, từ năm 2022 – 2023, toàn tỉnh cũng tổ chức được 223 cuộc tư vấn, tuyên truyền, vận động phòng chống về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Trong đó, từ nay đến cuối năm 2023, tỉnh Lai Châu dự kiến tổ chức tư vấn chăm sóc sức khoẻ sinh sản, sức khoẻ bà mẹ, trẻ em, dân số kế hoạch hoá gia đình, dinh dưỡng, phát triển thể chất có liên quan trong lĩnh vực hôn nhân nhằm giảm thiểu tình trang tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống một số xã trên địa bàn tỉnh. Duy trì và triển khai mô hình tại các xã, huyện, trường có tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cao. Duy trì 5 câu lạc bộ mô hình can thiệp cũ cũng như triển khai 13 mô hình, tổ tư vấn câu lạc bộ mới”, ông Hải chia sẻ
Bên cạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, tỉnh Lai Châu cũng đặc biệt quan tâm đến công tác kiểm tra, đánh giá việc thực hiện tại các địa phương. Do đó, trong năm 2022, tỉnh cũng tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành, giám sát việc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia, lồng ghép kiểm tra việc thực hiện tiểu dự án 9.2 tại cơ sở trên địa bàn toàn tỉnh. Thông qua kiểm tra tại các xã, thị trấn đã kịp thời hướng dẫn giải quyết những khó khăn, vướng mắc, đưa ra các giải pháp để việc triển khai tiểu dự án 9.2 trên địa bàn toàn tỉnh đạt hiệu quả.
Bình luận